Cần phác đồ điều trị đặc biệt cho nền kinh tế
Tại buổi tọa đàm “COVID-19: Những thách thức và con đường phục hồi cho Việt Nam” do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức chiều 8/10, các chuyên gia cho rằng hệ thống chính sách phục hồi kinh tế trong thời gian tới cần sự thống nhất và thiết thực hơn, đặc biệt là phải dễ dàng tiếp cận với doanh nghiệp.
Những gam màu trầm
Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS., TS. Bùi Văn Huyền đánh giá, nền kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2021 là một bức tranh với những gam màu trầm. Dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng ba trong một đối với lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế. Những con số có thể kể đến như mức tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2021 là 1,42%; tăng trưởng âm 6,17% của quý III.2021. Rõ ràng kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Giải thích rõ hơn, ông Huyền cho biết, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài đã làm giãn đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng và nguồn cung lao động. Thị trường không thể vận hành một cách bình thường khiến giá cả tăng cao, những quy luật của thị trường không phát huy được vai trò vốn có. Chi phí đầu tư ổn định sản xuất tăng cao do dịch, kèm theo đó là những rủi ro ngăn cản đầu tư của doanh nghiệp.
Từ đó, hậu quả thực tế có thể thấy là nhiều doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền, mất khả năng thanh khoản và trả nợ, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dẫn đến thanh khoản ngân hàng gia tăng, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia. Lĩnh vực dịch vụ, vận tải, giải trí là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực diện và nghiêm trọng. Nếu không có phương án cụ thể cho giai đoạn sản xuất kinh doanh bình thường mới thì sự đứt gãy nêu trên sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế trong tương lai.
Viện trưởng Viện Đông Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, PGS., TS. Nguyễn Huy Hoàng so sánh, năm 2020 và 2021 có sự khác biệt hoàn toàn giữa các chỉ số vĩ mô. Tất cả những kỳ vọng từ kết quả khả quan của năm 2020 cho đến quý III/2021 đã bị lệch hướng nghiêm trọng do nhiều vùng kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, các khu công nghiệp phía nam giảm mạnh sản lượng dẫn đến hoạt động bán lẻ giảm sâu.
Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Đăng Nam chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất là thuộc lĩnh vực du lịch, may mặc, sản xuất thiết bị điện. Dịch bệnh đã làm giãn đoạn việc tiếp cận khách hàng cũng như dòng tiền, nguồn nhân công của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất, doanh nghiệp phải chịu thêm rất nhiều chi phí phát sinh trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Một số doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản do thị trường giảm cầu đột ngột.
Cần chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn
Trước những khó khăn cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ để cứu các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của PGS., TS. Bùi Văn Huyền, hiệu quả thực tế của một số chính sách không được như mong muốn do chưa tác động đến đúng đối tượng, điều kiện khó tiếp cận, chưa có độ bao phủ cao. Xét về quy mô gói hỗ trợ vẫn nhỏ hơn so với các quốc gia khác, một số địa phương tổ chức triển khai chưa tốt và thiếu tính thống nhất nên tổng mức giải ngân chưa được như mục tiêu kế hoạch đề ra.
Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nam cho biết thêm, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có tới hơn 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng chỉ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cũng giống như cơ thể con người, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang thiếu “vắc xin” quản lý khủng hoảng. Luật hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này đã có nhưng sự hỗ trợ chưa thực chất. Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động nghiêm trọng, chi phí vận tải leo thang khiến quá trình phục hồi của các doanh nghiệp đang dậm chân tại chỗ.
Do đó, ông Nguyễn Hữu Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp không sớm được “phủ” vắc xin thì khó có thể quay trở lại sản xuất với 100% năng suất. Mỗi tỉnh thành có đặc điểm khác nhau vì vậy Chính phủ nên có chính sách để các tỉnh thành tự quyết và tỉnh thành cho doanh nghiệp tự quyết. Như vậy, sẽ tạo được sự chủ động cho doanh nghiệp họ đưa ra kế hoạch phù hợp để sản xuất an toàn.
Đồng tình với kiến nghị trên, ông Trần Đăng Nam bổ sung, chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Việc ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh là rất khó, chúng ta đã chuyển sang sống chung với dịch nên các chỉ tiêu phòng chống dịch, kế hoạch phục hồi kinh tế cần thống nhất, hiệu quả hơn để “cởi trói” cho doanh nghiệp.
Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được ban hành mới đây nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn cần các chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn. Theo phản ánh, những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất mong muốn được gia hạn 12 tháng với nợ ngắn hạn, 24 tháng với nợ trung và dài hạn.
PGS, TS. Bùi Văn Huyền cho rằng, hiện tại kinh tế Việt Nam đang ở trạng thái đặc biệt nên cần có phác đồ điều trị đặc biệt tương ứng. Chương trình phục hồi kinh tế phải chia thành các mốc, nguồn lực cụ thể, để nền kinh tế phát triển bền vững và dài hạn.
Nếu chỉ sử dụng kích thích theo gói thì có thể khi doanh nghiệp chuẩn bị quay trở lại hoạt động thì lại hết nguồn lực hỗ trợ. Ngoài ra, cũng phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp để khai thác tối đa nguồn lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới.