Quản chặt để không lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế
Để giải quyết tình trạng lạm dụng Quỹ Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), một trong những biện pháp mạnh được BHXH Việt Nam đã và đang triển khai là siết chặt quản lý sử dụng Quỹ BHYT theo đúng quy định của Bộ Y tế và cơ quan BHXH Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là một trong nhưng địa phương đi đầu trong siết quy định khám chữa bệnh BHYT.
Trước thực trạng Quỹ BHYT đang có dấu hiệu bị trục lợi, TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn. Cụ thể, UBND Thành phố yêu cầu BHXH Hà Nội phối hợp với Sở Y tế tăng cường quản lý, kiểm tra việc chỉ định sử dụng thuốc, xét nghiệm dịch vụ kỹ thuật đảm bảo hợp lý, đúng quy trình kỹ thuật, đúng phác đồ điều trị. Các trường hợp bệnh lý thông thường chưa đến mức độ phải vào viện điều trị nội trú thì xem xét điều trị ngoại trú hoặc bố trí giường bệnh ban ngày.
Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT phải thực hiện nghiêm túc việc gửi hồ sơ thanh toán chi phí KCB BHYT hàng ngày khi bệnh nhân ra viện đến Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH và Bộ Y tế theo quy định; chủ động rà soát việc chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ y tế hợp lý, đảm bảo chất lượng điều trị, tiết kiệm, phấn đấu giảm chi phí bình quân từ 5-10%.
Sở Y tế phối hợp với BHXH TP. Hà Nội thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện của các cơ sở KCB trong và ngoài công lập trên địa bàn về sử dụng Quỹ BHYT, công tác KCB BHYT; kiểm tra, rà soát chi phí KCB BHYT, từ chối thanh toán chi phí không đúng quy định; xác định nguyên nhân gia tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT bất thường, tần suất KCB, tăng việc chỉ định sử dụng thuốc, chỉ định cận lâm sàng, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, chỉ định bệnh nhân vào nội trú, kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn quy trình kỹ thuật.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, mới đây, cơ quan BHXH Thành phố cũng đã đề nghị các bệnh viện siết chặt việc quản lý sử dụng Quỹ BHYT theo đúng quy định của Bộ Y tế và cơ quan BHXH Việt Nam. Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh, Thành phố được giao dự toán chi Quỹ BHYT hơn 14.000 tỷ đồng trong năm 2017, tuy nhiên, năm 2018, Quỹ chỉ được giao chưa tới 10.000 tỷ đồng.
Năm 2017, BHXH TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng KCB BHYT với 70 bệnh viện công lập, 73 bệnh viện tư nhân, 15 trạm y tế cơ quan, 145 trạm y tế phường, xã. Với hơn 6,5 triệu thẻ BHYT, Thành phố được dự toán chi 14.263 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế đã vượt dự toán lên đến 16.372 tỷ đồng.
Về nguyên nhân vượt dự toán chi, BHXH TP. Hồ Chí Minh cho hay là do tỷ lệ chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú còn cao, đặc biệt là ở Khoa Mắt và Khoa Y học cổ truyền tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, tại các bệnh viện vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc giá cao, chưa hợp lý; chưa quản lý chặt chẽ các trường hợp khám nhiều lần; nhiều nơi không hoàn lại chi phí thuốc và xét nghiệm… Do đó, với dự toán chi chưa tới 10.000 tỷ đồng TP. Hồ Chí Minh được giao trong năm 2018, các cơ sở y tế cần siết chặt hơn nữa việc chỉ định thuốc, hạn chế chỉ định kỹ thuật không hợp lý để giảm vượt quá dự toán chi ban đầu.
Trước lo ngại việc siết chặt chi phí sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT, đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, sẽ không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị.