Cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan đã đi vào cuộc sống
Mới đây, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, xuất nhập khẩu. Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đánh giá cao những cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan thời gian qua đã đi vào thực chất.
Theo Văn phòng Chính phủ, từ năm 2017 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm 402/638 danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; 1.141 điều kiện kinh doanh và có phương án cắt giảm, đơn giản hoá 2.118 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh dự kiến cắt giảm lên 3.259/5.786 điều kiện kinh doanh (con số cắt giảm, đơn giản hoá dự kiến đạt 56%).
Trong đó, riêng trên lĩnh vực thuế, hải quan, xuất nhập khẩu đã thực hiện cắt giảm mạnh mẽ mang lại kết quả thiết thực. Đây là các lĩnh vực có liên quan đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là lĩnh vực “nóng”, được truyền thông, dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, trong lĩnh vực thuế, đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với 405 thủ tục, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế như: Khai nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Thống kê cho thấy, khai thuế điện tử đã thực hiện trên cả nước với gần 640 nghìn doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; Đã triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh, thành với trên 2.550 doanh nghiệp khai hoàn thuế điện tử, đạt 38% trên tổng số 6.700 doanh nghiệp tham gia thí điểm...
Trong lĩnh vực hải quan, từ năm 2016 đến nay, đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với 223 thủ tục hải quan; Tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Hiện hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Ngành Hải quan cũng đã kết nối với các hãng hàng không nắm thông tin về hàng hóa nhập khẩu, thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các doanh nghiệp hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; Triển khai nộp thuế qua ngân hàng…
Bên cạnh đó, đã giảm thời gian nộp thuế và thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hoá (năm 2017 còn dưới 111 giờ, giảm 420 giờ so với năm 2013; Thời gian giải phóng hàng nhập khẩu giảm từ 42 giờ năm 2014 xuống còn 34 giờ năm 2016...).
Về xuất nhập khẩu, một số cải cách đã được triển khai như: Thí điểm cơ chế đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan thay vì phân giao hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường; Kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia để cấp phép nhập khẩu trực tuyến cấp độ 4 đối với xe máy phân khối lớn, các chất làm suy giảm tầng ozone…
Việc chủ động cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính đã được ghi nhận qua Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing business 2018 (DB2018) toàn cầu được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31/10/2017. Cụ thể, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với DB2017); Trong đó chỉ số Nộp thuế (Paying Taxes) xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2017). Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp các cải cách về thuế được ghi nhận trong Báo cáo Môi trường kinh doanh.