Cần quản lý chặt thị trường xe ô-tô nhập nguyên chiếc
Ngày 12/5/2011, Bộ Công thương ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định về bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô-tô nguyên chiếc từ chín chỗ trở xuống, nhằm siết chặt quản lý nhập khẩu xe ô-tô nguyên chiếc chưa qua sử dụng. Từ ngày 1/7/2016, theo Luật Đầu tư năm 2014, những quy định trong Thông tư 20 nếu không được nâng cấp thành Nghị định thì sẽ bị bãi bỏ.
Trước tình hình này, Bộ Công thương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định số phận của Thông tư 20. Trong lúc chờ đợi, vẫn còn hai luồng ý kiến trái ngược về việc bỏ hay giữ những điều kiện đã quy định trong Thông tư 20.
Ai cũng có lý riêng
Điều 1 của Thông tư 20 quy định, thương nhân nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc từ chín chỗ ngồi trở xuống phải có: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô-tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô-tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định; Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô-tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Vào thời điểm ban hành, Thông tư 20 được coi như rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc chưa qua sử dụng, là một trong những công cụ phục vụ chủ trương hạn chế nhập siêu của Chính phủ.
Sau hơn 5 năm áp dụng Thông tư, từ chỗ cả nước có hàng trăm doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc thì nay chỉ còn khoảng 20 DN. Nhiều DN trong nước chuyên nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc đã phải giải thể hoặc phải chuyển đổi mô hình sang kinh doanh ô-tô cũ bởi gần như không thể đáp ứng một trong hai điều kiện nêu trên.
Từ ngày 1/7/2016 đến nay, mặc dù các quy định của Thông tư 20 không còn hiệu lực, nhưng những hướng dẫn mới thì chưa có. Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan đã có văn bản “thúc” Bộ Công thương sớm trả lời vấn đề này để thống nhất áp dụng chính sách cho DN.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thông tư 20 thực chất là “giấy phép con”, làm khó các DN, làm “méo mó” thị trường, khiến giá xe ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc ngày càng đắt hơn, chỉ đem lại lợi ích cho một số nhóm thương nhân, tạo cho các “ông lớn” một mình một chợ.
Hơn nữa, nhập khẩu ô-tô không thuộc 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định trong Luật Đầu tư. VCCI cho rằng, cần bảo vệ người tiêu dùng, xử phạt nghiêm các DN nhập khẩu ô-tô làm ăn gian dối, nhưng không vì những DN này mà ưu ái các “ông lớn” nhập khẩu ô-tô.
Thực tế, do nhu cầu tiêu dùng, lượng ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc và giá bán vẫn “tăng dần đều” qua từng năm, cho nên, mục tiêu kiềm chế nhập siêu từ nhập khẩu ô-tô chưa đạt được. Ước tính năm 2015, con số này lên tới 2,5 tỷ USD, tăng hơn một tỷ USD so năm trước đó.
Nhiều DN nhập khẩu và kinh doanh ô-tô cũng đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị bỏ điều kiện của Thông tư 20. Theo họ, việc áp dụng Thông tư 20 đi ngược lại chủ trương của Chính phủ là các DN vừa và nhỏ cũng phải được đối xử bình đẳng về cơ hội kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, đại diện một DN nhập khẩu ô-tô cho biết: Việc lấy giấy ủy quyền của chính hãng là điều bất khả thi đối với phần lớn DN nhập khẩu ô-tô, nhất là những DN nhỏ, vì hầu hết các hãng sản xuất ô-tô trên thế giới thường chỉ chọn một nhà phân phối sản phẩm duy nhất tại một quốc gia.
Như vậy, Thông tư 20 ra đời rõ ràng đã tạo ra rào cản đối với phần lớn DN nhập khẩu ô-tô và triệt tiêu hoàn toàn tính cạnh tranh của thị trường; các DN nhỏ chỉ còn được phép buôn bán xe cũ chứ không thể nhập khẩu xe.
Đồng thời, Thông tư này lại duy trì lợi ích cho một nhóm gồm các DN liên doanh và một vài “ông lớn” trong nước. Thoải mái hoạt động theo kiểu “một mình một chợ”, các DN liên doanh nước ngoài hay nhập khẩu chính hãng này đã tha hồ kiếm lời vì có thể vừa chủ động điều tiết thị trường vừa khống chế giá bán. Còn phần thiệt thì thuộc về phía người tiêu dùng, vì giá xe ô-tô tại Việt Nam những năm gần đây ngày càng đắt đỏ.
Tuy nhiên, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA), các DN sản xuất ô-tô trong nước, các hiệp hội như Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)... lại phản đối việc hủy bỏ điều kiện quy định trong Thông tư 20.
Các DN sản xuất ô-tô trong nước và các đại lý ô-tô chính hãng đều cho rằng, nếu các điều kiện trong Thông tư 20 không được nâng lên thành nghị định thì thị trường ô-tô nhập khẩu sẽ trở lại như trước năm 2011: Nhập khẩu ô-tô tăng dẫn tới nhập siêu; chất lượng ô-tô bị thả nổi, khi có vấn đề về chất lượng hay triệu hồi thì không ai chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng; gây ra sự bất bình đẳng giữa các đại lý chính hãng và không chính hãng; tạo kẽ hở cho gian lận thương mại khi nhà nhập khẩu thường khai giá nhập khẩu thấp hơn thực tế…
Vừa qua, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị nhập khẩu ô-tô để lắng nghe ý kiến về số phận Thông tư 20. Tuy nhiên, rất ít DN được mời tham dự cuộc họp. Sau đó, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương sẽ có hướng dẫn về vấn đề này.
Nhìn rõ thực tế
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do mà nhiều người vẫn lựa chọn mua ô-tô nhập khẩu không chính hãng là do giá xe có thể rẻ hơn từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng so với xe chính hãng niêm yết ở các đại lý ủy nhiệm trang bị tiện ích trên xe (option) phong phú hơn.
Tuy nhiên, kèm theo đó là những rủi ro không thể lường trước như xe dù rất mới, nhưng vẫn có thể gặp lỗi động cơ, hỏng giảm xóc, lỗi hệ thống điện,… trong quá trình vận hành. Khi một chiếc xe không chính hãng bị hư hỏng hoặc gặp lỗi thì chủ nhân chỉ có lựa chọn duy nhất là đến các ga-ra tư nhân để sửa chữa chứ không được mang đến các đại lý ủy nhiệm.
Điều này rất dễ hiểu do nguyên tắc bảo hành và sửa chữa của các đại lý ủy nhiệm chỉ áp dụng với những xe được nhập khẩu chính hãng qua đại lý, còn với những xe trôi nổi trên thị trường thì đại lý hoàn toàn có thể từ chối bảo hành dù cùng một hãng xe sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn còn một lối mở cho các xe không chính hãng được vào đại lý để hưởng hoàn toàn các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa chính hãng đó là mua thẻ thành viên, với mức giá rất “chát”.
Thí dụ, với hãng xe Land Rover, để mua thẻ thành viên, mỗi chủ xe sẽ phải mất 40 nghìn USD (gần 850 triệu đồng), hoặc với hãng xe Audi thì chủ nhân sẽ phải bỏ ra không dưới 10 nghìn USD (gần 220 triệu đồng) có hiệu lực trong ba năm hoặc 100 nghìn km.
Nếu một dòng xe ô-tô gặp lỗi, thì nhà sản xuất phát lệnh triệu hồi và hãng xe chỉ khắc phục cho những xe được triệu hồi thông qua danh sách khách hàng ở hệ thống đại lý chính hãng khắp thế giới. Ngoài ra, một số hệ thống tiện ích, gói phụ tùng có thể bị nhà nhập khẩu cắt bỏ trên những mẫu xe nhập không chính hãng khiến những người sở hữu lâm vào tình trạng ngồi xe sang cũng chẳng tiện nghi hơn xe thường là bao nhiêu.
Thí dụ, hệ thống dẫn đường trên các xe Land Rover chỉ sử dụng được trên các xe nhập chính hãng và bị vô hiệu hóa trên các xe không chính hãng. Về dài hạn, những xe không chính hãng sẽ tiêu tốn các khoản chi phí như dịch vụ sửa chữa, chi phí nhập phụ tùng và cả tâm trạng lo âu khi đang lái xe trên đường.
Do các mẫu xe này thường có cấu tạo phức tạp hơn những mẫu xe phổ thông, cho nên đòi hỏi người thợ phải được đào tạo bài bản từ hãng xe, phải có kinh nghiệm mới có thể sửa chữa. Ngoài ra, các ga-ra tư nhân thường không có thiết bị kiểm tra chính hãng nên rất khó chẩn đoán đúng “bệnh” của xe...
Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong quá trình rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh để thực hiện Luật Đầu tư, quy định về nhập khẩu ô-tô tại Thông tư 20 đã được Bộ Công thương báo cáo Chính phủ.
Đây là vấn đề được các cơ quan liên quan, DN đầu tư, sản xuất ô-tô trong nước và DN kinh doanh nhập khẩu ô-tô từ chín chỗ ngồi trở xuống rất quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp và đề xuất của Bộ Công thương, các bộ, cơ quan, hiệp hội, DN liên quan, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên quan điểm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thực tế hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô-tô.
Từ thực tế thị trường như nêu trên, chúng tôi cho rằng, để đáp ứng được đòi hỏi của tất cả các bên là rất khó. Phải khẳng định rằng, Chính phủ vẫn chủ trương hạn chế nhập siêu, trong đó có mặt hàng ô-tô nguyên chiếc chưa qua sử dụng.
Điều quan trọng là cần có chính sách để tạo sự bình đẳng trong kinh doanh, thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô trong nước; đồng thời phải bảo đảm quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, cũng như bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, không để tình trạng lợi ích nhóm làm “méo mó” thị trường ô-tô nhập khẩu.