GS., TSKH. Nguyễn Mại:

Cần một nhận thức đúng về FDI

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Trong bối cảnh hội nhập, cần có nhận thức, quan điểm đúng đắn, không tô hồng, nhưng cũng không chỉ thấy mặt trái, mặt tiêu cực, mà thiếu căn cứ thực tiễn khi đánh giá quá trình phát triển một lĩnh vực hoạt động quan trọng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...

Đây là chia sẻ của GS., TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài trong cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh câu chuyện thu hút FDI.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thu hút FDI năm 2015?

GS.TSKH Nguyễn Mại

GS.TSKH Nguyễn Mại

GS.,TSKH. Nguyễn Mại: Đầu tiên, nói về vốn thực hiện, thì 2015 là năm có số vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước tới nay ước đạt khoảng 14-15 tỷ USD.

So với làn sóng FDI đầu tiên trong giai đoạn 1991 – 1997 thì con số này cao hơn gấp 1,5 lần.

Quan trọng hơn là chất lượng dự án. Nhìn từ Bắc tới Nam, những công trường quy mô nhất đều có vốn FDI.

Có thể kể đến như nhà máy LG trị giá 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng; nhà máy Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh; nhà máy Microsoft ở Bắc Ninh, Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn trị giá 9,5 tỷ USD; Khu liên hợp gang thép của Formosa (Hà Tĩnh) trị giá 9,9 tỷ USD... Những sản phẩm do DN FDI sản xuất sẽ giúp Việt Nam giảm nhập siêu.

Thứ hai là chất lượng đối tác. Hiện nhiều công ty của các nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ… đang muốn đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba là môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có tới 80% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản được hỏi cho biết muốn tìm hiểu để đầu tư tại Việt Nam. 70% các DN đang hoạt động ở Việt Nam thì muốn mở rộng đầu tư. Tương tự, các phản hồi từ những hiệp hội khác như Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)… cũng tích cực.

Nhìn chung, tình hình thu hút FDI tại Việt Nam trong năm 2015 có rất nhiều điểm sáng đáng trân trọng. Những địa phương thu hút thành công nhất vốn FDI cũng là những địa phương phát triển rất tốt. Tiêu biểu như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…

Bên cạnh những kết quả rất khả quan, nhiều ý kiến lại tỏ ra lo lắng về tình trạng tiêu cực, cảnh báo về “lợi bất cập hại” trong thu hút FDI như chuyển giá, ô nhiễm môi trường, nhất là tác động lan tỏa còn hạn chế… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Mặt trái đó, DN nào cũng vướng phải. Không chỉ riêng DN FDI, cả DN trong nước cũng chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường… nên đừng đổ lỗi hết cho thu hút FDI. Đã là DN theo nền kinh tế thị trường thì họ sẽ tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách. Môi trường kinh doanh là phải chấp nhận điều đó, quan trọng là nhà quản lý điều hành thế nào.

Năm 2016 là thời điểm Việt Nam cùng lúc thực hiện nhiều cam kết quốc tế về hội nhập, đây sẽ là một cú hích lớn trong việc thu hút FDI và kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng đầu tư mới với chất lượng cũng như vốn đầu tư sẽ tăng lên rất nhiều
Còn về tác động lan tỏa của khu vực FDI, tôi cũng thừa nhận rằng, hiện nay sức lan tỏa của khu vực DN FDI sang khu vực DN trong nước còn yếu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nói Việt Nam gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI là không đúng.

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, các nước đang phát triển phải thông qua nhiều kênh, như mua bán công nghệ, sáng chế, phát minh… Giai đoạn đầu tiếp nhận và bắt chước công nghệ bên ngoài, sau đó tổ chức nghiên cứu và phát triển để tạo ra công nghệ của mình được gọi là giai đoạn sáng tạo.

Thu hút FDI là một kênh, chứ không phải là duy nhất về chuyển giao công nghệ. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, không một nhà đầu tư nước ngoài nào sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp, nếu điều đó không có lợi cho họ; chỉ khi nào nước nhận đầu tư có chính sách hấp dẫn và có phương thức để cán bộ khoa học, công nghệ học hỏi, tiếp thu, chuyển dần thành công nghệ của nước mình, thì mới có kết quả.

Cho dù chưa thật hài lòng với kết quả chuyển giao công nghệ thông qua FDI, nhưng phải thừa nhận rằng, một số ngành công nghiệp, dịch vụ nước ta có được trình độ như hiện nay, trong đó có ngành đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, một phần quan trọng do tác động của FDI. Điển hình như trong một số lĩnh vực như viễn thông và công nghệ thông tin, khai thác dầu khí, ngân hàng…

Một số ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam đang “nuông chiều” các DN FDI với các ưu đãi đặc biệt, từ đó ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế thu về. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Họ bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư, họ đòi ưu đãi là chuyện bình thường. Còn mình có đáp ứng không lại là chuyện khác và mình có quyền chọn dự án đầu tư, nhà đầu tư khi thu hút FDI.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, hiện nay có hai loại ưu đãi, một là cho tất cả các DN như nhau, loại thứ hai là ưu đãi đặc biệt do Thủ tướng chính phủ quyết định, dành cho các dự án có tác động lớn đến nền kinh tế quốc dân. Đây không phải là ưu đãi riêng cho các DN nước ngoài, mà là ưu đãi chung cho các dự án quy mô lớn.

Do hiểu chưa thấu đáo như vậy nên còn có một luồng ý kiến cho rằng, nên “hạn chế” DN FDI đầu tư vào Việt Nam. Đây là một quan niệm rất dở: Chúng ta muốn DN Việt “lớn nhanh” nhưng lại ngại sự tham gia của DN FDI vào trong nước. Rất rất nhiều ý kiến nói phải kìm hãm, hạn chế sự thâm nhập của các DN FDI để tạo cơ hội, điều kiện cho DN trong nước phát triển. Như vậy là rất phi lý. Làm gì có DN FDI nào kìm hãm DN trong nước.

Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam và họ đã mang lại sự đổi khác cho nhiều địa phương. Nhiều tập đoàn của Hàn Quốc cũng đang mang lại hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động của chúng ta… Vậy có lý gì nói DN FDI kìm hãm DN trong nước? Cái chúng ta cần là khuyến khích các DN trong nước phát triển, đồng thời khuyến khích mối liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước.

Và việc này lại phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ về công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, quản trị DN… Tôi tin khi có những chính sách như vậy, bức tranh tổng thể về DN Việt cũng như trong mối tương quan với DN FDI sẽ hoàn toàn khác. Nếu chính sách có khiếm khuyết thì sửa chứ không nên đi ngược với xu thế của thế giới là hạn chế FDI.

Ông nhận định như thế nào về xu hướng thu hút FDI năm 2016?

Năm 2016 là thời điểm Việt Nam cùng lúc thực hiện nhiều cam kết quốc tế về hội nhập, đây sẽ là một cú hích lớn trong việc thu hút FDI và kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng đầu tư mới với chất lượng cũng như vốn đầu tư sẽ tăng lên rất nhiều.

Hiện, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chuyển nhà máy khỏi nước đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng chạy đua với Hong Kong, Đài Loan để rót vốn vào ngành dệt của Việt Nam để tận hưởng chi phí vận tải thấp, thuế suất bằng 0%...

Để nắm bắt được lợi ích này, Chính phủ phải hướng dẫn các địa phương lựa chọn đối tác đầu tư; đặc biệt cần lưu ý việc công nghệ vào phải tính tới bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…

Xin cảm ơn ông!