Cân nhắc thời điểm nới tỷ giá
(Tài chính) Chính sách neo tỷ giá với biên độ thấp đang phát huy tác dụng, góp phần kiểm soát lạm phát, tăng lòng tin của xã hội vào tiền đồng và ổn định vĩ mô. Song, hiện đã vào thời điểm cầu ngoại tệ sẽ tăng vì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng cuối năm tăng lên, các khoản nợ ngoại tệ đến hạn phải trả, về dài hạn bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Vậy, thời điểm nào nên tăng tỷ giá và tăng bao nhiêu là hợp lý?
Trả lời phỏng vấn, mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nhu cầu về ngoại hối sẽ tăng từ nay đến cuối năm, nên nếu không điều chỉnh tỷ giá, cung cầu sẽ không quân bình. Về lâu dài, các chuyên gia kinh tế luôn nói tỷ giá sẽ phải nới rộng hơn, vì hiện đồng tiền Việt Nam đang được định giá cao hơn so với USD, thậm chí có những đánh giá cao hơn đến 15%. Thậm chí đã có đề xuất cần phải tính đến một lộ trình điều chỉnh tỷ giá dài hơi trên cơ sở căn cứ vào dự báo biến số của nền kinh tế.
Cả trước mắt và lâu dài đều thấy áp lực điều chỉnh tỷ giá, song việc nới rộng tỷ giá cũng cần có những quan tâm đến dòng chảy đầu tư. Thực tế là tỷ giá đã được giữ ổn định từ nửa cuối năm 2011 đến giữa năm 2013. Cụ thể, tỷ giá liên ngân hàng bình quân ở mức 20.828 đồng/USD. Từ giữa năm nay trở lại đây, tỷ giá được điều chỉnh tăng lên 21.036 đồng/USD.
Theo TS. Đào Lê Minh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ tháng 3/2013 trở về trước, tỷ giá được duy trì ổn định, giúp giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng và ổn định. Giá trị giao dịch ròng của các nhà đầu tư nước ngoài tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh luôn mang giá trị dương. Ngược lại từ tháng 4 trở lại đây, khi có áp lực tăng tỷ giá và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, thì giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ở trạng thái âm, tức bán nhiều hơn mua.
Điều này nhắc nhở những thành công trước mắt chưa hẳn được duy trì lâu dài. Xu hướng tỷ giá gia tăng là một sức ép thấy rõ, nhưng điều này có thể làm suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung và dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán nói riêng. Và từ trước đến nay, nhiều chuyên gia kinh tế luôn cảnh báo câu chuyện rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Khi khả năng đáp ứng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước không bảo đảm, sự rút vốn của dòng vốn đầu tư gián tiếp, sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và tỷ giá.
Những tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đối với nền kinh tế buộc Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc, tính toán xem thời điểm nào, nới bao nhiêu là hợp lý. Tuy nhiên, có thể thấy, ngay từ đầu năm, thông điệp của cơ quan này là tỷ giá cả năm sẽ không biến động quá 3%. Dù đây là cam kết mang tính hành chính, nhưng việc thực hiện cam kết này đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát, củng cố lòng tin vào tiền đồng, giúp ổn định vĩ mô.
TS. Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, điều chỉnh tỷ giá là áp lực trước mắt, song mức độ điều chỉnh nếu có, cũng chỉ ở biên độ hẹp. Và cần kèm theo biện pháp điều chỉnh giảm các mức trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ và tiền gửi bằng đồng Việt Nam, để tránh gia tăng kỳ vọng tỷ giá và xu hướng dịch chuyển dòng tiền từ nội tệ sang ngoại tệ.
Thực ra việc nới tỷ giá ở mức độ hợp lý cũng không gây áp lực xáo trộn nào đối với thị trường. Bởi lúc này, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước khá dồi dào, cao nhất từ trước đến nay, với khoảng 28 tỷ USD và dự báo có thể còn tăng. Hơn nữa, thời hiện nay đang vào dịp cuối năm, kiều hối chuyển về sẽ ngày một nhiều hơn, và ước tính cả năm có thể lên đến 11 tỷ USD.
Quan trọng hơn là tâm lý chuyển đổi, găm giữ ngoại tệ không lớn như trước đây. Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, nửa đầu năm nay, tâm lý găm giữ ngoại tệ khá rõ. Bởi nửa đầu năm, các ngân hàng thương mại phải tất toán các khoản huy động bằng vàng, nên cầu về vàng lớn, nhu cầu nhập khẩu vàng gia tăng.
Thế nhưng, rõ ràng Ngân hàng Nhà nước đã cầm trịch khá tốt, khi vừa nhập khẩu vàng, vừa tiếp tục mua vào ngoại tệ, giúp dự trữ ngoại hối luôn đảm bảo can thiệp thị trường. Diễn biến cho đến nay tỷ giá vẫn khá ổn định, cho thấy tâm lý găm giữ ngoại tệ dịu đi.