Cần có bộ phận chuyên trách, đủ thẩm quyền, năng lực quản lý thuế với doanh nghiệp lớn


Theo TS. Nguyễn Đình Cung, để quản lý thuế hiệu quả đối với doanh nghiệp lớn, ngành Thuế cần có bộ phận chuyên trách, đủ thẩm quyền và năng lực quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn. Do đó, việc nâng cao vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế là cần thiết, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, phù hợp thông lệ quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Số lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,075% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động nhưng đóng góp đến gần 50% tổng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình tổ chức cấp vụ của Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) với chức năng chủ yếu là hỗ trợ, tham mưu dẫn đến hiệu quả công tác quản lý chưa cao, thời gian xử lý kéo dài và tồn tại nhiều hạn chế. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp và quy mô thu ngân sách nhà nước được giao lớn.

Để khắc phục những tồn tại trên, Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến các bộ, ngành về Đề án tổ chức lại Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế. Các chuyên gia, nhà quản lý đều chung nhận định rằng nhu cầu tất yếu, khách quan hiện nay cần thiết phải có một tổ chức chuyên sâu, đủ mạnh để quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp lớn thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo “Quản lý thuế doanh nghiệp lớn tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” ngày 23/11/2020, TS. Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các tổ chức kinh tế lớn ở Việt Nam chiếm khoảng 0,3% số tổ chức kinh tế, nhưng đóng góp hơn 45% thu ngân sách và có thể gia tăng.

Các doanh nghiệp này kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực gần như không giới hạn không gian; nguồn doanh thu và thu nhập rất đa dạng; cơ cấu tài chính phức tạp; cơ cấu tổ chức và mối quan hệ nội bộ phức tạp, tinh vi, nhiều tầng nấc, có thể thay đổi liên tục. Loại hình này ít trốn thuế nhưng nhiều rủi ro tránh né thuế, chuyển giá. Vì vậy, xét về thu ngân sách, thì đây là nhóm đối tượng có rủi ro lớn cho ngân sách.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc quản lý các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, công ty đa quốc gia tập trung tại một đầu mối chuyên sâu, sẽ mang lại hiệu lực, hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế lớn/khách hàng lớn. Do đó, trong thời gian tới, ngành Thuế cần có bộ phận chuyên trách, đủ thẩm quyền và năng lực quản lý thuế đối với các tổ chức kinh tế lớn. Theo đó, việc nâng cao vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý doanh nghiệp lớn sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, phù hợp thông lệ quốc tế.

“Như trong lĩnh vực Hải quan có phân luồng quản lý hàng hóa nhập khẩu luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ. Hay đối với các hãng hàng không lớn trong nhóm Skyteam có chính sách ưu tiên khách hàng theo các hạng thẻ: Platinium, Gold, Titanium, Silver; tương tự là các ngân hàng cũng phải có chính sách ưu tiên hỗ trợ khách hàng lớn…”- TS. Nguyễn Đình Cung ví dụ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/12/2019, Việt Nam có hơn 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Quy mô vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 là 36.712 nghìn tỷ đồng.

Tổng số thu ngân sách nhà nước từ 561 doanh nghiệp lớn do Tổng cục Thuế giao Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn tổ chức quản lý lũy kế 9 tháng năm 2020 đạt 195,62 nghìn tỷ đồng, bằng 97% so với lũy kế 9 tháng cùng kỳ và bằng 65% so với cả năm 2019.

Số lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ 0,075% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp lớn đang đóng vai trò trọng yếu trong công tác quản lý thu Ngân sách nhà nước.