Ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Trần Huyền

Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển dịch năng lượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều khung chính sách, các chiến lược, quy hoạch đã được ban hành về vấn đề này nhằm ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển dịch năng lượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: internet
Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển dịch năng lượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: internet

Phấn đấu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 15 - 20%

Chuyển dịch năng lượng với định hướng giảm dần tỷ trọng nguồn nhiên liệu sử dụng hóa thạch trong sản xuất điện sang năng lượng mới, năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu hiện nay trên thế giới. Việc phát triển năng lượng tái tạo và nguồn nhiên liệu từ năng lượng tái tạo như hydrogen là một trong những định hướng lớn trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đến 2050. 

Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 đặt ra mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Triển khai mục tiêu đã đề ra, theo Quyết định số 500/QĐTTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050, tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 là 150.489 MW. Trong đó, đến năm 2030 tổng công suất đặt của điện mặt trời là 12.836 MW, chiếm 8,5% tổng công suất đặt hệ thống, tổng công suất đặt của điện gió trên bờ là 21.880 MW, chiếm 14,5% tổng công suất; điện gió ngoài khơi là 6.000 MW bằng 4% tổng công suất; điện sinh khối và điện rác là 2.270 MW, bằng 1,5% tổng công suất. Như vậy, tổng công suất đặt các nguồn điện từ năng lượng tái tạo không kể thủy điện đã chiếm 28,5% tổng công suất đặt hệ thống điện.

Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt mục tiêu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030 và mục tiêu đạt khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Thu hút đầu tư vào năng lượng xanh

Để đạt các mục tiêu trên về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, cần tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Xây dựng cơ chế đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy đầu tư. Khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng, hiệu quả đối với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, chống đầu cơ, trục lợi, lợi ích nhóm trong phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh.

Các cơ quan chức năng cũng cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Một nội dung khác cần đẩy mạnh là hợp tác với các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế, tăng cường kêu gọi đầu tư, xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để thu hút đầu tư, nhanh chóng tiếp cận và chuyển giao các công nghệ mới, hiện đại về nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, cần tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế suất sạch, sinh thái, thông minh, nhắm tới mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy phát triển năng sạch và năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng.