Cần bảo đảm cân đối cung - cầu sản xuất và tiêu thụ nông sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị các địa phương lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu tiêu thụ nội địa liên vùng. Quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm phân loại, sơ chế, bảo quản, nâng cao giá trị và bảo đảm chất lượng nông sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.
Thông tin về diễn biến thị trường một số mặt hàng nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, trong 2 tháng đầu năm, thị trường lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL trầm lắng do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Giá lúa diễn biến theo xu thế giảm.
Hiện tại, thương lái bắt đầu mua lúa trước vụ thu hoạch Đông Xuân sắp tới để trang trải các hợp đồng đã ký. Nguồn cung trong nước dự đoán vẫn ở mức thấp cho đến khi thu hoạch vụ Đông Xuân bắt đầu. Mức giá lúa bình quân trong tháng 1-2/2022 cụ thể: Lúa tươi giống IR50404 đạt 5.300 đồng/kg; lúa tươi chất lượng cao OM 5451 ở mức 5.400 đồng/kg; lúa khô chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.400 đồng/kg.
Với mặt hàng thịt lợn, trong tháng 1/2022, giá thu mua lợn hơi tăng tại các địa phương trên cả nước do nhu cầu tăng vào dịp cuối năm âm lịch. Tuy nhiên, đến tháng 2/2022, giá lợn hơi đi xuống theo sự sụt giảm của nhu cầu tiêu dùng. Cụ thể, giá thu mua lợn hơi bình quân tại miền Bắc giảm 4.000 đồng/kg xuống mức 53.000 - 55.000 đồng/kg. Giá thu mua lợn hơi bình quân tại miền Trung giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg xuống mức 54.000 - 56.000 đồng/kg. Giá lợn hơi bình quân tại miền Nam giảm 1.000 đồng/kg xuống 54.000 - 56.000 đồng/kg.
Với gà thịt lông màu, trong tháng 1/2022, giá thu mua giảm do sức tiêu thụ chậm. Dù vậy, đến tháng 2/2022, giá gà thịt lông màu tại cả 3 miền: Bắc, Trung và Nam tăng thêm 13.000 đồng/kg, lên mức 46.000 – 47.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, trong tháng 2/2022, giá thu mua bình quân gà công nghiệp tại miền Trung và miền Nam tăng 8.000 – 9.000 đồng/kg lên mức 25.000 – 26.000 đồng/kg so với tháng trước đó do nguồn cung tăng.
Trên lĩnh vực thủy sản, giá cá tra nguyên liệu trong 2 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tăng do nguồn nguyên liệu thấp. Trong tháng 1/2022, vào thời điểm sát Tết Nguyên đán, giá thu mua cá tra nguyên liệu ổn định quanh mức 23.500-24.200 đồng/kg (cỡ 800g-1kg/con). Tuy nhiên, sang tháng 2/2022, giá thu mua cá tra nguyên liệu (cỡ 800g-1kg/con) đạt mức 25.000-30.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với các hợp đồng ký trước Tết trong bối cảnh nguồn cung cá thịt ở mức thấp so với nhu cầu của doanh nghiệp. Tương tự, giá cá giống tăng đáng kể, dao động mức 40.000 – 45.000 đồng/kg (cỡ 28-35 con/kg), tăng 10.000-15.000 đồng/kg so với cuối năm ngoái, do nguồn cá giống vẫn đang ở mức thấp.
Về thị trường tôm nguyên liệu, trong 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục xu hướng tăng giá từ cuối năm ngoái. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều công ty thủy sản đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để chế biến trong khi lượng tôm thương phẩm trong dân không còn nhiều. Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá thu mua bình quân tôm sú ướp đá (cỡ 30 con/kg) đạt mức 210.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so với cuối năm ngoái. Giá thu mua tôm thẻ chân trắng (cỡ 100 con/kg) đạt ở mức 92.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tháng 12/2021. Tại Kiên Giang, giá thu mua tôm sú ướp đá (cỡ 30 con/kg) đạt 205.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với cuối năm 2021; giá thu mua tôm thẻ chân trắng ướp đá (cỡ 100 con/kg) đạt 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2021,…
Để tiếp tục thực hiện tốt việc sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần kịp thời chỉ đạo, nắm bắt tình hình sản xuất, sản lượng mùa vụ để có các giải pháp tiêu thụ sản phẩm, cân đối cung - cầu, đặc biệt là các sản phẩm có sản lượng lớn khi vào vụ như: thanh long, xoài, chuối.
Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực chế biến cho các nhà máy sản xuất, chế biến và các cơ sở chế biến nông sản. Phối hợp với Bộ Công Thương thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt thương mại điện tử. Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận tải, tổ chức tốt hơn việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.
Về phía Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát, đánh giá thận trọng, đa chiều tình hình xuất - nhập khẩu, đầu tư nói chung và nông nghiệp nói riêng trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine có nhiều diễn biến phức tạp. Bộ NN&PTNT cũng cho biết, trước mắt cần nâng cao năng lực sản xuất trong nước, chỉ đạo các địa phương ổn định nguồn cung nguyên liệu thủy sản cho chế biến xuất khẩu để tận dụng cơ hội tốt từ việc thiếu hụt nguồn cung của các thị trường EU, Hoa Kỳ,...
Đối với các địa phương, Bộ NN&PTNT yêu cầu cần rà soát năng lực, nhu cầu của các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...
Đặc biệt, cần lập kế hoạch sản xuất tiêu thụ nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu tiêu thụ nội địa liên vùng. Quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm phân loại, sơ chế, bảo quản, nâng cao giá trị và bảo đảm chất lượng nông sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.
Cùng với đó, xây dựng phương án tổng thể chế biến nông sản theo từng mùa vụ; đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.