Cần quy định cụ thể về giá dịch vụ y tế trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình làm việc sáng 6/4/2023, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã thẳng thắn nêu ý kiến đóng góp về việc cần quy định cụ thể giá dịch vụ y tế trong dự thảo Luật.
Quy định về Quỹ bình ổn giá cần đảm bảo công bằng, minh bạch
Nêu ý kiến tại Hội nghị, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, về Quỹ bình ổn giá, dự thảo Luật quy định theo hướng đây là một trong các biện pháp bình ổn giá, không quy định điều khoản riêng về nội dung này. Đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo Luật, tuy nhiên quá trình thực hiện cần có sự đổi mới để đảm bảo tính công bằng, minh bạch khi áp dụng luật.
Liên quan đến định giá hàng hóa dịch vụ, dự thảo Luật đã bổ sung thêm một số hàng hóa do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, đại biểu này đề nghị cần thuyết minh, làm rõ nguyên nhân của việc bổ sung các loại hàng này vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Đại biểu cũng đề nghị rà soát lại tên của các loại mặt hàng để đảm bảo tính chính xác, đồng bộ...
Với nội dung quản lý nhà nước về giá, đại biểu này đề nghị chỉnh lý tên Chương 3 thành “Quản lý nhà nước về giá”. Đại biểu Dương Khắc Mai cũng cho rằng, trong nội dung chương này có nhiều ý trùng lặp, đặc biệt về trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan. Do vậy, cần rà soát, loại bỏ các nội dung trùng lặp, đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng về trách nhiệm của các bộ, ngành đảm bảo hợp lý, khả thi.
Với ý kiến của đại biểu về sự trùng lặp trách nhiệm các bộ, ngành, cơ quan trong nội dung quản lý nhà nước về giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, không có sự trùng lặp mà quản lý nhà nước về giá mà có điểm chung là Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành và UBND tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý. Trong đó, Bộ Tài chính được phân định thẩm quyền ban hành chuẩn mực giá, hướng dẫn về phương pháp định giá chung và thanh tra, kiểm tra.
Còn lại các hàng hóa chuyên ngành phân về cho các bộ ngành quản lý. "Ví dụ như giá điện giao Bộ Công Thương; giá thiết bị y tế, thuốc giao Bộ Y tế; giá về giáo dục giao Bộ Giáo dục; giá về Khoa học và Công nghệ giao Bộ Khoa học công nghệ và ở địa phương thì phân cấp cho UBND cấp tỉnh", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ.
Giá dịch vụ y tế rất phức tạp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, trong dự thảo Luật này, những quy định về giá dịch vụ y tế rất mờ nhạt, trong khi đó, “giá là vấn đề phức tạp nhất, dễ phát sinh tiêu cực nhất”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, giá dịch vụ y tế rất phức tạp, rất nhiều hạng mục, chủng loại. Ví dụ giá của tự chủ, không tự chủ; giá của xã hội hóa, không xã hội hóa; giá dịch vụ thầy thuốc là bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư khác nhau; giá dịch vụ của bác sĩ trong nước, nước ngoài khác nhau...; đó là chưa kể giá dịch vụ y tế từ xa cũng khác với trực tiếp.
Đại biểu khẳng định, giá là thành tố rất quan trọng để quyết định việc tự chủ bệnh viện công nhằm hạn chế việc tư nhân hóa bệnh viện công. Khi một bệnh viện tự chủ, đặc biệt là tự chủ toàn diện thì có hai điều phải hết sức quan tâm đó là, giá giường phục vụ bệnh nhân được BHYT chi trả khác với giá giường dịch vụ; có bao nhiêu giường được phép chuyển sang dịch vụ...
Tiếp tục lập luận bảo vệ ý kiến cần có quy định cụ thể về giá dịch vụ y tế, đại biểu này bày tỏ cần có một số điều đề cập đến giá dịch vụ y tế để làm cơ sở xây dựng thông tư về giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế sau này.
Tính lộ trình tồn tại của quỹ xăng dầu
Đồng tình việc giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay, khi thị trường biến động thì Quỹ này đã được sử dụng một cách có hiệu quả, góp phần hạn chế giá xăng dầu tăng quá cao. Nhưng Quỹ này hiện giao doanh nghiệp quản lý là không hợp lý, cần giao về Bộ Tài chính.
Đại biểu này nhận định: “Tiền đóng góp vào Quỹ là tiền của Dân, để cho doanh nghiệp quản lý, dùng số tiền này vào mục đích khác là không công bằng với người dân đã tham gia đóng góp vào Quỹ”. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trong một nền kinh tế thị trường thì không nên duy trì mãi quỹ này, Chính phủ cần xác định lộ trình tồn tại của quỹ.
Ngoài ra, riêng về giá trần dịch vụ hàng không nội địa, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần tính cả giá tối thiểu, giá tối đa. “Hiện có tình trạng giá 0 đồng trên thị trường Hàng không, thực chất là cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng hàng không. Cần quy định cả giá trần và giá sàn”.