Phát triển lĩnh vực kiểm toán độc lập tại Việt Nam

ThS. Đào Thị Hằng - Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, lĩnh vực kiểm toán độc lập Việt Nam đã dần khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường và trở thành bộ phận cấu thành của hệ thống công cụ quản lý vĩ mô, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hoạt động kiểm toán độc lập đã trở thành nhu cầu cần thiết để công khai, minh bạch thông tin tài chính, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường

Năm 1991, trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thị trường dịch vụ kiểm toán độc lập được hình thành với việc ra đời hai công ty kiểm toán đầu tiên của Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính, gồm VACO (nay là Deloitte) và Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán kiểm toán, với sự quan tâm của Bộ Tài chính, sự lớn mạnh của Hội nghề nghiệp và sự tăng trưởng nhanh của các doanh nghiệp (DN) kiểm toán, thị trường kiểm toán độc lập tại Việt Nam đã có bước tiến nhanh đáng ghi nhận.

Thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho thấy, trong 25 năm qua, từ chỗ chỉ có 02 công ty kiểm toán độc lập, đến nay thị trường dịch vụ kiểm toán độc lập đã có gần 150 công ty được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, với gần 11.000 người lao động đang làm việc tại các DN kiểm toán trên khắp cả nước.

Thống kê mới nhất của tổ chức nghề nghiệp kiểm toán cũng cho thấy, năm 2014, tổng doanh thu toàn ngành Kiểm toán độc lập đạt 4.583 tỷ đồng, trong đó, mảng dịch vụ chính yếu của khối công ty kiểm toán là dịch vụ kiểm toán và soát xét báo cáo tài chính là 2.329,76 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% cơ cấu doanh thu toàn ngành. Năm 2015, doanh thu của toàn ngành Kiểm toán độc lập đạt hơn 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dù hiện nay số lượng DN kiểm toán có xu hướng thu hẹp so với giai đoạn bùng nổ thành lập công ty kiểm toán những năm 2007-2008, song đó là kết quả hoàn thiện thị trường của cơ quan quản lý và đòi hòi “thanh lọc” để thị trường kiểm toán độc lập phát triển quy củ, nền nếp và chuyên nghiệp hơn.

Theo đó, những công ty kiểm toán quy mô quá nhỏ, hoạt động yếu kém không đáp ứng được yêu cầu ngày càng chặt chẽ về điều kiện cung cấp dịch vụ buộc phải giải thể, hoặc phải sáp nhập với công ty kiểm toán khác để tăng quy mô kiểm toán viên, khách hàng để đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các công ty đại chúng, niêm yết…

Đặc biệt, đến nay, thị trường kiểm toán độc lập đã có sự góp mặt của nhiều DN kiểm toán hàng đầu thế giới như Deloitte, KPMG, E&Y và PwC (còn gọi là nhóm Big Four), qua đó đã có những đóng góp to lớn vào sự lớn mạnh của hệ thống kiểm toán độc lập Việt Nam cũng như quá trình làm lành mạnh các quan hệ tài chính – tiền tệ.

Tuy chiếm số lượng nhỏ hơn so với các công ty trong nước, nhưng các công ty kiểm toán nước ngoài lại sở hữu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp lớn nhất và tham gia rất tích cực vào các hoạt động đào tạo, phát triển các hội nghề nghiệp ở Việt Nam như VACPA, Hội Kế toán Việt Nam (VAA).

Các công ty này cũng là những hạt nhân chủ chốt tham gia vào quá trình hoàn thiện khung pháp lý về quản lý hoạt động kế toán-kiểm toán tại Việt Nam khi đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VACPA giới thiệu và đưa vào áp dụng một số Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế (ISA), Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS), Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), góp phần đưa các chuẩn mực kế toán - kiểm toán của Việt Nam gần hơn với quốc tế.

Bên cạnh đó, các công ty này đã tích cực tham gia các hoạt động kiểm toán, tư vấn về mặt kế toán - kiểm toán hỗ trợ DN Việt Nam niêm yết cổ phiếu hay phát hành, niêm yết trái phiếu chuyển đổi ở các thị trường nước ngoài, giúp các DN này hội nhập thành công vào thị trường chứng khoán và thị trường vốn của khu vực và quốc tế… Nhờ đó, đã có tác dụng lan tỏa, quảng bá hình ảnh thị trường kiểm toán độc lập của Việt Nam.

Tại Hội nghị tổng kết và Lễ kỷ niệm 25 năm ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam vừa được Bộ Tài chính và VACPA tổ chức ngày 24/6/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, trải qua 25 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, lĩnh vực kiểm toán độc lập Việt Nam đã dần khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường và trở thành bộ phận cấu thành của hệ thống công cụ quản lý vĩ mô, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Hoạt động kiểm toán độc lập đã trở thành nhu cầu cần thiết để công khai, minh bạch thông tin tài chính, phục vụ lợi ích của DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, lợi ích của chủ sở hữu vốn, các chủ nợ cũng như lợi ích và yêu cầu của Nhà nước. Hoạt động kiểm toán độc lập cũng góp phần thúc đẩy tính tuân thủ của các DN và tổ chức kinh tế, làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư; góp phần phát hiện và phòng ngừa các hành vi vi phạm của các DN và tổ chức kinh tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của DN.

Giải pháp phát triển lĩnh vực kiểm toán độc lập trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Năm 2016, ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển tiếp theo, đúng vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với sự ảnh hưởng sâu rộng của các hiệp định thương mại song và đa phương, TPP, AEC.

Trước xu thế hội nhập của nền kinh tế nói chung và phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng cùng với các yêu cầu ngày càng cao về tuân thủ, minh bạch thông tin tài chính, quản lý của DN đang tạo ra không ít cơ hội và thách thức cho DN kiểm toán độc lập, đặc biệt là các DN trong nước trong việc cạnh tranh khách hàng, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực…

Do vậy, trong thời gian tới, để các DN kiểm toán trong nước nói riêng và thị trường dịch vụ kiểm toán độc lập nói chung phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Về phía cơ quan quản lý

Một là, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ đối với các công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập. Hàng năm, Bộ Tài chính đều tổ chức các đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ, song việc kiểm tra mới chỉ thực hiện trên một số công ty có quy mô nhỏ trên thị trường.

Thực tế cho thấy, ngay cả việc tổ chức kiểm tra định kỳ ba năm một lần với một DN kiểm toán theo quy định hiện nay cũng là rất khó do bộ máy nhân sự của Bộ Tài chính còn rất mỏng trong khi khối lượng công việc soạn thảo chính sách, chế độ cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán quá lớn.

Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kể từ thời điểm được chuyển giao chức năng kiểm soát chất lượng dịch vụ của khối công ty kiểm toán tổ chức niêm yết, công ty đại chúng, từ năm 2014-2015, cơ quan này cũng đã triển khai kiểm tra tại 11 công ty và dự kiến trong năm 2016 sẽ tiến hành kiểm tra 17 công ty.

Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán độc lập, góp phần nâng cao vai trò và năng lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực kiểm toán nói chung và kiểm toán độc lập nói riêng.

Hai là, tiếp tục cập nhật chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Là lĩnh vực hoạt động chuyên môn sâu, đòi hỏi những quy tắc, chuẩn mực nghề nghiệp hết sức chặt chẽ, đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán của Việt Nam đến nay đã tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực của quốc tế, gồm Luật Kiểm toán độc lập, nghị định hướng dẫn, hệ thống chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Cho đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 47 chuẩn mực về dịch vụ kiểm toán, soát xét, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ có liên quan khác cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Trước xu hướng hội nhập sâu rộng tới đây, cần chú trọng thúc đẩy tăng cường hội nhập quốc tế, tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế; Chủ động tham gia vào quá trình xây dựng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tể, chuẩn mực kế toán công quốc tế, chuẩn mực kiểm toán quốc tế thông qua các diễn đàn trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt chú ý đến tiếp tục cập nhật chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế…

Ba là, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán nhằm thúc đẩy quản lý nghề nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kiểm toán độc lập. Trong những năm qua, VACPA trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính) với các DN kiểm toán cũng như các kiểm toán viên hành nghề.

Theo đó, VACPA đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Bộ Tài chính trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về kiểm toán độc lập; Tham gia ý kiến xây dựng Luật Kiểm toán độc lập, trình Chính phủ ban hành các Nghị định và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn các hoạt động nghiệp vụ liên quan, đặc biệt trong quá trình nghiên cứu và soạn thảo chuẩn mực kiểm toán độc lập.

Với vai trò của một tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, VACPA đã kết nối các công ty kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề trong sự phát triển nghề, đào tạo nghề và nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập; qua đó, trợ giúp Bộ Tài chính triển khai thực thi các hoạt động kiểm toán độc lập và phát huy hiệu quả vai trò của ngành nghề kiểm toán tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, VACPA cần tiếp tục nỗ lực để cùng Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý Nhà nước phát triển ngành Kiểm toán độc lập đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hội nhập sâu rộng mới của nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công “Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Về phía DN

Một là, nâng cao chất lượng của đội ngũ kiểm toán viên tại các DN kiểm toán. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất, tạo nên thương hiệu, uy tín và nguồn khách hàng ổn định cho công ty kiểm toán và được coi là quyết định sự thành công bền vững của mỗi công ty.

Do vậy, việc tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng chất lượng cho đội ngũ kiểm toán viên là vô cùng cần thiết. Bên cạnh việc quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng, các DN kiểm toán độc lập cần phối hợp với các hãng kiểm toán lớn quốc tế, các tổ chức nghề nghiệp để có chương trình đào tạo phù hợp, gắn với chuẩn mực quốc tế.

Hai là, đa dạng hóa các dịch vụ kiểm toán. Hiện nay, trong các dịch vụ mà các công ty kiểm toán độc lập cung cấp thì dịch vụ kiểm toán và soát xét báo cáo tài chính (bao gồm kiểm toán báo cáo tài chính năm, báo cáo quyết toán giá trị công trình xây dựng cơ bản, quyết toán hợp đồng kinh tế,…) chiếm số lượng lớn nhất.

Đặc biệt, kể từ khi Luật Kiểm toán độc lập ra đời, đối tượng bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính năm được mở rộng hơn, bao gồm công ty đại chúng, tổ chức phát hành, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, ngân hàng, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DNNN và DN có trên 20% vốn góp của Nhà nước… càng mở ra cơ hội phát triển cho ngành kiểm toán độc lập.

Trong thời gian tới, cần chú trọng đa dạng hóa các dịch vụ kiểm toán, trong đó chú trọng các dịch vụ tư vấn tài chính, quản lý như: Xác định giá trị tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng; Góp vốn liên doanh, cổ phần hoá doanh nghiệp; Tư vấn đầu tư, chuyển nhượng vốn đầu tư; Kiểm toán xác nhận tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất…

Ba là, xây dựng được môi trường và tác phong làm việc chuyên nghiệp, đề cao việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của các kiểm toán viên. Chất lượng dịch vụ kiểm toán không chỉ ảnh hưởng bởi những kiến thức, kinh nghiệm của người làm kiểm toán, mà còn ảnh hưởng rất lớn của đạo đức kiểm toán viên.

Hành lang pháp lý cho hành nghề kiểm toán dù đã hoàn thiện, song để kiểm toán viên đi đúng hành lang đó, khâu quản lý, giám sát chất lượng hàng nghề kiểm toán có vai trò rất quan trọng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc nhiều DN bất ngờ thua lỗ, dù chỉ kỳ kế toán trước vẫn báo lãi cao và được kiểm toán chấp nhận là báo cáo “trung thực và hợp lý” như là Vinashin, DVD, Công ty Cổ phần Y tế Việt - Nhật… khiến dư luận từng băn khoăn và đặt nhiều câu hỏi về độ tin cậy của các báo cáo kiểm toán. Do vậy, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán cũng như giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên cần triển khai song hành, liên tục và chặt chẽ hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt “Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

2. Phạm Thùy Vân, Big Four và sự phát triển của hệ thống kiểm toán độc lập ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính số 4/2014;

3. Minh Hà, Kiểm toán độc lập Việt Nam: 25 năm đồng hành cùng đổi mới, Tin nhanh Chứng khoán tháng 5/2016;

4. Một số website: mof.gov.vn, vacpa.org.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn…