Cải cách thể chế giúp doanh nghiệp nhỏ “lớn lên“!
Các Hiệp định thương mại Tự do (FTA) trong đó có TPP sẽ không đem đến những thành quả như kỳ vọng nếu chúng ta không giải quyết những trở ngại còn tồn tại, trong đó cải cách chất lượng thể chế của môi trường kinh doanh phải đặt lên hàng đầu.
Lo bị thâu tóm, sợ ngoài cuộc chơi!
Tin tức liên tiếp về việc người Thái đã và đang thâu tóm hoàn toàn hoặc một phần nhiều DN Việt như C.P Việt Nam, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Bao bì nhựa Tín Thành, và đặc biệt là hệ thống bán lẻ của Việt Nam như Big C, chuỗi siêu thị Familiy Mart, Metro Việt Nam… đã làm dấy lên một làn sóng lo ngại sâu rộng về những tác động tiêu cực của trào lưu thâu tóm này lên nền kinh tế Việt Nam. Tất nhiên, số phận các DNNVV càng trở nên bấp bênh hơn khi cánh cửa hội nhập ngày càng rộng hơn và cơ bị thâu tóm hoặc biến mất khỏi cuộc chơi là viễn cảnh không quá khó để hình dung.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu DNNVV Phạm Thế Hưng, không khó nhận thấy sự áp đảo của DN có vốn đầu tư nước ngoài khi so sánh về quy mô vốn, doanh thu. DN có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn trung bình khoảng 300 tỷ đồng/đơn vị. Nhưng quy mô vốn trung bình của DN trong nước chỉ khoảng 50 tỷ đồng/đơn vị, DN tư nhân khoảng 11 tỷ đồng/đơn vị. Vốn ít, công nghệ kém, quản trị yếu trở thành những thách thức đáng kể để DNNVV đứng vững và “lớn lên”.
Thực tế cũng cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, nước ta tiếp tục xuất siêu, nhưng phần lớn là do khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài trong khi DN nội vẫn "miệt mài” sản xuất gia công và nhập khẩu.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt Nam thấp so với nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của VCCI, mới chỉ 36% DN Việt tham gia vào chuỗi sản xuất, trong khi, tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%.
Không khó để chỉ ra nguyên nhân: do DN chưa chú trọng đến đầu tư, đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và do phần lớn DN có quy mô nhỏ bé, manh mún, tính liên kết lỏng lẻo. Có đến 96% DN khu vực tư nhân đang hoạt động thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, chỉ 4% còn lại thuộc DN lớn và vừa.
Các DN có quy mô quá nhỏ bé, thường không có khả năng đẩy mạnh đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất. Điều này khiến cho DN Việt có nguy cơ đứng ngoài “cuộc chơi”, bị bỏ lại phía sau. Thậm chí, nhiều ý kiến bi quan còn cho rằng, có những thách thức trong cuộc chơi hội nhập đang vượt quá tầm chịu đựng của DN.
Giúp DN, trước tiên phải cải cách thể chế!
Ngay trước thềm Kỳ họp thứ 11, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã gặp gỡ các DNNVV trên cả nước để trao đổi về những thách thức, cơ hội của nhóm DN này khi nước ta chuẩn bị thực hiện các cam kết của một loạt các FTA kiểu mới. Qua cuộc gặp gỡ này có thể thấy, bên cạnh những vấn đề chung của cộng đồng DN, thì mỗi đơn vị lại có những khó khăn riêng. Đó có thể là khó khăn từ chính sách, pháp luật, cũng có thể là khó khăn nội tại, từ sự thụ động trong định vị và đổi mới DN.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều đồng tình rằng, yếu tố được xem là quyết định thành công đối với sự thành công của DN trong cuộc chơi hội nhập lần này là phải thay đổi nền tảng, chất lượng thể chế của môi trường kinh doanh. Nhà nước phải là chủ thể có những cải cách thay đổi nhiều nhất để từ đó tạo ra thể chế kinh tế chất lượng, bảo đảm một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, nguồn lực được phân bổ công bằng.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại khẳng định: Thể chế tốt bảo đảm tính công khai, minh bạch và môi trường chính sách ổn định và có tính cạnh tranh cao, giúp DN xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn. Cải cách thể chế là gốc, tạo khuôn khổ, định ra giới hạn cho cải thiện môi trường kinh doanh. Mặt khác, kết quả của cải cách thể chế phải chuyển thành sự cải thiện môi trường kinh doanh.
Chính vì vậy, điểm khởi đầu của việc cải cách thể chế là định vị đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và DN. Để định vị đúng đắn, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, chúng ta phải cải cách lại vấn đề từ “cơ chế xin - cho, cái gì chính quyền cũng có quyền quyết định” sang cơ chế “chính quyền chỉ có thẩm quyền theo quy định của luật”.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta phải thay đổi ngay thái độ làm việc của bộ máy để ít nhất có thể “hoàn thành” những cam kết đã ký trong các FTA. Đơn cử như Nghị quyết 19/CP yêu cầu giảm thời gian thông quan từ 16 ngày xuống 10 ngày nhưng trong TPP, thời gian thông quan tối đa là 48 giờ. Vậy, cán bộ, bộ máy cần chuẩn bị và làm việc như thế nào để đáp ứng được những quy định ghi rất rõ ràng đó?
Nhấn mạnh việc cải cách thể chế trước hội nhập, ông Trần Quốc Khánh Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng: Bước vào hội nhập sức ép rất lớn đòi hỏi phải cải cách thể chế, bắt buộc các quan chức quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy quản lý trên cơ sở lấy lợi ích của người dân, lấy lợi ích của DN làm trọng tâm phục vụ. Bởi vì, giống như gia nhập WTO, TPP là hiệp định tiêu chuẩn cao trong đó đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa, về chống tham nhũng, cũng như tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các DN.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như: miễn, giảm, giãn thuế, ưu đãi về nguồn lực đất đai, vốn vay và đặc biệt là không ngừng đổi mới để cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, Nhà nước không thể “nghe” hết các vấn đề của DN, do vậy các Hiệp hội cần vận động DN tham gia vào tổ chức đại diện cho mình, phân thành từng nhóm riêng, để có phản ánh chính sách cụ thể cho cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, cơ quan hoạch định chính sách mới thiết kế chính sách, pháp luật sát với “cầu” của DN, phù hợp với khả năng đáp ứng của “cung” Nhà nước.