Cầm vàng có để vàng rơi?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì nghiên cứu, xem xét và báo cáo Chính phủ vấn đề huy động nguồn lực trong dân (gồm vàng và tiền) nhằm tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế. Vậy, làm gì để huy động được nguồn lực này?
Nhiều rủi ro
Các chuyên gia đánh giá, hiện nay, nhu cầu nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta rất lớn song thực tế lại đang có hạn. Trong bối cảnh bội chi ngân sách vẫn ở mức cao, nợ công tăng cao, nguồn lực cho đầu tư phát triển thấp nên việc huy động nguồn lực trong dân, đặc biệt là vàng để phục vụ cho phát triển kinh tế thực sự rất cần thiết.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong nhiều năm qua, nước ta chủ yếu nhập khẩu vàng trong khi xuất khẩu không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn.
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) Nguyễn Đức Độ cho rằng, với một khối lượng vàng lớn như thế, nếu không huy động được vào sản xuất kinh doanh thì thực sự rất lãng phí. Nhưng huy động như thế nào lại là vấn đề không đơn giản.
Ông phân tích, trong bối cảnh giá vàng vẫn còn là một ẩn số, luôn biến động và khó dự báo một cách chính xác, việc huy động vàng trong dân sẽ chứa nhiều sự rủi ro. Bởi rất có thể, thời điểm Nhà nước huy động vàng trong dân, giá vàng thế giới ở mức 1.300 USD/ounce nhưng khi trả thì giá vàng lại lên tới 2.000 USD/ounce.
Như vậy, rõ ràng cách huy động này không có lợi cho Nhà nước. Còn về phía người dân, lâu nay họ giữ vàng bởi một phần do thói quen, một phần khác vì nền kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát tăng cao khiến nhiều người coi việc tích trữ vàng là an toàn. Nếu bây giờ, Nhà nước vay vàng của người dân và trả lãi suất sẽ dẫn đến tâm lý cầm vàng là có lợi, vô hình trung sẽ làm “vàng hóa” gia tăng, đi ngược lại mục tiêu chống “vàng hóa” mà chúng ta đã và đang thực hiện theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bổ sung, muốn thực hiện huy động nguồn lực trong dân để phục vụ cho phát triển, việc cần làm trước tiên là phải ước lượng được chính xác số vàng và tiền đang có trong dân như thế nào. Chỉ khi có được con số này mới có thể đề ra phương án huy động cụ thể.
Không thể áp đặt biện pháp hành chính
Làm thế nào để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính trong dân là vấn đề được các cơ quan quản lý cũng như chuyên gia kinh tế đặt ra từ nhiều năm qua. Chẳng hạn, năm 2012, NHNN có đề án phát hành chứng chỉ vàng nhằm huy động nguồn lực trong dân đã được Chính phủ chấp thuận. Nhưng đến nay, đề án vẫn chưa hiện thực hóa vì nhiều nguyên nhân. Kinh nghiệm của nhiều nước cũng cho thấy việc huy động vàng trong dân là không đơn giản, cần hết sức thận trọng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam Nguyễn Hoàng Hải đề xuất, để huy động nguồn lực vàng trong dân cần tính đến việc đánh thuế mua bán vàng, coi vàng là một thứ hàng hóa xa xỉ như ô tô... Qua đó, hướng dòng vốn vào các kênh đầu tư khác có lợi hơn.
“Thực tế, việc giữ vàng bất lợi hơn là giữ ngoại tệ. Bởi người ta mua ngoại tệ sẽ có xu hướng đem tiền gửi lại ngân hàng, từ đó cho vay để sản xuất kinh doanh. Còn với vàng, người giữ sẽ chịu thiệt khi giá vàng trồi sụt, trong khi vàng lại nằm một chỗ mà không sinh lời. Song, việc đánh thuế này cũng cần theo lộ trình”, ông nói.
Chuyên gia kinh tế Đỗ Đức Định lại tỏ ra thận trọng với chủ trương huy động nguồn lực vàng và tiền trong dân đầu tư cho phát triển. Ông chỉ rõ, “đây không phải là lần đầu tiên, Nhà nước thực hiện huy động nguồn lực này, tuy nhiên hiệu quả ở mỗi thời điểm huy động lại khác nhau.
Thực tế, trong những năm qua, chúng ta cũng đã huy động các nguồn lực ODA, FDI cho đầu tư phát triển. Bây giờ nếu muốn huy động nguồn lực có sẵn trong dân, đòi hỏi Chính phủ phải nghiêm túc soát xét lại việc huy động nguồn lực thời gian qua được gì, mất gì, đâu là bài học kinh nghiệm cần rút ra, từ đó mới xây dựng được đề án huy động nguồn lực thời gian tới”.
Còn theo nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lưu Bích Hồ, lâu nay chúng ta xử lý không “vàng hóa”, không “đô la hóa”, giờ muốn huy động để biến vàng, tiền thành “vốn hóa” thì đương nhiên không thể bằng các biện pháp hành chính áp đặt mà phải bằng biện pháp kinh tế, biện pháp thị trường.
Theo ông, cách tốt nhất để huy động được các nguồn lực này là không nên để Nhà nước trực tiếp đứng ra huy động, cũng không nên biến thành của Nhà nước để đưa cho Nhà nước sử dụng (theo kiểu phát hành trái phiếu Chính phủ rồi vận động người dân bán vàng để mua trái phiếu thì rất khó, bởi niềm tin vào thị trường, vào sự chuyển biến của nền kinh tế chưa thật sự rõ ràng).
Vấn đề bây giờ là phải làm sao khuyến khích người dân bỏ vàng ra để đưa vào hoạt động kinh doanh, tức là phải cải cách môi trường kinh doanh, cải cách các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tự đầu tư trong nền kinh tế. Đó mới là cách huy động nguồn lực hiệu quả.
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính Nguyễn Đức Độ bổ sung, để huy động được nguồn lực trong dân phục vụ tăng trưởng kinh tế, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Nhà nước phải ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu Nhà nước cam kết bảo đảm giá trị đồng tiền thì người dân nắm giữ tiền nhiều hơn vàng.
Song, để làm được điều này đòi hỏi quá trình lâu dài chứ không thể ngày một ngày hai. Bởi tâm lý giữ vàng tiết kiệm đã theo thói quen, không dễ gì loại bỏ trong dân chúng.