Cần xây dựng mô hình quản lý rủi ro tuân thủ đối với doanh nghiệp lớn

Hà Anh

Ngày 23/11/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội thảo “Quản lý thuế doanh nghiệp (DN) lớn tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” nhằm làm rõ về vai trò, ý nghĩa của các DN lớn đối với nền kinh tế và thực tiễn của công tác quản lý thuế đối với DN lớn hiện nay tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo Quản lý thuế DN lớn tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 23/11/2020.
Toàn cảnh Hội thảo Quản lý thuế DN lớn tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 23/11/2020.

Hội thảo có sự tham dự của ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Jonathan Leigh Pemberton - Chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới và đại diện các vụ, cục chức năng của các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Ngoại giao, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 10/NQ-CP, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với các đơn vị trong hệ thống Thuế.

Sau gần 2 năm thực hiện đổi mới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện thuế điện tử, sắp xếp tổ chức bộ máy, đến nay, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các Chi cục Thuế xuống còn 415 chi cục (từ 711 chi cục thuế trước đây); đồng thời, cắt giảm được 2.485 đầu mối hành chính.

Để nâng cao năng lực bộ máy quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là bộ máy cơ quan thuế ở Trung ương cần tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy. Riêng đối với chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, vì hiện nay, đơn vị này vẫn chủ yếu thực hiện chức năng tham mưu, chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý thuế; sự phối kết hợp với các cục thuế ở địa phương chưa thực sự chặt chẽ.

Nhấn mạnh về vị trí, vai trò của DN lớn tại Việt Nam, tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, tính đến ngày 01/01/2020, Việt Nam có 750.000 DN đang hoạt động; số DN có quy mô vốn kinh doanh trên 500 tỷ đồng là 7.192 DN. Theo thống kê, hiện nay, Vụ Quản lý thuế DN lớn đang quản lý, theo dõi 561 DN lớn.

Thời gian qua, DN lớn đã có vai trò quan trọng trong: Tạo ra việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội; tiên phong áp dụng khoa học công nghệ, kết nối DN vừa và nhỏ; củng cố an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng.

Về đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước của DN lớn, theo ông Nguyễn Văn Phụng, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/11/2018, DN lớn có đóng góp từ 22%-27% số thu ngân sách nhà nước; khoảng 40% số thu NSNN trong giai đoạn từ 15/11/2018 đến nay.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số thu ngân sách nhà nước của 561 DN lớn do Vụ Quản lý thuế DN lớn quản lý lũy kế 9 tháng năm 2020 đạt 195,62 nghìn tỷ đồng, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 65% so với cả năm 2019.

Trên thực tế, vị trí của các DN lớn đã và đang mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một cơ chế, chính sách ưu tiên dành riêng cho nhóm DN này; các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, lao động hay giải quyết các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh… thường ưu tiên các đối tượng là các DN nhỏ và vừa (theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa số 04/2017/QH14).

Bên cạnh đó, công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra thuế hay giải quyết vướng mắc, xử lý khiếu nại về thuế hiện nay tại cơ quan thuế cũng không phân biệt theo quy mô hay nhóm người nộp thuế lớn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đánh giá: Cộng đồng DN Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh, xuất hiện nhiều DN quy mô lớn không chỉ là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các DN lớn có vốn đầu tư nước ngoài mà còn cả các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước.

“Việc phát triển ngày càng lớn mạnh của các DN lớn đòi hỏi công tác quản lý thuế cũng phải được nâng cao, cơ chế hỗ trợ nhanh, điều phối kịp thời”, ông Phòng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế DN lớn; định hướng tổ chức quản lý thuế DN lớn trong thời gian tới... Hội thảo đã có các ý kiến thảo luận đa chiều, mang lại nguồn thông tin đa dạng và kinh nghiệm hữu ích cho các cơ quan, đơn vị của Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng trong quản lý thuế trong thời gian tới.