Cần đa dạng hóa nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản thay vì chỉ trông chờ vốn ngân hàng
Trước những khó khăn các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang phải đối mặt, giới chuyên môn cho rằng, cần giải quyết các vướng mắc về thủ tục và thể chế để trên cơ sở đó dẫn dắt cho việc tái cấu trúc thị trường vốn cho lĩnh vực BĐS và khơi thông nguồn vốn vào thị trường này; đồng thời, thực hiện đa dạng các nguồn vốn (trái phiếu, cổ phiếu, các quỹ đầu tư…) thay vì chỉ trông chờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Ý kiến trên được các nhà quản lý, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức chiều ngày 6/2.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản (BĐS) có vai trò lớn và tiềm năng lớn của nền kinh tế.
“Phát triển BĐS là nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là động lực cho nền kinh tế. Những gì diễn ra trên thị trường vừa rồi chỉ là sự cố có tính chất kỹ thuật, tạm thời”, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định.
Từ nhận định trên, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, khôi phục thị trường BĐS là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023 có nhiều thuận lợi, khó khăn nhưng khó khăn nhiều hơn năm 2022. Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Thu hút dòng tiền trở lại thị trường BĐS, trước hết phải giải quyết các vấn đề về thể chế và pháp lý, thủ tục hành chánh”.
Bởi, theo phản ánh của các doanh nghiệp BĐS, 70% vướng mắc hiện nay của các doanh nghiệp đến từ thủ tục hành chính. Nếu đúng như vậy thì quan trọng hàng đầu phải là giải quyết vướng mắc thủ tục và thể chế.
“Cần giải quyết các vướng mắc về thủ tục và thể chế để trên cơ sở đó dẫn dắt cho việc tái cấu trúc thị trường vốn cho BĐS và khơi thông nguồn vốn vào thị trường này; đồng thời thực hiện đa dạng các nguồn vốn (trái phiếu, cổ phiếu, các quỹ đầu tư…) thay cho nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho rằng, trong những khó khăn mà BĐS đang gặp phải thì vướng mắc pháp lý là lý do lớn nhất, cần tập trung tháo gỡ. Tiêu biểu Nghị quyết 16 của Trung ương, với mục tiêu ghi rõ là đến hết năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật đất đai 2013 và một số luật liên quan để đồng bộ.
Ví dụ, Luật Đầu tư chỉ ghi phù hợp quy hoạch đô thị nhưng Nghị quyết 21 hướng dẫn luật thì lại hiểu là quy hoạch đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500, hay 1/2000. Từ đó gây khó cho chủ trương xin dự án chứ không phải "tự động" được duyệt theo quy định của Luật.
Với ngành Ngân hàng, ông Lê Hoàng Châu đánh giá, trong những năm vừa qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách giúp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, từ ngày 1/10/2022, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%; đến ngày 1/10/2023 sẽ tiếp tục giảm còn 30%.
“Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho giãn thêm thời gian, vì nếu tỉ lệ này xuống còn 30% từ ngày 1/10/2023, có nghĩa là các ngân hàng thương mại sử dụng 100 đồng chỉ còn dùng 30 đồng cho BĐS. Điều đó có nghĩa, nguồn lực cho vay ngày càng ít đi trong khi các doanh nghiệp đang kiệt quệ”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua đánh giá chung, ngành Ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường BĐS.
Đơn cử như: Năm 2022, dư nợ tín dụng BĐS chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - cao hơn mức tăng trưởng chung của thành phố là 13,8%. Trong đó, cho vay tiêu dùng, cho vay mục tiêu tự sử dụng, cá nhân vay mua nhà… chiếm khoảng 70%.
Trên cơ sở Nghị quyết số 01 của Chính phủ và Chỉ thị số 01 của NHNN về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn: Bám sát định hướng chỉ thị của NHNN về các giải pháp, nhiệm vụ, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, NHNN cũng giao cho NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố 25 nhóm nhiệm vụ cụ thể; hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp nói chung và tạo ra bước đột phá; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi 2% đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân…
Các tổ chức tín dụng được chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, như: bảo đảm khai thác và sử dụng vốn hiệu quả; kiểm soát cơ cấu huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển như định hướng.
“Tín dụng BĐS là vốn trung dài hạn, còn bản chất của hoạt động ngân hàng thương mại là ngắn hạn đáp ứng vốn lưu động cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, với cơ cấu tín dụng như trên, ngành Ngân hàng đã và đang nỗ lực, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác đang gặp khó khăn”, ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ và kiến nghị thêm: “Cùng với vốn tín dụng ngân hàng, chúng tôi cho rằng các kênh khác như vốn chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải khơi thông để cùng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế”.
Dưới góc nhìn của ngân hàng, ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, dự báo thị trường này sẽ tiếp tục khó khăn. Do đó, để cung ứng vốn cho thị trường bất động sản, OCB xác định ngay từ đầu năm là tìm hiểu và “đánh” vào nhu cầu thực của khách hàng.
“Đối với những dự án chưa bàn giao hoặc các dự án không có liên kết với OCB, quan điểm của chúng tôi là cần phải kiểm soát rủi ro chặt chẽ để bảo đảm an toàn tín dụng”, ông Trương Đình Long chia sẻ.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, vai trò của nguồn vốn tín dụng rất quan trọng. Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rất rõ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ phải chắc chắn và linh hoạt, điều đó bảo đảm đối phó với áp lực lạm phát đang gia tăng. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm… cần được tiếp tục.
“Quá trình khôi phục thị trường BĐS sẽ là quá trình sàng lọc rất đau đớn, sẽ có những doanh nghiệp buộc phải rời thị trường, có những doanh nghiệp rơi vào khó khăn.
Nguồn vốn ngân hàng phải tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan trọng là sự minh bạch của thị trường BĐS và chính sự minh bạch của thị trường sẽ dẫn dắt dòng vốn đầu tư vào thị trường này”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.