Cán cân thương mại sẽ cải thiện trong thời gian tới
Trong 6 tháng đầu năm, có tới 4 tháng Việt Nam nhập siêu, khiến cán cân thương mại thâm hụt ở mức 1,47 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 5,86 tỷ USD. Điều này đang đặt ra một số cảnh báo, nếu không kiểm soát tốt cán cân thương mại, nhất là việc nhập khẩu (NK) hàng tiêu dùng có thể gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế.
Lo ngại gia tăng nhập hàng tiêu dùng
Thống kê của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 2, Việt Nam nhập siêu 460 triệu USD; tháng 4 nhập siêu 1,2 tỷ USD; tháng 5 nhập siêu 2,1 tỷ USD và ước tính tháng 6 nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD). Về cơ cấu nhóm hàng NK 6 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 149,32 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. NK nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,78 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020.
Đánh giá về bức tranh xuất, nhập khẩu 6 tháng, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, so với kim ngạch XK, con số xuất siêu chỉ chiếm khoảng 1%. Đây là con số chưa đáng ngại, đặc biệt khi nhìn vào các yếu tố để tạo nên mức nhập siêu này. Theo lý giải của Bộ Công Thương, hoạt động NK có sự gia tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu NK nguyên liệu đầu vào. Song, Bộ Công Thương cũng cho biết, trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng NK của nhóm hàng Việt Nam cần kiểm soát và hạn chế NK tăng khá cao, đạt 10,3 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhóm hàng này, kim ngạch NK rau quả tăng 17%, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 38,1%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 67,3% về kim ngạch.
Nhìn vào bức tranh xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sau nhiều năm xuất siêu thì nhập siêu đã quay trở lại và bày tỏ lo ngại khi tình trạng NK tiêu dùng gia tăng mạnh. Đơn cử, 6 tháng đầu năm, Việt Nam chi gần 1,8 tỷ USD NK ô tô nguyên chiếc, tăng tới 94,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có giải pháp hạn chế nhập siêu thì nhập siêu lâu dài, nhất là nhập siêu hàng tiêu dùng sẽ gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế như lãng phí ngoại tệ; sẽ giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa...
Năm 2021 sẽ xuất siêu khoảng 2 tỷ USD
Hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo chu kỳ NK hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi XK đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Bộ Công Thương nhận định, nhu cầu đối với hàng hóa XK của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc, thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản... Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới, tổng kim ngạch XK cả năm có thể đạt 308 tỷ USD, NK đạt 306 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại xuất siêu sẽ ở mức khoảng 2 tỷ USD.
Đề cập tới những yếu tố tác động tới hoạt động XK trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng, có nhiều yếu tố thuận lợi cũng như thách thức đan xen. Yếu tố thuận lợi, thời gian tới, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; ở các nước châu Âu và Mỹ đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh. Về yếu tố bất lợi, theo Bộ Công Thương, hoạt động XNK bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số nơi là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh....
Để thúc đẩy XK hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, XK theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại...