Cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan hỗ trợ doanh nghiệp


Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh đó, kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cũng bị tác động mạnh mẽ.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Chính phủ và các bộ, ngành tích cực triển khai nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đặc biệt là ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Tác động của đại dịch Covid-19 và ứng phó của doanh nghiệp

Kết quả cuộc điều tra với quy mô 10.197 doanh nghiệp (DN) tại 63 tỉnh, thành phố do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố vào tháng 4/2021 cho thấy, đại dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến DN tại Việt Nam. 87,2% DN cho biết, các DN chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.

Cả khu vực DN tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các nhóm DN, đối tượng bị chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm và các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.   

Đại dịch Covid-19 có tác động nghiêm trọng tới doanh thu của các DN trong năm 2020, cụ thể, có 65% DN tư nhân và 62% DN FDI cho biết doanh thu của họ sẽ bị giảm so với năm 2019. Tỷ lệ DN cho biết bị giảm doanh thu gia tăng theo số năm hoạt động. Doanh thu dự kiến cũng giảm nhiều hơn với các DN tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong khi đó, với DN FDI, mức suy giảm doanh thu dự kiến lại xảy ra nhiều hơn với các DN quy mô lớn. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy, mức giảm doanh thu trung bình với DN tư nhân là 36% và DN FDI là 34%.

Theo VCCI, đại dịch Covid-19 tác động đến DN trên nhiều phương diện. Đa số DN cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của DN. Chuỗi cung ứng của nhiều DN đã bị gián đoạn. Một số DN còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác như: Giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Các DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19.

Các khó khăn lớn nhất với DN tư nhân trong đại dịch Covid-19 xếp theo tỷ lệ DN chịu ảnh hưởng lần lượt là: Tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%). Dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với DN FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%).

Để cầm cự trước đại dịch Covid-19, có đến 35% DN tư nhân và 22% DN FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Đặc biệt, các DN tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Đối với khu vực DN FDI, có 26% DN quy mô vừa và 32% DN quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc. Tỷ lệ DN tư nhân cắt giảm nhân sự cao nhất đối với các ngành Thông tin truyền thông, sản xuất xe có động cơ và sản xuất chế biến đồ da.

Dù bị tác động rất nặng nề nhưng hầu hết các DN đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Theo kết quả điều tra, có tới 92% DN tư nhân và 96% DN FDI đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Trong đó, giải pháp mà nhiều DN thực hiện là cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động (57% DN tư nhân và 71% DN FDI)...

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19

Đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, dù ngân sách nhà nước còn eo hẹp, nhưng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ngay từ thời kỳ đầu dịch bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg…

Để thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN. Các gói hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm được ban hành gồm: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội với quy mô 62 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động là 16 nghìn tỷ đồng.

Qua khảo sát cho thấy, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. Phân theo khu vực kinh tế, DN tư nhân quy mô vừa hoặc lớn có xu hướng đánh giá việc tiếp cận các chính sách thuận lợi hơn.

Về tính hữu ích của các chính sách, có 3 chính sách được các DN đánh giá cao nhất bao gồm: Gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng; gia hạn đóng thuế thu nhập DN; gia hạn nộp tiền thuê đất. Mặc dù các DN vẫn còn không ít khó khăn trong tiếp cận chính sách vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động nhưng các DN vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này.

Tạo cú hích từ cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan

Qua bức tranh tổng thể về những nỗ lực của các bộ, ngành cùng đồng hành, hỗ trợ DN trong bối cảnh Covid-19, trong đó phải kể đến những điểm sáng trong cải cách thủ tục hành chính lĩnh lực thuế, hải quan, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Theo ghi nhận từ cộng đồng DN, những kết quả đạt được trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đã và đang tạo ra những tác động tích cực như: Thể chế, chính sách thuế từng bước được sửa đổi theo hướng đơn giản, minh bạch, rõ ràng và dễ thực hiện hơn theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tê; cùng với đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính thuế, hải quan giúp các DN tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2019, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng ấn tượng lên 22 bậc (từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá).

Đáng chú ý, phần lớn các chỉ số nộp thuế của Việt Nam đều có sự cải thiện. Trong đó, thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 xuống 384 giờ); trong số giờ này có 94 giờ giảm là nhờ cải cách, đơn giản hóa tại các thủ tục về khai thuế giá trị gia tăng và 20 giờ giảm là nhờ những cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế thu nhập DN. Số lần nộp thuế của Việt Nam cũng giảm 4 lần (từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020. Tổng mức thuế suất (tỷ lệ tổng thuế và đóng góp) giảm 0,2%, từ mức 37,8% (thuế 13,3%, bảo hiểm xã hội 24,5%) năm 2019 xuống còn 37,6% năm 2020.

Đạt được kết quả tích cực trên là do có sự đồng hành, nỗ lực của toàn ngành Thuế trong triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính thuế, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Cụ thể:

- Về công khai thủ tục hành chính (TTHC): Việc công khai các TTHC trong lĩnh vực thuế đã, đang được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như đăng tải tại các trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, cục thuế các tỉnh, thành phố, các chi cục thuế; đồng thời, niêm yết các TTHC thuộc cấp Tổng cục Thuế tại trụ sở Văn phòng Tổng cục Thuế; các TTHC được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia, công khai tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên website Tổng cục Thuế để người nộp thuế tra cứu.

Hệ thống dịch vụ thuế điện tử gồm 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục thuế và 415 chi cục Thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt 24/7 được vận hành thống nhất và hiệu quả. Trong 06 tháng đầu năm 2021, hệ thống thuế đã tiếp nhận 2.924 câu hỏi, đã trả lời 2.690 câu hỏi (đạt 92%).

- Về kiểm soát TTHC: Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thuế tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện và hiệu quả, thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và DN để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Về cắt giảm, đơn giản hoá TTHC: Ngành Thuế tiếp tục triển khai các phương án nâng cấp TTHC mức độ 2 lên mức độ 3,4 theo Quyết định số 2204/QĐ-BTC ngày 21/11/2018 của Bộ Tài chính: Phối hợp chặt chẽ với các vụ/đơn vị triển khai nâng cấp các TTHC lên mức độ 3,4 theo kế hoạch. Đồng thời, rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thuế năm 2021... Ngành Thuế đã kiến nghị đơn giản hóa 86/304 TTHC (tỷ lệ 28,3%), tương ứng với tiết kiệm 524.090.485.000 đồng chi phí tuân thủ TTHC. 

- Về khai thuế điện tử: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Đến nay, đã có 830.581 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 833.867 DN đang hoạt động (đạt tỷ lệ 99,61%). Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là 9.735.600 hồ sơ.

- Về nộp thuế điện tử: Ngành Thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến tháng 6 năm 2021, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 824.466 DN trên tổng số 833.867 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,87%.

Song hành cùng lĩnh vực thuế, thời gian qua, ngành Hải quan đã tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện cải cách TTHC. Trong đó, ngành Hải quan điều phối và phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Với những nỗ lực đó, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 đã có bước đột phá, mang tính cách mạng.

Đến ngày 15/4/2021, đã có 13 bộ, ngành triển khai cơ chế một cửa quốc gia với 222 TTHC của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 3,76 triệu hồ sơ của gần 46,2 nghìn DN tham gia. So với giai đoạn 2011 – 2015, số lượng thủ tục hành chính được triển khai của giai đoạn 2016-2020 tăng gấp hơn 8 lần; số lượng hồ sơ được xử lý tăng gấp 84 lần; số DN tăng gấp hơn 12 lần.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã, đang phối hợp với các bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử với Hàn Quốc.

Về cơ chế một cửa ASEAN, đến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi C/O mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 09 nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Phillipine.

Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn. Trong năm 2018, việc trao đổi chính thức thông tin e-C/O đã tiết kiệm 7,89 triệu USD, trong đó tiết kiệm 2,95 triệu USD đối với hàng nhập khẩu và 4,94 triệu USD đối với hàng xuất khẩu.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua  đại dịch Covid-19

Để giúp các DN vượt qua đại dịch Covid-19, những giải pháp hỗ trợ có vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh các giải pháp trực tiếp đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, nhiều DN cũng đề cập đến những giải pháp có tính lâu dài hơn.

Có thể thấy, nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận tín dụng có dư địa không nhiều vì những giới hạn ngân sách thì những giải pháp cải cách TTHC nhìn chung dễ thực hiện hơn và vốn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây. Cộng đồng DN cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc cải cách TTHC, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các DN trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19.

Để hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua được các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 và giai đoạn sắp tới, rất cần có những cú hích mới từ chính sách, đặc biệt là từ cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế

- Về cải cách thể chế: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế.

- Về cải cách TTHC: Tiếp tục triển khai thực thi phương án đơn giản hoá các TTHC trong lĩnh vực thuế; Tiếp tục đơn giản hoá các TTHC để đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 theo kế hoạch. Triển khai thực thi phương án đơn giản hoá TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trong lĩnh vực thuế theo kế hoạch của Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo Đề án 896.

- Về hiện đại hóa hành chính: Tiếp tục thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các TTHC ở mức độ 2 lên 3, 4 và tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia.

Tiếp tục đơn giải hóa thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan

- Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực Hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục Hải quan. Song hành với đó là cải cách chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. 

- Đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC, đặc biệt là việc đánh giá tác động của TTHC và công bố TTHC.

- Đẩy mạnh triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam trong năm 2021, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030; Xây dựng Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2021-2025; Khảo sát thời gian và mức độ hài lòng của DN về thực hiện TTHC thông qua cơ chế một cửa quốc gia; Khảo sát chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới; Tổng hợp kết quả ghi nhận chỉ số chính đánh giá hiệu quả hoạt động thuộc các lĩnh vực của ngành Hải quan năm 2020.

- Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, chính phủ điện tử ngành Hải quan; trong đó tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN và các bên liên quan đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện thủ tục hải quan của người dân, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin Điện tử Hải quan phục vụ người dân và DN trong quá trình làm thủ tục hải quan trên nền tảng ứng dụng di động, trong đó đảm bảo cung cấp ít nhất 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.    

Tài liệu tham khảo:

1.Chương trình Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020;

2.Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020;

3.Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, Ban hành Kế hoạch hành động kèm theo Quyết định số 328/QĐ-BTC ngày 20/02/2017 thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ.

(*) Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Giám đốc Dự án PCI - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 7/2021.