Kho bạc Nhà nước Đắk Nông:
Nhiều thuận lợi từ mô hình kế toán nội bộ tập trung
Mô hình kế toán nội bộ tập trung được triển khai tại Kho bạc Nhà nước Đắk Nông đến nay đã được một năm, đem lại nhiều thuận lợi trong xử lý công việc cũng như hiệu quả về nguồn nhân lực, tiết kiệm thời gian.
Chất lượng công tác quản lý tài chính được nâng cao
Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Nông cho biết, việc thực hiện kế toán nội bộ tập trung (KTNBTT) đã giúp cho công tác lập dự toán năm 2016 và chấp hành dự toán, lập báo cáo quyết toán quý năm 2015 được tập trung thực hiện tại trụ sở Kho bạc tỉnh một cách nhanh chóng, chính xác, đảm bảo thời gian quy định, tạo thuận lợi trong việc cung cấp thông tin liên quan cho các cấp lãnh đạo cũng như các yêu cầu quản lý khác.
Đặc biệt, việc thực hiện (KTNBTT) đã giúp cho chất lượng công tác quản lý tài chính được nâng cao. Điều này được thể hiện qua việc hồ sơ chứng từ các khoản thanh toán cá nhân, chi thường xuyên đều được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất, đúng quy trình, quy định. Do đó, mọi sai sót đều được phát hiện kịp thời và hạch toán chính xác vào chương trình kế toán nội bộ (chi tiết đến từng nội dung, đơn vị) lưu trữ tại (KBNN) tỉnh, giúp cho các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra luôn được đáp ứng một cách nhanh nhất.
Bên cạnh đó, (KTNBTT) còn mang lại nhiều hiệu quả về nguồn nhân lực. Đơn cử, tại Phòng Tài vụ (KBNN) tỉnh, chỉ cần một trưởng phòng và 3 kế toán viên nhưng công việc luôn được tổ chức, sắp xếp một cách khoa học, chuyên nghiệp. Tại KBNN các huyện, do đã được KBNN tỉnh hướng dẫn cách thức, quy định thống nhất hồ sơ, thủ tục nên các khoản chi đều được thực hiện khá đơn giản.
Ngoài ra, thực hiện KTNBTT, các KBNN huyện không còn quỹ tiền mặt, không phải thực hiện nhiệm vụ của đơn vị dự toán như lập dự toán, chấp hành dự toán, lập báo cáo quyết toán, thực hiện tự kiểm tra, phục vụ công tác thanh kiểm tra… Chính vì vậy, việc bố trí cán bộ kiêm nhiệm công tác tài vụ không đòi hỏi quá cao, từ đó giúp cho công tác phân công, luân phiên cán bộ được linh hoạt, đơn giản hơn.
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc
Cũng theo báo cáo từ (KBNN) Đắk Nông, mặc dù (KTNBTT) đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số vướng mắc như: Quá trình khai thác, ứng dụng các phân hệ trên phần mềm (KTNBTT) còn nhiều giao diện, ứng dụng chưa phù hợp, còn nhầm lẫn và làm mất dữ liệu khi khai thác; hay như việc xử lý nghiệp vụ mới phát sinh trong công tác hạch toán kế toán mà văn bản hướng dẫn chưa thể thực hiện một cách chính xác.
Và một vướng mắc nữa là việc phân quyền mua sắm công cụ, dụng cụ lâu bền, sửa chữa tài sản cố định cho các (KBNN) huyện thực hiện khi nghiệp vụ này phát sinh một cách thường xuyên…
Từ yêu cầu thực tiễn và kinh nghiệm của các đơn vị đã triển khai trước, (KBNN) Đắk Nông đã đưa ra đề xuất nên giao cho lãnh đạo KBNN cấp tỉnh và các (KBNN) huyện thực hiện mua sắm công cụ, dụng cụ lâu bền, sửa chữa tài sản cố định ở mức phát sinh thường xuyên để duy trì tính chủ động cũng như đảm bảo phục vụ kịp thời các yêu cầu hoạt động tại các (KBNN) huyện trực thuộc, đồng thời tiết kiệm được chi phí vận chuyển tài sản từ tỉnh về các đơn vị.
Bên cạnh đó, nên thực hiện phân công nhiệm vụ cho công chức theo hướng, vừa phân công đảm nhiệm theo lĩnh vực, đồng thời phân công quản lý, kiểm soát theo đơn vị. Sự phân công này tạo điều kiện cho mỗi cá nhân nắm bắt được toàn bộ các nghiệp vụ liên quan theo diện rộng, nhưng vẫn có điều kiện chuyên môn hóa sâu hơn trong lĩnh vực chính mình được phân công.