Cần nhanh chóng ban hành Luật Giao dịch điện tử
Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 là chủ trương của Đảng liên quan trực tiếp đến sự “chuyển mình” quan trọng có ý nghĩa nền tảng trong nền kinh tế - xã hội hiện nay - chuyển đổi số.
Việc chuyển đổi hình thức cung cấp các dịch vụ truyền thống sang cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số được gọi là chương trình chuyển đổi số được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các ngành kinh tế, hoạt động xã hội. Hiểu một cách cụ thể, công nghệ số chính là sự tích hợp của nhiều công nghệ khác nhau, trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò chủ đạo, hạt nhân là trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu.
Theo PGS.,TS. Vũ Hải Quân (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), có 3 thách thức lớn được đặt ra trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Đó là: tốc độ thay đổi của cuộc CMCN 4.0 diễn ra nhanh hơn so với 3 cuộc CMCN trước; xuất hiện những hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến, ví dụ công nghệ 5G: giao tiếp với mạng xã hội; xuất hiện những câu hỏi mới chưa có trong quá khứ, chưa có trong đó 3 cuộc cách mạng trước. Phải chăng hành xử của con người đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ nhiều hơn so với 3 cuộc CMCN trước đó?
Trong các ngành kinh tế, ngành có ảnh hưởng sớm nhất tới người dân trong tiến trình chuyển đổi số chính là ngành tài chính - ngân hàng. Theo Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW, Việt Nam cũng đã xác định ngành tài chính ngân hàng là một trong những ngành ưu tiên, ngành trọng tâm và tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số.
Đồng thời cũng xác định một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 là phát triển kinh tế số, bên cạnh 2 nhiệm vụ còn lại là xây dựng các đô thị thông minh và chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số.
Như vậy, để xây dựng và phát triển kinh tế số thì một trong những ngành đóng vai trò rất quan trọng đó là ngành ngân hàng, được coi là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân và cũng là ngành tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, phát triển, đề xuất các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4.
Đối với ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TW và Quyết định số 749 về chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đã ban hành Kế hoạch số 810 ngày 11/5/2021 về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong kế hoạch này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng xác định một trong những mục tiêu tổng quát là phát triển ngân hàng số, ngân hàng thông minh. Việc triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW trong hơn 2 năm qua, ngành ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số đã thu được nhiều kết quả tích cực, với sự tham gia của hệ thống các ngân hàng, cũng như là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.
“Thực tiễn đặt ra là để thúc đẩy chuyển đổi số đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW cũng như trong Kế hoạch số 810 đặt ra nhiều vấn đề. Đó không chỉ hoàn thiện thể chế, chính sách cần tiếp tục mạnh hơn, không chỉ tập trung hoàn thiện trong lĩnh vực thanh toán như thời gian vừa qua, mà còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện chính sách cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, tạo ra môi trường vừa cạnh tranh, vừa hợp tác cùng phát triển giữa các ngân hàng thương mại với các công ty FINTECH và các doanh nghiệp công nghệ lớn.
Thực tế trong khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát đặt ra yêu cầu hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Giao dịch điện tử. Yêu cầu cấp thiết được đặt ra là thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ hơn để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cho chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như thúc đẩy phát triển ngân hàng thông minh”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết.