Tỉnh Đồng Nai:
Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Là địa phương thuộc tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế song đánh giá về môi trường kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai mới chỉ ở mức khá. Vị trí xếp hạng PCI năm 2020 của Đồng Nai là 20/63 tỉnh, thành.
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp (DN), nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay không chỉ của Đồng Nai mà cả nước là tiếp tục xu hướng cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN hồi phục. Năm 2022, Đồng Nai đặt mục tiêu cải thiện chỉ số PCI lên 2 bậc, xếp thứ 18 các tỉnh, thành.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ để phục hồi…
Với cộng đồng DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể, thực tế, đặc biệt sát sườn với hoạt động của họ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Đồng Nai coi hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN cũng là hiệu quả công tác điều hành của chính quyền. Với phương châm đồng hành, thẳng thắn, tỉnh rất mong muốn nhận được sự trao đổi, góp ý và cả phản ánh của cộng đồng DN để địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trên thực tế, DN đang phải đối mặt cùng lúc với nhiều vấn đề, từ thiếu hụt lao động đến tài chính, thêm vào đó là những phát sinh do dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung cầu hàng hóa; giá cước vận chuyển tăng gấp nhiều lần, giá nguyên, vật liệu, nhiên liệu tăng liên tục, giá sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cũng tăng theo giá xăng dầu...
“Giai đoạn này, nền kinh tế đang từng bước hồi phục, sản xuất, kinh doanh của DN cũng có triển vọng hơn dù vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Cải thiện môi trường kinh doanh hằng năm cho sát với thực tiễn đời sống DN là điều chúng tôi mong muốn, nhưng trước mắt ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thì cần triển khai ngay các chính sách hỗ trợ mới đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành để DN có thêm nguồn lực trong quá trình hồi phục” - ông Đặng Quốc Nghi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rồng Nam Việt, DN chuyên cung ứng dịch vụ logistics, vận tải hàng hóa nêu kỳ vọng.
Một trong những vấn đề mà DN đang từng ngày chờ đợi trong bối cảnh hiện nay là tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, việc cho phép DN, HTX được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ… đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết.
Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát Nguyễn Hòa An cho hay, chỉ khi các đối tác sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt thì mới tạo cơ hội để DN của ông phát triển theo. Mặc dù công ty vẫn đang có lượng đơn đặt hàng ổn định nhưng ông cũng lo lắng, vì tình hình hiện nay biến động liên tục. Không loại trừ trong quá trình hoạt động, DN của ông cũng như các đối tác phát sinh thêm những rào cản khiến quá trình phục hồi chậm lại.
Cải thiện chỉ số PCI
Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, Đồng Nai đạt 64,56 điểm, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành xếp hạng khá. So sánh với kết quả chỉ số PCI năm 2019 thì tổng điểm các chỉ số thành phần của Đồng Nai giảm 1,26 điểm, thứ hạng tăng 3 bậc.
Như vậy, Đồng Nai đạt mục tiêu về tăng thứ hạng nhưng không cải thiện điểm số PCI. Hơn nữa, là tỉnh trong nhóm các địa phương phát triển kinh tế mạnh mẽ của cả nước, nhưng qua nhiều năm liền Đồng Nai mới bắt đầu vào tốp 20 về môi trường kinh doanh, điều này cần phải được cải thiện rõ nét hơn nữa.
Nhằm tiếp tục đồng hành cùng DN, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu cải thiện các chỉ số thành phần PCI, nhất là điểm số, vị trí xếp hạng cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của địa phương. Mục tiêu là tăng điểm từng chỉ số và tổng điểm PCI, phấn đấu lọt vào 18 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất trong năm nay.
Cụ thể, Tỉnh nỗ lực để chỉ số PCI tăng thêm từ 2-4 điểm (tương đương 67,15 đến 68,15 điểm). Để có thể cải thiện được các chỉ số quan trọng, Đồng Nai tập trung vào các giải pháp cụ thể, bám sát thực tiễn như vấn đề gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian của DN trong giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó là dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động, chi phí không chính thức, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự cũng sẽ được cải thiện.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được đặt nhiều kỳ vọng là việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Đồng Nai sẽ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên các lĩnh vực cho DN. Đồng Nai sẽ tập trung nghiên cứu giải pháp cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và công nghệ, dự án xanh...