Hướng tới mục tiêu “4 KHÔNG” của TPM giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất hoạt động
Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM) là một phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công cụ này và đem lại hiệu quả trong việc nâng cao hiệu suất.
TPM là phương pháp cần thiết để doanh nghiệp tối đa hóa hiệu suất máy móc, thiết bị, nâng cao năng suất làm việc.
TPM đưa bảo trì vào trọng tâm, như một phần quan trọng của doanh nghiệp. TPM là thành phần không thể thiếu trong sản xuất, nó được đưa vào kế hoạch sản xuất để bảo trì, bảo dưỡng định kỳ nhằm không xảy ra sự cố trong quá trình sản xuất.
Mục tiêu của bảo trì hay duy trì năng suất toàn diện TPM là tạo ra một môi trường sản xuất không có sự cố cơ học và xáo trộn kỹ thuật nhằm tăng tối đa hiệu suất sử dụng máy móc, thiết bị, cụ thể hóa bởi “4 KHÔNG”: Không có sự cố dừng máy; Không có phế phẩm; Không có hao hụt; Không tai nạn.
Tại Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, việc áp dụng bảo trì thiết bị, máy móc có kế hoạch theo công cụ duy trì TPM đã giúp giảm được số lần hỏng máy phải dừng sản xuất từ 23 trường hợp xuống 11 sau 1 tháng triển khai, năng suất ở công đoạn kẹp của máy phay tăng gấp 10 lần.
Là một trong những DN cơ khí chủ lực của TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2019, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh đã quyết định đăng ký tham gia Chương trình Hỗ trợ áp dụng thí điểm TPM cho các DN ngành công nghiệp của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) với mục tiêu cải thiện năng suất, chất lượng tại DN.
Theo đại diện Công ty này, thực hiện TPM giúp DN tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc, thiết bị thông qua tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày. Điều này giúp DN hợp lý hóa chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tại Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng, việc áp dụng TPM cũng đã đem lại những hiệu quả nhất định như: thời gian hiệu chỉnh 2 mã sản phẩm đã được rút ngắn; mỗi lần chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm này sang sản phẩm khác trước mất khoảng 2-3 lần chuyển đổi mới ra được đúng màu theo yêu cầu nay đã giảm xuống còn 1-2 lần, thời gian vệ sinh thiết bị được tiêu chuẩn hóa, loại bỏ các thao tác thừa, loại bỏ quãng đường vận chuyển hiệu chỉnh màu không cần thiết, bổ sung công cụ dụng cụ thuận tiện cho thao tác của công nhân. Với những nỗ lực đó, chỉ số OEE của Công ty đã tăng từ 36% trong tháng 8 lên 40% trong tháng 11.
Những chuyển biến tích cực cũng được ghi nhận tại bộ phận cơ điện của Công ty khi việc thu thập dữ liệu sự cố để tính toán hai chỉ số thời gian trung bình sửa chữa (MTTR) và thời gian giữa hai lần xảy ra sự cố (MTBF) đã bắt đầu được áp dụng, nhân viên bộ phận cơ điện đã cởi mở hơn với việc ghi chép, lưu trữ dữ liệu để quản lý máy móc tốt hơn thay vì luôn phải bị động khắc phục sự cố.
Công ty TNHH MTV Động Cơ và Máy Nông Nghiệp Miền Nam cũng đã áp dụng TPM với phạm vi áp dụng tại dây chuyền Nắp hông của xưởng cơ khí số 1.
Kết quả, sau thời gian triển khai và thực hiện TPM, Công ty đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: quản lý trực quan tốt hơn; có thêm nhiều cải tiến về sắp xếp dụng cụ tại máy; Thiết lập và giám sát chỉ số MTTR...
Cụ thể, chỉ trong 10 tháng giám sát số liệu sản xuất, Ban TPM đã lựa chọn và đề ra mục tiêu liên quan đến TPM. Trong đó OEE dây chuyền nắp hông cần đạt trên 85%, và các chỉ số MTTR và MTBF cần được giám sát 1 lần mỗi tháng.
Chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể OEE tại khu vực triển khai thí điểm tăng so với thời kỳ tháng 8/2018. Cụ thể, giá trị OEE tháng 8/2018 là 87,39%; và OEE tháng 8/2019 là 94%; các tháng từ 10/2018 đến 6/2019 đều lớn hơn giá trị mục tiêu 85%, và giá trị OEE cao nhất là 94% vào tháng 8/2019.
Qua 3 tháng triển khai TPM ban đầu, riêng hoạt động 5S được đẩy mạnh ở phạm vi toàn công ty, điển hình là khu vực đường đi nội bộ công ty với việc sơn kẻ vạch, quy định phương tiện và tốc độ tối đa được đi lại.
Đặc biệt, về tác phong, nề nếp của các thành viên của khu vực thí điểm TPM (dây chuyền nắp hông) đều tuân thủ việc ghi nhật ký sản xuất, thực hiện vệ sinh máy 10 phút mỗi sáng và phòng Cơ điện thực hiện kiểm tra bất thường thiết bị hàng tuần.