Cần quản lý chặt công tác đấu giá đất


Hiện tượng "cò” đấu giá, thông đồng... không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia đấu giá, mà còn gián tiếp tác động đến giá cả và tâm lý thị trường.

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về việc phân tích cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất giải pháp. Bộ Xây dựng nhận định, hiện tượng "cò” đấu giá, thông đồng... không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia đấu giá, mà còn gián tiếp tác động đến giá cả và tâm lý thị trường.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có hiện tượng đấu giá rất cao cho một số lô đất vùng ven các khu đô thị, nhưng sau khi trúng rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng “giá ảo” nhằm mục đích thao túng thị trường, mua đi, bán lại, thu lợi bất chính. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản tại những khu vực có đất đấu giá, gây hoang mang cho nhà đầu tư, nhất là những người có nhu cầu mua đất với mục đích để ở.

Tương tự, trong Báo cáo tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai mà Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi tới các đại biểu Quốc hội vừa qua cũng đưa ra nhận định, việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện bài bản, minh bạch đã tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai. Điều này dẫn đến một số đối tượng đã đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, “thổi” giá, tạo mặt bằng giá ảo với các khu vực xung quanh. Kết quả kiểm tra, rà soát của Bộ này trong thời gian qua cho thấy, sau khi đấu giá đất một số người trúng đấu giá không nộp tiền đất đúng thời hạn theo quy chế, thậm chí bỏ cọc lên đến 80%, gây dư luận xấu tại địa phương.

Điều đáng nói, hiện tượng đấu giá, “thổi phồng” thị trường đã có tiền lệ từ vài năm trước đây tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Bàn về vấn đề này, TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế nhận định, các trường hợp trúng đấu giá đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với khởi điểm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.

Bởi trong thực tế, đây thường là giá cơ sở để các tổ chức, cá nhân tham chiếu và xác định giá mua, bán, chuyển nhượng khi giao dịch bất động sản. Ngoài ra, giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản. Các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bình dân, giá thấp. Từ đó, gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở. Cùng với đó, mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh có hiệu quả dẫn đến không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng đấu giá cao rồi bỏ cọc là do mức giá khởi điểm thấp thu hút nhiều người tham gia. Đồng thời, số tiền đặt cọc thấp nên trong các cuộc đấu giá có nhiều hội nhóm đầu tư chuyên tham gia đấu giá rồi mua bán sang tay ngay để kiếm lời.

“Để quản lý thị trường minh bạch, hiệu quả, cơ quan quản lý chức năng cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá đất đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ. Đồng thời, có các chính sách về thuế phù hợp đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà đất, mua đi, bán lại nhà đất trong thời gian ngắn. Nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, rà soát hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...”, luật sư Phượng nêu ý kiến.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, do xuất hiện một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Theo Thời Báo Ngân Hàng