Cải tiến các chế độ huy động nguồn lực tài chính

Việt Hoàng (T/h)

Giai đoạn từ năm 1961-1965, miền Bắc đã cơ bản hoàn thành xây dựng nền tảng cho nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tài chính Việt Nam bước vào giai đoạn đầu cả nước có chiến tranh và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở miền Bắc. Để thực hiện yêu cầu tích luỹ vốn, tăng thu cho ngân sách, Nhà nước đã chủ trương cơ cấu lại các nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu từ kinh tế quốc doanh các xí nghiệp quốc doanh nộp tích luỹ tiền tệ vào thuế và lợi nhuận.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đào Thiện Thi (giữa) tại Lễ đón nhận Cờ luân lưu của Chính phủ trao tặng Bộ Tài chính - đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua toàn quốc năm 1964-1965.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đào Thiện Thi (giữa) tại Lễ đón nhận Cờ luân lưu của Chính phủ trao tặng Bộ Tài chính - đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua toàn quốc năm 1964-1965.

Thực hiện chế độ thu mới đối với kinh tế quốc doanh

Thời điểm năm 1960, xí nghiệp quốc doanh nộp tích lũy tiền tệ vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo hai hình thức là thuế và lợi nhuận, trong đó lợi nhuận chiếm tỷ trọng lớn và lũy tiến qua các năm (năm 1957: 65%, năm 1958: 75%, năm 1959: 76%, năm 1960: 80%).

Xí nghiệp quốc doanh và khu vực kinh tế tư nhân cùng áp dụng chế độ thuế giống nhau, bao gồm nhiều thứ thuế (thuế doanh nghiệp, thuế hàng hoá,..) và thu ở nhiều khâu của xí nghiệp quốc doanh (cả ở khâu sản xuất và khâu lưu thông). Đại bộ phân tích luỹ tiền tệ được thực hiện thông qua lợi nhuận phải chờ báo cáo quyết toán định kỳ nên đã làm chậm thời điểm tập trung số thu lớn vào NSNN, đồng thời chưa thúc đẩy việc củng cố chế độ hạch toán kinh tế của các xí nghiệp quốc doanh.

Đặc biệt, vào đầu năm 1961, Nhà nước đã cho áp dụng thí điểm chế độ thu mới đối với xí nghiệp quốc doanh, gọi là “thu quốc doanh”, thay thế thuế doanh nghiệp, thuế hàng hóa thu qua nhiều khâu lúc đó với quốc doanh. Thu quốc doanh thể hiện nhiệm vụ tích lũy tiền tệ mà các xí nghiệp phải đảm bảo đối với tài chính nhà nước, đồng thời cũng thể hiện mức tối thiểu về hiệu quả kinh tế mà các xí nghiệp phải đạt được.

Theo chế độ này, đại bộ phận tích lũy tiền tệ của xí nghiệp được tập trung vào NSNN qua một hình thức thu cố định. Mức thu quốc doanh được xác định riêng cho từng mặt hàng hoặc từng loại hàng tùy theo giá cả Nhà nước quy định đối với mặt hàng hoặc loại hàng đó có tích lũy tiền tệ nhiều hay ít.

Về phương án thu, nghiên cứu thực hiện thí điểm ở ba phương án: Thu ở khâu sản xuất, thu ở khâu lưu thông, hoặc thu ở cả khâu sản xuất và lưu thông. Cuối cùng, phương án quyết định lựa chọn là thu ở khâu sản xuất.

Chế độ thu quốc doanh được áp dụng thí điểm đầu tiên ở các nhà máy: Cơ khí Hà Nội, Diêm Thống nhất, Thuốc lá Thăng Long và Dệt Nam Định. Chế độ thu quốc doanh chủ yếu là tích lũy thuế và lợi nhuận từ khâu bán lẻ và tập trung thu ở khâu sản xuất, chỉ để lại cho các doanh nghiệp công nghiệp giá thành hợp lý và lợi nhuận định mức. Đối với thương nghiệp, chỉ để lại chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức.

Sau thời gian thí điểm tại 4 nhà máy trên, đến tháng 10/1962, chế độ thu quốc doanh đã được áp dụng thí điểm rộng rãi hơn. Nhìn chung, hình thức thu quốc doanh tập trung vào khâu sản xuất là phù hợp với quan hệ sản xuất và phản ánh đúng hoạt động kinh tế của xí nghiệp. Khoản thu quốc doanh được nộp khi các xí nghiệp bán hàng và thu được tiền hàng.

Mức thu cố định không phụ thuộc vào tình hình giá cả thực tế của sản phẩm tiêu thụ. Chính sách thu này đã từng bước thúc đẩy và tăng cường hạch toán kinh tế của xí nghiệp đạt hiệu quả, đồng thời, đảm bảo nguồn thu ổn định, kịp thời cho NSNN do tích lũy tiền tệ được nộp ngay sau khi xí nghiệp công nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Nhà nước cũng quy định chế độ “trích nộp và sử dụng lợi nhuận” của các xí nghiệp. Theo quy định này, cho phép xí nghiệp được để lại một phần lợi nhuận để lập quỹ xí nghiệp, bổ sung một phần kinh phí chuyên dùng đầu tư xây dựng cơ bản mở rộng và bổ sung vốn lưu động cho xí nghiệp, phần còn lại phải nộp hết vào NSNN.

Bổ sung, sửa đổi chế độ thuế đi với kinh tế tp thể và cá thể

Trong giai đoạn 1961-1965, ngoài việc vẫn giữ nguyên những nguyên tắc cơ bản đối với kinh tế tập thể và cá thể, chế độ thu tài chính, nhưng để phù hợp Chính phủ đã thay thế và bổ sung một số nội dung để vừa bảo đảm nguồn thu cho NSNN, vừa tăng cường củng cố quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp và thủ công nghiệp.

Năm 1963, các xí nghiệp công tư hợp doanh được chuyển sang làm nghĩa vụ tài chính đối với NSNN như các xí nghiệp quốc doanh. Các xí nghiệp này nộp thu quốc doanh và lợi nhuận chứ không nộp thuế như trước.  

Tháng 12/1963, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 120/TTg cho các hợp tác xã nông nghiệp và các hộ cá thể nông nghiệp được ổn dịnh nghĩa vụ nộp thuế hàng năm, căn cứ theo sản lượng thường niên về ruộng đất của từng cơ sở được xác định năm 1958 và thuế suất bình quân theo biểu thuế năm 1961 để tính thuế nông nghiệp cho các năm 1963, 1964, 1965. Việc ổn định mức thuế như trên đã khuyến khích nông dân khai hoang, phục hoá, thâm canh, tăng năng suất, tăng vụ, tăng sản lượng mà không phải nộp thuế nông nghiệp cao hơn.

Về hoạt động công thương nghiệp, năm 1963, chính sách thuế sát sinh cũng được sửa đổi. Theo quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thuế sát sinh được nộp theo mức cố định tính trên đầu con súc vật bị giết thịt, chứ không tính theo 10% giá trị con súc vật bị giết.

Tiếp đó, đến tháng 11/1964, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Quyết định số 37/NQ/TVQH, sửa đổi lại thuế sát sinh, trước thu theo 10% giá trị lợn, trâu, bò giết thịt, nay chuyển thành thu theo mức thuế cố định cho từng địa phương. Chế độ thu này có tác dụng chống lạm sát, khuyến khích chăn nuôi, vì giết súc vật có trọng lượng lớn thì mức thuế vẫn nộp bằng súc vật có trọng lượng nhỏ.

Tài liệu tham khảo:

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).