Cần đẩy nhanh phân bổ kinh phí tuyên truyền về điện hạt nhân cho địa phương
Để công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương phát triển điện hạt nhân kịp thời và có hiệu quả, việc giải ngân nguồn kinh phí cho công tác này cần đẩy nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), thông tin và tuyên truyền là một trong 19 vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân nên phải làm thường xuyên, liên tục trong thời gian trước khi xây dựng, khi nhà máy đang hoạt động và cả khi nhà máy dừng hoạt động. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân cho công chúng, đặc biệt là người dân tại khu vực đặt nhà máy
Thực hiện Quyết định 370/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Ninh Thuận - nơi đặt nhà máy điện hạt nhân, đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở.
Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Ninh Thuận và hệ thống truyền thanh cơ sở đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục thường xuyên cập nhật, thông tin, tuyên truyền về chủ trương, cơ chế chính sách của Chính phủ; Công tác chuẩn bị, xây dựng và vận hành trong thời gian tới; Công tác đào tào nguồn nhân lực…
Các hoạt động tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, họp dân phố, phát tờ rơi cũng được liên tục tổ chức nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho các đối tượng liên quan. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho các cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp xã, công chức viên chức hoặc đảng viên có gia đình nằm trong vùng dự án để hiểu rõ chủ trương, chính sách của Chính phủ về phát triển điện hạt nhân…
Ông Bùi Nhật Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết, công tác thông tin tuyên truyền tích cực đã góp phần nâng cao một bước nhận thức của người dân về vai trò của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội.
Đại bộ phận người dân ở Ninh Thuận cũng đã thể hiện sự đồng thuận với Nhà nước trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng hai Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Ngoài ra, đến nay, 70 học sinh có thành tích cao trong học tập của Tỉnh Ninh Thuận đang học về chuyên ngành năng lượng nguyên tử tại các trường đại học của Liên bang Nga.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Nhật Quang, đến thời điểm này, Ninh Thuận vẫn chưa nhận được những hỗ trợ đầy đủ của Trung ương, kể cả về hỗ trợ tài chính cho công tác thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân. Theo đại diện của tỉnh Ninh Thuận, điều này đã ảnh hưởng đến công tác thông tin tuyên truyền.
“Thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân không chỉ ở địa bàn xây dựng các nhà máy mà còn trên cả nước là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh Ninh Thuận và nhiều bộ, ngành liên quan khác. Nhưng thông tin tuyên truyền cũng là việc tốn nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Ninh Thuận còn rất khó khăn - một trong những tỉnh nghèo nhất nước, song đến nay đã gần hết năm 2015, địa phương vẫn chưa được phần kinh phí nào để thực hiện nội dung tuyên truyền mà Thủ tướng Chính phủ đã giao”, ông Bùi Nhật Quang chia sẻ trong một cuộc trả lời báo chí mới đây.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, đất nước đang khó khăn, Chính phủ đang dồn nguồn lực tài chính cho các công việc cấp bách hơn nhưng nếu ai đó cho rằng tuyên truyền về điện hạt nhân là “không cấp bách” thì đã đánh giá không đúng vấn đề.
Công tác thông tin tuyên truyền đối với chủ trương phát triển nền công nghiệp điện hạt nhân đất nước nói chung và dự án xây dựng nhà máy ở Ninh Thuận nói riêng đóng vai trò rất quan trọng và phải đi trước một bước. Hơn nữa, Việt Nam hướng đến mục tiêu đảm bảo nhà máy điện hạt nhân được xây dựng và vận hành tốt. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến xây dựng nhà máy tốt mà chưa chú ý đến việc tạo sự đồng thuận trong dân chúng, thì rủi ro vẫn có thể xảy ra.
Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Theo các chuyên gia, tất cả các nội dung, phần việc, đều phải được chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng và tích cực, tuân thủ những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng an toàn và môi trường của nhà máy. Hiện nay, công tác chuẩn bị xây nhà máy điện hạt nhân có rất nhiều nhiệm vụ, trong đó đối với tỉnh Ninh Thuận là nhiệm vụ di dân và tái định cư - một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng phải thực hiện một loạt các công tác đầu tư khác cho cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, lựa chọn một số con em địa phương đi học để chuẩn bị nguồn nhân lực. Nguồn lực của Ninh Thuận hiện nay chưa thể cân đối được, chưa đáp ứng được yêu cầu của hai dự án điện hạt nhân đầu tiên của nước ta và vẫn phải trông vào nguồn ngân sách của Trung ương.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền có tính chất quyết định làm cho dân hiểu được giá trị của việc sử dụng năng lượng sạch, độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, nhất là sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, thì kinh phí tuyên tuyền chậm gây khó khăn nhất định đến công tác thông tin tuyên truyền đến người dân.
Tại Hội thảo Phát triển thông tin và truyền thông điện hạt nhân được tổ chức trong 2 ngày 10 và 11/11 mới đây, tại tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Phi Long, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Ninh Thuận cũng đã kiến nghị một nội dung nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tuyên truyền về điện hạt nhân cho người dân trên địa bàn, trong đó, có việc cần đẩy nhanh phân bổ ngân sách phục vụ công tác tuyên truyền.
Theo đó, ông Nguyễn Phi Long đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất với Bộ Tài chính có phương án phân bổ kinh phí hàng năm về địa phương để thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo kế hoạch khung hàng năm và giai đoạn mà UBND Tỉnh đã thông qua và đã gửi trình cho các bộ, ngành.
Tháng 2/2013, Thủ tướng đã ký Quyết định 370/QĐ-TTg thông qua phương án tài chính tài trợ thông tin tuyên truyền cho điện hạt nhân với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng, được chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn 2013-2015 khoảng 50 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 khoảng 150 tỷ đồng. Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm lập dự toán kinh phí phần ngân sách Trung ương gửi Bộ Tài chính xem xét và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ.