Cần ban hành chuẩn mực kế toán phù hợp với thông lệ quốc tế
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được thực hiện minh bạch với chất lượng cao, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực kế toán quốc tế là nền tảng cho một nền kinh tế và hệ thống tài chính vận hành hiệu quả.
Minh bạch báo cáo tài chính - nền tảng cho hệ thống tài chính vận hành hiệu quả
Các vụ bê bối về tài chính và kế toán dẫn đến sự sụp đổ của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong những năm qua càng khẳng định rõ báo cáo tài chính (BCTC) lành mạnh là điều kiện cần thiết cho sự ổn định và tăng trưởng của tài chính toàn cầu. Do vậy yêu cầu xây dựng thể chế và năng lực kỹ thuật để cải thiện chất lượng BCTC là hết sức cần thiết.
Trong những năm gần đây, có rất nhiều thay đổi quan trọng trong công tác kế toán và BCTC. Trên bình diện quốc tế, các tổ chức ban hành chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc tế đang trong quá trình bổ sung, sửa đổi, xây dựng trên cơ sở nền kinh tế thị trường phát triển cao, theo hướng cố gắng hài hòa các nguyên tắc kế toán được thừa nhận của Mỹ (USGAAP) và các chuẩn mực quốc tế về lập và trình bày BCTC (IFRS).
Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các tổ chức niêm yết của các nước là thành viên EU áp dụng CMKT quốc tế, các quốc gia ban hành Chuẩn mực của mình theo hướng gần với IFRS.
Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành được 26 CMKT theo 5 đợt từ năm 2001 đến năm 2005. Tất cả 26 CMKT Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi theo các CMKT quốc tế mới ban hành gồm 2 loại: CMKT quốc tế (IAS) và IFRS (sau đây gọi chung là CMKT quốc tế).
Tuy nhiên, các CMKT Việt Nam đến nay được đánh giá là không còn phù hợp hoặc chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế tại Việt Nam, cũng như chưa phù hợp với CMKT quốc tế, trong đó nguyên nhân quan trọng là CMKT về giá trị hợp lý.
Từ năm 2008 cho đến nay, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và hướng dẫn kế toán công cụ tài chính. Do công cụ tài chính rất phong phú, đa dạng, có cơ chế vận hành và giao dịch phức tạp nên việc ghi nhận, xác định, trình bày và thuyết minh phải tôn trọng nguyên tắc giá thị trường.
Tuy nhiên các hướng dẫn kế toán về công cụ tài chính chưa được ban hành do Luật Kế toán năm 2003 chưa quy định về giá trị hợp lý mà mới chỉ quy định nguyên tắc giá gốc.
Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung số 88/2015/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015 (sau đây gọi là Luật Kế toán 2015), trong đó có bổ sung một nội dung quan trọng là quy định các nguyên tắc kế toán liên quan đến giá trị hợp lý. Các quy định về giá trị hợp lý được đề cập trong 3 Điều là Điều 3, Điều 6 và Điều 28 Luật Kế toán 2015.
Giá trị hợp lý là vấn đề quá phức tạp nên phải quy định trong văn bản pháp luật cao nhất về kế toán, từ đó tạo ra tiền đề pháp lý mà quan trọng là đặt ra yêu cầu phải có sự nhận thức và vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước nhằm tạo dựng khung khổ pháp lý và triển khai thực hiện các quy định liên quan đến giá trị hợp lý.
Trên cơ sở Luật Kế toán 2015, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu ban hành các CMKT, trong đó có CMKT về giá trị hợp lý để hướng dẫn thực hiện Điều 28 là “Bộ Tài chính quy định cụ thể các tài sản và nợ phải trả được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý”.
Theo Điều 6 Luật Kế toán 2015 thì “Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”. Do vậy, chúng ta phải nghiên cứu đồng bộ các CMKT quốc tế để cập nhật các CMKT đã và sẽ ban hành mới, đặc biệt là giá trị hợp lý và công cụ tài chính vì nó liên quan đến nhiều CMKT khác.
Cần nghiên cứu ban hành các CMKT mới theo lộ trình phù hợp
Việc nghiên cứu để ban hành các CMKT cần được tiến hành trên cơ sở tiếp cận, áp dụng các thông lệ, CMKT quốc tế phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán của Việt Nam theo lộ trình phù hợp để đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin tài chính mà Việt Nam cần khẩn trương thực hiện, trong đó các CMKT mới cần ban hành như sau:
Thứ nhất, về CMKT và các hướng dẫn về giá trị hợp lý
i) Trên bình diện quốc tế, IFRS số 13 - Giá trị hợp lý do Ủy ban CMKT quốc tế (IASB) nghiên cứu trong nhiều năm qua và đến năm 2012 mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 hoặc sớm hơn do các nước lựa chọn.
ii) CMKT về giá trị hợp lý ở Việt Nam cần quy định rõ 3 nội dung: Định nghĩa giá trị hợp lý, quy định và hướng dẫn xác định giá trị hợp lý và yêu cầu về việc thuyết minh giá trị hợp lý trong BCTC, cụ thể như sau:
- Quy định thuật ngữ giá trị hợp lý là “giá có thể nhận được khi bán tài sản hoặc phải trả khi chuyển giao một khoản nợ phải trả trong một giao dịch bình thường giữa các bên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị giao dịch”. Giá trị hợp lý trong CMKT này nhấn mạnh giá trị hợp lý được xác định trên cơ sở thị trường, không phải theo doanh nghiệp.
Khi xác định giá trị hợp lý, doanh nghiệp sử dụng giả định mà các bên tham gia thị trường sử dụng khi định giá tài sản hoặc nợ phải trả theo điều kiện thị trường, bao gồm các giả định về rủi ro. Việc doanh nghiệp có ý định nắm giữ một tài sản hay chuyển trả hoặc hoàn tất một khoản nợ phải trả không liên quan đến việc xác định giá trị hợp lý của doanh nghiệp đó.
- Quy định và hướng dẫn xác định giá trị hợp lý cho tài sản, nợ phải trả và công cụ vốn của doanh nghiệp. Khi xác định giá trị hợp lý, doanh nghiệp phải xác định rõ tài sản hay nợ phải trả cần xác định giá trị hợp lý; thị trường giao dịch tự nguyện đối với tài sản hay nợ phải trả; kỹ thuật định giá phù hợp trong việc xác định giá trị hợp lý.
Kỹ thuật định giá cần tối đa hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào có liên quan quan sát được và tối thiểu hóa các yếu tố đầu vào không quan sát được.
- Về các kỹ thuật định giá: Cần quy định ba kỹ thuật định giá được sử dụng rộng rãi là phương pháp giá thị trường, phương pháp chi phí và phương pháp thu nhập; đồng thời thiết lập một hệ thống phân cấp giá trị hợp lý gồm ba cấp đối với các yếu tố đầu vào được sử dụng cho các kỹ thuật định giá khi xác định giá trị hợp lý.
Hệ thống phân cấp giá trị hợp lý này yêu cầu quyền ưu tiên cao nhất cho giá niêm yết (chưa điều chỉnh) trong thị trường hoạt động đối với cùng một nhóm tài sản hoặc nợ phải trả (các yếu tố đầu vào Cấp độ 1) và quyền ưu tiên thấp nhất cho các yếu tố đầu vào không thể quan sát được (các yếu tố đầu vào Cấp độ 3).
Ba cấp độ đối với các yếu tố đầu vào gồm:
(i) Cấp độ 1: Là giá niêm yết (trước điều chỉnh) trên thị trường hoạt động đối với các tài sản và nợ phải trả cùng loại mà doanh nghiệp có thể tiếp cận tại ngày định giá;
(ii) Cấp độ 2: Là các yếu tố đầu vào khác có thể quan sát được trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến tài sản hoặc nợ phải trả, ngoài giá niêm yết nêu tại yếu tố đầu vào Cấp độ 1;
(iii) Cấp độ 3: Là những yếu tố đầu vào không quan sát được liên quan đến tài sản/nợ phải trả.
- Thuyết minh BCTC các thông tin cho phù hợp với yêu cầu của IFRS số 13, như thuyết minh các thông tin về kỹ thuật định giá và các yếu tố đầu vào được sử dụng để xây dựng các cách xác định giá trị hợp lý đối với tài sản/nợ phải trả được xác định giá trị hợp lý; Ảnh hưởng của việc xác định và ghi nhận giá trị hợp lý đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ nếu xác định giá trị hợp lý sử dụng những yếu tố đầu vào không quan sát được; Mức độ phân cấp giá trị hợp lý đối với việc xác định giá trị hợp lý...
iii) Về phạm vi áp dụng: CMKT này áp dụng trong trường hợp CMKT khác yêu cầu hoặc cho phép việc xác định giá trị hợp lý hoặc thuyết minh về việc xác định giá trị hợp lý trên BCTC. Hướng dẫn xác định giá trị hợp lý trong CMKT này cho cả hai trường hợp tại thời điểm ghi nhận ban đầu và đánh giá lại nếu các CMKT khác yêu cầu hay cho phép sử dụng giá trị hợp lý.
Thứ hai, về các CMKT liên quan đến công cụ tài chính
Các hướng dẫn của Việt Nam về công cụ tài chính
Ở Việt Nam đã phát sinh các giao dịch kinh tế liên quan đến các công cụ tài chính nhưng chưa có CMKT để làm cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện.
Năm 2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 210/2009/TT-BTC (Thông tư 210) hướng dẫn áp dụng CMKT quốc tế về trình bày và thuyết minh thông tin trên BCTC đối với công cụ tài chính để áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có các giao dịch liên quan đến công cụ tài chính.
Thông tư 210 mới chỉ quy định việc trình bày và thuyết minh BCTC về công cụ tài chính và các CMKT quốc tế về công cụ tài chính thực hiện từ năm 2011. Trên thực tế việc trình bày và thuyết minh BCTC về công cụ tài chính chưa được thực hiện thống nhất, đặc biệt là các thông tin về đánh giá bản chất, phạm vi của các rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính và cách thức quản trị rủi ro của doanh nghiệp.
Hiện nay, Điều 128 Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp quy định khuyến khích chứ không bắt buộc doanh nghiệp thực hiện Thông tư 210 cho đến khi Chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chuẩn mực kế toán công cụ tài chính được ban hành.
Trong bối cảnh Nghị định của Chính phủ về thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh đã được ban hành ngày 05/5/2015, các phương án kỹ thuật để chuẩn bị cho sự vận hành của thị trường đang được triển khai tích cực, từ đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải có CMKT về công cụ tài chính.
Các CMKT quốc tế về công cụ tài chính
Kế toán công cụ tài chính rất phức tạp nên các quốc gia đều phải thận trọng trong việc nghiên cứu, ban hành CMKT về công cụ tài chính để đảm bảo an toàn trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng, đặc biệt là chứng khoán phái sinh như một đòn bẩy kinh tế hoặc một công cụ quản trị và ngăn ngừa rủi ro của nhà đầu tư.
Cho đến nay, các CMKT quốc tế về công cụ tài chính đã được ban hành gồm IAS số 39 - Công cụ tài chính: Ghi nhận và xác định giá trị; IAS số 32 - Công cụ tài chính: Trình bày; IFRS số 7 - Công cụ tài chính: Thuyết minh thông tin; IFRS số 9 - Công cụ tài chính; IFRS số 13 - Giá trị hợp lý.
Các CMKT quốc tế về công cụ tài chính thường xuyên được bổ sung, sửa đổi trong các năm qua. Từ năm 2006, Ủy ban CMKT quốc tế (IASB) và Ủy ban CMKT Tài chính (FASB) của Hoa Kỳ đã làm việc với nhau để xem xét các nội dung khác biệt giữa IFRS và US GAAP.
IASB và FASB đã ký cam kết sẽ nghiên cứu, xây dựng để ban hành một bộ các CMKT quốc tế chung có chất lượng cao trên toàn cầu. Các IFRS số 13 và IFRS số 9 (có hiệu lực từ 01/01/2018) được ban hành là một phần kết quả hợp tác đã đạt được giữa IASB và FASB.
Mục đích chủ yếu của IFRS số 9 (thay thế IAS số 39 và IAS số 32) là cam kết đạt được sự so sánh để hài hòa giữa IFRS với US GAAP.
Các CMKT quốc tế quy định rất chặt chẽ các nội dung liên quan đến việc xác định, ghi nhận, trình bày và thuyết minh về công cụ tài chính, và có mối liên hệ ràng buộc nhau trong các CMKT.
Vì vậy, Việt Nam cần quy định CMKT về công cụ tài chính trên cơ sở CMKT quốc tế theo lộ trình phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam để tạo ra cơ sở pháp lý và sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, cung cấp thông tin trung thực, minh bạch cho người sử dụng BCTC, đồng thời để làm cơ sở, định hướng cho việc cập nhật các CMKT đã ban hành.
Các nội dung cần quy định trong CMKT về công cụ tài chính bao gồm:
(1) Mục đích của CMKT về công cụ tài chính là quy định và hướng dẫn nguyên tắc ghi nhận, xác định, trình bày và thuyết minh BCTC về công cụ tài chính.
(2) Quy định các thuật ngữ và cho ví dụ minh họa các thuật ngữ để có cách hiểu thống nhất khi triển khai thực hiện CMKT về công cụ tài chính.
Các loại công cụ tài chính được điều chỉnh bởi CMKT này bao gồm 02 loại công cụ tài chính cơ bản và công cụ tài chính phái sinh (gồm các loại hợp đồng tương lai, kỳ hạn, quyền chọn, hoán đổi, chứng quyền).
(3) Đối với công cụ tài chính phái sinh, phải căn cứ vào mục đích sử dụng công cụ tài chính phái sinh để quy định kế toán cho 2 trường hợp kế toán công cụ tài chính phái sinh với mục đích thương mại và phòng ngừa rủi ro.
Các giao dịch kinh tế liên quan đến các công cụ tài chính đã, đang và sẽ phát sinh ngày càng nhiều, với quan điểm thận trọng, Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa ra định hướng phát triển từng bước các chứng khoán phái sinh từ đơn giản đến phức tạp.
Việc tổ chức TTCK phái sinh phải gắn với tái cấu trúc thị trường và ban hành đồng bộ các khuôn khổ pháp lý về các quy chế, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính, CMKT của thị trường vốn.
Do vậy, CMKT về công cụ tài chính cần được khẩn trương nghiên cứu để triển khai đồng bộ, có hiệu quả và theo lộ trình phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.
Thứ ba, nghiên cứu các CMKT quốc tế để ban hành mới các CMKT
- CMKT về tìm kiếm thăm dò và xác định giá trị các nguồn tài nguyên khoáng sản (IFRS 06): Hướng dẫn ghi nhận, xác định, trình bày và thuyết minh thông tin đối với các khoản chi phí để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí và các nguồn tài nguyên khoáng sản khác.
- CMKT về các khoản trợ cấp và hỗ trợ của chính phủ (IAS 20): Hướng dẫn ghi nhận, trình bày và thuyết minh thông tin về các khoản trợ cấp và hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp.
- CMKT về tổn thất tài sản (IAS 36): Hướng dẫn xác định các tài sản bị tổn thất và cách thức ghi nhận, trình bày và thuyết minh thông tin về tài sản bị tổn thất.
- CMKT về tài sản sinh học (IAS 41): Hướng dẫn ghi nhận, xác định giá trị, trình bày và thuyết minh thông tin liên quan đến hoạt động nông nghiệp, bao gồm các tài sản sinh học (là các động vật sống và thực vật) và sản phẩm nông nghiệp (là sản phẩm thu hoạch từ các tài sản sinh học của doanh nghiệp) vào thời điểm thu hoạch.
- Các CMKT về BCTC trong nền kinh tế siêu lạm phát; về phúc lợi của người lao động, về tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động kinh doanh bị chấm dứt, về các khoản trợ cấp và hỗ trợ của chính phủ...
Trong ngắn hạn, cần khẩn trương nghiên cứu để ban hành CMKT về tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động kinh doanh bị chấm dứt trên cơ sở IFRS số 05 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. CMKT này hướng dẫn việc ghi nhận, phân loại, xác định giá trị, trình bày và thuyết minh thông tin về các tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động bị chấm dứt.
Theo CMKT này, BCTC của doanh nghiệp phải trình bày và thuyết minh các tài sản, nợ phải trả, doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh theo 2 loại: Các hoạt động liên tục và các hoạt động bị chấm dứt.
Bảng cân đối kế toán phải trình bày các tài sản dài hạn nắm giữ để bán của các hoạt động bị chấm dứt trong phần tài sản ngắn hạn nếu việc thu hồi giá trị các tài sản này chủ yếu thông qua giao dịch bán, hơn là thông qua việc tiếp tục sử dụng các tài sản này.
Tài sản dài hạn nắm giữ để bán phản ánh theo giá trị thấp hơn giữa giá trị ghi sổ và giá trị hợp lý trừ (-) chi phí bán.
Theo đó, BCTC của doanh nghiệp phải trình bày và thuyết minh tình hình tài chính và tình hình kinh doanh của các hoạt động liên tục và hoạt động bị chấm dứt để người sử dụng BCTC thấy rõ được trong tương lai ảnh hưởng của hoạt động bị chấm dứt đến doanh nghiệp như thế nào.
Việc ban hành CMKT này là hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình tiếp tục cổ phần hóa, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có việc thoái dần vốn nhà nước và bàn giao, nhượng bán, chấm dứt các hoạt động kinh doanh không hiệu quả hoặc ngoài ngành không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Theo xu thế thời đại, khi các giao dịch xuyên quốc gia đang ngày càng phát triển một cách mạnh mẽ hơn, tất cả các quốc gia đang tìm cách hòa hợp các CMKT trong nước với các CMKT quốc tế được ví như “ngôn ngữ tài chính toàn cầu”.
CMKT quốc tế giúp đảm bảo tính so sánh, thống nhất, minh bạch sẽ đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của TTCK.
Trong khi nhiều nước trong khu vực đã áp dụng CMKT quốc tế hoặc xây dựng CMKT quốc gia theo CMKT quốc tế, Việt Nam vẫn đang sử dụng CMKT quốc gia với nhiều khác biệt lớn so với thông lệ, CMKT quốc tế.
Điều này gây khó khăn và phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận thị trường vốn quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam.
Vì vậy, Việt Nam cần khẩn trương ban hành CMKT cho phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm đạt được sự công nhận của khu vực và quốc tế.