Cân nhắc tính hợp lý, hiệu quả


Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, việc phân bổ, bố trí vốn cho danh mục các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc, tiêu chí đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội. Không phân bổ, giải ngân bằng mọi giá và phải bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu kết luận Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu kết luận Phiên họp

Hơn 14 nghìn tỷ đồng chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ Mười một của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc giao danh mục và mức phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2), các đại biểu chỉ ra, vẫn còn 14.151,685 tỷ đồng thuộc các dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện và bảo đảm tiến độ giải ngân vốn cho các dự án trong năm 2023.

Trước đó, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội quyết nghị “tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng”. Tại Tờ trình 268 của Chính phủ về phân bổ vốn Chương trình đợt 1, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn cụ thể cho 94 nhiệm vụ, dự án với tổng số vốn là 147.138 tỷ đồng.

Trong lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 2 tới đây, Chính phủ dự kiến bố trí vốn cụ thể cho 129 dự án với tổng số vốn là 14.710,315 tỷ đồng. Tức là còn lại 14.151,685 tỷ đồng các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, dự án chưa được thông báo vốn và số vốn không sử dụng hết. Đáng lưu ý, lĩnh vực y tế có số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư chiếm tỷ lệ lớn nhất, 33/40 dự án (chiếm 82,5%), trong khi thời hạn thực thi không còn nhiều.

Trước vấn đề này, đa số các thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đối với số vốn 14.151,685 tỷ đồng dự kiến bố trí cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư là chưa đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Và Chính phủ phải khẩn trương chỉ đạo, hoàn thiện thủ tục đầu tư báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai lưu ý thêm, hiện nay tiến độ phân bổ vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang bị chậm, nhưng dù có áp lực về tiến độ thì cũng cần bảo đảm tuân thủ theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của Nghị quyết số 43/2022/QH15, rà soát các danh mục, dự án thuộc Chương trình một cách thận trọng. Chính phủ cũng cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan còn chậm trễ trong việc hoàn tất thủ tục đầu tư.

Không phân bổ, giải ngân bằng mọi giá

Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội được ban hành trong bối cảnh rất đặc thù, khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, và yêu cầu cấp bách đặt ra là phải phục hồi và phát triển kinh tế.

Đến nay, vẫn cần kiên trì theo đuổi mục tiêu của Nghị quyết là phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, Chính phủ cần linh động và chủ động hơn theo hướng rà soát lại những dự án, nhiệm vụ nào trước đây cấp bách, so với thời điểm hiện tại có còn cấp bách hay không? Ví dụ như thuốc cho phòng, chống dịch COVID-19 thời điểm trước là rất cấp bách, bây giờ có còn là ưu tiên giải ngân hay không? Nêu vấn đề này, Ủy viên Thường trực Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, Chính phủ nên bám sát tình hình thực tiễn để phát huy tối đa nguồn lực đầu tư. 

Cùng quan điểm này, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường cho biết thêm, một số lĩnh vực đang rất cần vốn để phục hồi, như hỗ trợ nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp. Do đó, nên chăng Chính phủ cân nhắc điều chỉnh ưu tiên cho lĩnh vực này trong gói hơn 14 nghìn tỷ đồng chưa đủ thủ tục đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Có ý kiến cho rằng, các dự án không đủ thủ tục đầu tư, phân bổ không đúng quy định, các khoản chưa phân bổ đề nghị không tiếp tục yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư và tiếp tục báo cáo dự án phân bổ tiếp nữa, vì Nghị quyết 43 của Quốc hội chỉ cho phép giải ngân trong năm 2022 và 2023. Đến nay, các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa phân bổ sẽ không thực hiện được gây lãng phí nguồn lực, không thực hiện đúng các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, và không bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Có thể thấy, một quan điểm rất rõ ràng của Ủy ban Tài chính - Ngân sách với vấn đề này là không phân bổ, giải ngân bằng mọi giá và phải bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, Tờ trình của Chính phủ cần hoàn thiện lại theo hướng việc phân bổ, bố trí vốn cho danh mục các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc, tiêu chí đã quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp tháng 2 tới đây.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn