Quản lý chuyên ngành: Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Theo baohaiquan.vn

Quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo nhằm tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, bất cập, tạo thuận lợi cho thương mại, đồng thời vẫn có các biện pháp quản lý nhằm không để DN lợi dụng chính sách, NK hàng hóa sử dụng không đúng mục đích.

Các đơn vị phối hợp lấy mẫu kiểm tra hàng hóa XNK tại cảng Đà Nẵng. Nguồn: PV.
Các đơn vị phối hợp lấy mẫu kiểm tra hàng hóa XNK tại cảng Đà Nẵng. Nguồn: PV.

Không phải cứ miễn là thả

Trường hợp Công ty TNHH Triều Nhật-Chủ nhãn hiệu bánh Trung thu Long Đình, NK số lượng lớn nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa được miễn thủ tục tự công bố sản phẩm và miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng không khỏi e ngại về chất lượng của những chiếc bánh Trung thu có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc. 

Vì sao 11 tấn nguyên liệu công ty này NK lại được miễn toàn bộ các bước quản lý, kiểm tra chất lượng?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4, Khoản 7 Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì “sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, NK chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng XK hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước” được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm, miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm NK.

Tại hội nghị “Phổ biến Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn thực phẩm tổ chức tại TP HCM ngày 6/3/2018, ông Nguyễn Thanh Phong-Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, đại diện cơ quan chuyên ngành về an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã nêu: Nguyên liệu NK dùng để sản xuất sản phẩm, gia công XK hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân bao gồm cả không tiêu thụ và tiêu thụ tại thị trường trong nước không thuộc diện kiểm tra nhà nước và DN không cần phải tự công bố chất lượng hàng hóa. Khi NK DN khai báo, chịu trách nhiệm về mục đích NK sản phẩm, nguyên liệu, cam kết không NK sản phẩm, nguyên liệu để trực tiếp tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Trên cơ sở đó, ngày 9/3, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương thực hiện. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng có văn bản trao đổi với các bộ về nội dung nêu trên và nhận được sự nhất trí với nội dung hướng dẫn.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua phát sinh trường hợp DN làm thủ tục NK số lượng lớn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa được miễn thủ tục tự công bố sản phẩm và miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, như trường hợp của Công ty TNHH Triều Nhật.

Để làm rõ quy định sản phẩm, nguyên liệu NK để phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân, mới đây Bộ Tài chính đã đề nghị ba Bộ trực tiếp gồm: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến cụ thể.

Để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, ngăn chặn việc DN lợi dụng quy định các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm để NK sản phẩm, nguyên liệu để tiêu thụ tại thị trường trong nước, Bộ Tài chính cho rằng, đối với sản phẩm, nguyên liệu do DN NK trực tiếp phục vụ sản xuất (bao gồm sản xuất để XK, gia công cho đối tác nước ngoài hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân nhưng không tiêu thụ tại thị trường trong nước) được miễn thủ tục tự công bố sản phẩm, miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm NK. Khi NK, DN khai báo, chịu trách nhiệm về mục đích NK sản phẩm, nguyên liệu, cam kết không NK sản phẩm, nguyên liệu phục vụ sản xuất để tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên, đối với sản phẩm, nguyên liệu do DN NK trực tiếp phục vụ sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa để tiêu thụ tại thị trường trong nước (tiêu thụ nội địa) thì không thuộc trường hợp được miễn thủ tục tự công bố sản phẩm, miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm NK.

Nhiều văn bản cần sửa đổi

Đó chỉ là một trong số rất nhiều những vấn đề bất cập hiện tồn tại tại các văn bản pháp luật quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.

Tại Quyết định 1254/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, 30 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành phải sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, khá nhiều văn bản dù chỉ ban hành và có hiệu lực trong thời gian gần đây nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu phải sửa đổi. Chẳng hạn Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 Quy định về quản lý hóa chất, Bộ Công Thương nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 113/2017/NĐ-CP theo hướng: Trường hợp quy định hỗn hợp hóa chất chứa tiền chất công nghiệp NK phải có giấy phép nhập thì phải quy định cụ thể tại Nghị định và ban hành Danh mục cụ thể hỗn hợp hóa chất chứa tiền chất phải có Giấy phép NK kèm mã số HS để có cơ sở pháp lý cho các đơn vị thực thi đối chiếu, thực hiện thống nhất.

Hay Quyết định 24/2018/QĐ-TTg ngày 28/5/2018, Quyết định 04/2017/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 về kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu, yêu cầu đặt ra là: Bộ Công Thương không yêu cầu DN phải nộp chứng từ liên quan đến kiểm tra, giám định về hiệu suất năng lượng, kể cả bản đăng ký kiểm tra hiệu suất năng lượng có xác nhận của cơ quan chức năng do Bộ Công Thương chỉ định cho cơ quan hải quan; giao các cơ quan quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với hàng hóa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu của DN.

Kế hoạch hành động của Thủ tướng cũng chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) theo hướng: Sửa đổi quy định miễn công bố hợp quy và kiểm tra chất lượng tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, theo đó bổ sung quy định miễn kiểm tra chất lượng đối với hàng NK là nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu thụ nội địa. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành ban hành Danh mục hàng hóa nhóm 2 kèm phương thức kiểm tra phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; nghiên cứu cơ chế quản lý phù hợp, không yêu cầu DN phải nộp bản đăng ký kiểm tra có xác nhận của cơ quan kiểm tra để thông quan hàng hóa.