Đông Nam Á:

Cần đầu tư 190 tỷ USD vào năng lượng sạch để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu


Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, Đông Nam Á cần tăng đầu tư vào năng lượng sạch gấp 5 lần hiện tại, để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Vai trò của Đông Nam Á trong hệ thống năng lượng toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tới.
Vai trò của Đông Nam Á trong hệ thống năng lượng toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tới.

Theo Reuters, trong một báo cáo mới công bố, IEA nêu rõ, Đông Nam Á cần tăng đầu tư vào năng lượng sạch lên 190 tỷ USD, gấp khoảng năm lần mức hiện tại, vào năm 2035 để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Reuters cũng cho biết, theo tính toán của IEA, riêng việc xây dựng cơ sở hạ tầng như lưới điện để hỗ trợ kết nối, truyền tải năng lượng tái tạo đòi hỏi mức đầu tư hàng năm khoảng 30 tỷ USD, gấp đôi hiện tại.

Là nơi sinh sống của 9% dân số thế giới, Đông Nam Á chiếm 6% GDP, 5% nhu cầu năng lượng nhưng chỉ mới thu hút được 2% đầu tư năng lượng sạch toàn cầu.

Trong khi, khu vực này dự kiến là một trong những động lực chính của nhu cầu năng lượng toàn cầu trong thập kỷ tới.

Dự báo dựa trên kịch bản chính sách hiện tại, Đông Nam Á sẽ chiếm 25% tăng trưởng nhu cầu năng lượng thế giới đến 2035, chỉ đứng sau Ấn Độ. Đến giữa thế kỷ, nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ vượt Liên minh châu Âu.

Theo IEA, nhu cầu điện ở Đông Nam Á sẽ tăng 4% mỗi năm trong những năm tới, trong đó các nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời, cùng với năng lượng sinh học và địa nhiệt hiện đại, dự kiến ​​sẽ đáp ứng hơn một phần ba nhu cầu năng lượng tăng trưởng trong khu vực vào năm 2035.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết vẫn chưa đủ để kiểm soát lượng khí thải carbon dioxide (CO2) liên quan đến năng lượng của khu vực, dự kiến ​​sẽ tăng 35% từ nay đến giữa thế kỷ.

Giám đốc điều hành của IEA Fatih Birol cho biết: "Các công nghệ năng lượng sạch không phát triển đủ nhanh và việc tiếp tục phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đang khiến các quốc gia phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai".

Để đảo ngược tình hình này, cần có một nỗ lực lớn để phù hợp các mục tiêu đã đặt ra tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP28 và các mục tiêu đã được đặt ra trong khu vực, nghĩa là phải giảm một nửa lượng khí thải hiện nay vào năm 2050.

Trong số 10 nền kinh tế thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có 8 nền kinh tế cam kết thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

“Đông Nam Á là một trong những khu vực năng động nhất về kinh tế trên thế giới và được dự đoán sẽ chiếm 1/4 mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong thập kỷ tới khi dân số, sự thịnh vượng và các ngành công nghiệp của khu vực này mở rộng”, ông Fatih Birol cho hay.

“Các quốc gia trong khu vực có sự kết hợp đa dạng các nguồn năng lượng bao gồm cả năng lượng tái tạo có tính cạnh tranh cao. Nhưng các công nghệ năng lượng sạch không mở rộng đủ nhanh và việc tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đang khiến các quốc gia phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai.

Đông Nam Á đã đạt được tiến bộ lớn về các vấn đề như tiếp cận năng lượng, nấu ăn sạch và phát triển sản xuất năng lượng sạch, nhưng hiện tại, khu vực này phải tăng cường nỗ lực triển khai các công nghệ đó trong nước.

Việc tiếp cận tài chính và đầu tư cho các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của khu vực sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường an ninh năng lượng và thực hiện các mục tiêu giảm phát thải của họ”, ông Fatih Birol nói thêm.

Theo IEA, chuyển đổi năng lượng sạch đã mang lại lợi ích cho Đông Nam Á, với hơn 85.000 việc làm được tạo ra kể từ năm 2019 và tiềm năng mở rộng công nghệ năng lượng sạch và chế biến khoáng sản quan trọng trong khu vực. Indonesia thành nhà sản xuất pin lithium-ion lớn nhờ vào trữ lượng niken phong phú.

Trong khi Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là những nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời lớn, sau Trung Quốc.

Singapore có thể đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực giảm phát thải từ vận chuyển bằng nhiên liệu như amoniac và metanol.

Theo H.A/kinhtemoitruong.vn