Cần đột phá trong cải cách hành chính và tài chính công

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Nước ta đang ở giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Cải cách hành chính và tài chính công là yêu cầu bức thiết do cuộc sống đặt ra, là một đòi hỏi khách quan và phù hợp với các điều kiện đảm bảo tính khả thi của cải cách.

Cần đột phá trong cải cách hành chính và tài chính công
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đặt trong tổng thể cải cách hành chính nhà nước

Cải cách hành chính là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đối với lĩnh vực tài chính, cải cách hành chính cũng hết sức quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý thuế, hải quan, tài chính doanh nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, ngân sách nhà nước...

Nếu bàn về khái niệm, thì cải cách thủ tục hành chính là cải cách các loại thủ tục giấy tờ hành chính, các giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp, xã hội với nhà nước. các thủ tục hành chính và giao dịch phải hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, vì mục tiêu phục vụ tốt nhất cho các đối tượng.

Còn cải cách tài chính công là cải cách việc thu - chi Ngân sách Nhà nước; doanh nghiệp nhà nước; tín dụng nhà nước; tài chính các cơ quan hành chính nhà nước; tài chính các đơn vị sự nghiệp nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; trong đó thu - chi ngân sách nhà nước là bộ phận quan trọng nhất...

Những kết quả bước đầu của cải cách tài chính công ở Việt Nam thời gian gần đây đòi hỏi phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới. Cải cách tài chính công và cải cách hành chính nhà nước có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, những biến động của bộ phận này luôn tác động kéo theo sự thay đổi của bộ phận kia. Do vậy, cải cách tài chính công phải đặt trong mối quan hệ tổng thể của chương trình cải cách hành chính nhà nước, phải đáp ứng được các yêu cầu của cải cách hành chính và hỗ trợ cho quá trình này.

Theo các chuyên gia kinh tế, cải cách tài chính công phải đáp ứng  một số yêu cầu như: Phải tạo điều kiện tập trung nguồn lực tài chính nhà nước để giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, đúng với chức năng của nhà nước; sử dụng tập trung nguồn lực cho các ưu tiên chiến lược với chính sách nhất quán, thống nhất và thực tế. Đồng thời, phải nâng cao được tính chủ động, quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách và với vấn đề tài chính của mình.

Không những thế, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước, bao gồm hiệu quả quản lý, hiệu quả sử dụng NSNN trên bình diện vĩ mô và hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách ở các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách...

Cải cách để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn

Trong những năm qua, cải cách hành chính đã mang lại kết quả đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống pháp luật của nước ta đã và đang từng bước hoàn thiện và hội nhập quốc tế. Quốc hội đã thông qua nhiều luật để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Các thủ tục hành chính luôn được quan tâm cải cách để phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội ngày càng tốt hơn, hạn chế sự sách nhiễu của các cơ quan nhà nước hướng đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cải cách tài chính công đã có được bước tiến lớn qua chương trình cải cách thuế bước 2, thể hiện ở Luật Quản lý thuế (chính sách thu thuế, tự kê khai nộp thuế), giải quyết các giao dịch, thủ tục hành chính một cửa; Triển khai Hải quan điện tử… đã hạn chế tiêu cực, tiết kiệm thời gian, tiền của nhân dân, doanh nghiệp và xã hội.

Tuy nhiên, cơ chế chính sách về tài chính công chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập kinh tế quốc tế. Việc cải cách tài chính công chưa đặt trong tổng thể cải cách thể chế, bộ máy và thủ tục hành chính.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, để cải cách quản lý tài chính công, cần mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương; nhưng đồng thời phải tạo cơ chế để tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của chính quyền Trung ương đối với chính quyền địa phương. Cụ thể là Chính phủ cần tập trung vào 3 nhiệm vụ: hoạch định chính sách; ban hành các quy định và kiểm tra giám sát chế tài vi phạm. Còn các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện.

Theo TS. Trần Du Lịch, việc phân cấp cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính chất của một nhà nước đơn nhất, nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị. Xu hướng chung của thế giới là mở rộng quyền tự quản về ngân sách và cung cấp dịch vụ đô thị của chính quyền các đô thị.

Cụ thể hơn, vị chuyên gia này cho rằng, cần chuyển nền hành chính "đang mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ". Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không quản lý xã hội theo phương thức bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân hay nói cách khác là hành chính hóa các quan hệ dân sự, mà Nhà nước cần nâng cao vai trò trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự. Tư duy bao cấp trách nhiệm của Nhà nước trong các quan hệ dân sự đang để lại dấu ấn rất nặng nề trong hệ thống pháp luật có liên quan. Cách quản lý này vừa không phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường, vừa làm cho bộ máy quản lý hành chính Nhà nước ngày càng “phình to” nhưng bất cập.

"Trên cơ sở Hiến pháp mới (2013), đề nghị chế định các nguyên tắc phân cấp, phân quyền nêu trên vào quá trình sửa đổi các đạo luật như: Luật Ngân sách Nhà  nước; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; chế định tính đặc thù của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo như đã được xác định từ Nghị quyết Đại hội Đảng X.", ông Trần Du Lịch đề nghị.

Tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế với các chỉ tiêu cụ thể để đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng với mức trung bình của các nước trong khu vực.

Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu, đến cuối năm 2014 có 95% số doanh nghiệp tham gia vào kê khai thuế điện tử.

Về thủ tục thu, nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn Bảo Hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, sửa đổi ngay quy trình, thủ tục để đến cuối năm 2014 phấn đấu giảm 1/3 số lần và giảm 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính đối với lĩnh vực này.

Thông báo cũng nêu rõ: Cần chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý cán bộ hải quan, nhất là cán bộ ở cơ sở; nghiêm túc khắc phục tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là trong khâu giám sát, kiểm tra, thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu. Kiên quyết loại ra khỏi ngành những cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật.