Không có sự trùng lặp trong quy định quản lý nhà nước về giá
Đây là ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) diễn ra sáng 6/4/2023.
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định quản lý nhà nước về giá có sự trùng lặp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, không có sự trùng lặp mà ngược lại, quản lý nhà nước về giá có điểm chung là Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh đều được giao nhiệm vụ quản lý.
Theo đó, Bộ Tài chính được phân định thẩm quyền ban hành chuẩn mực giá, hướng dẫn về phương pháp định giá chung và thanh tra, kiểm tra; còn lại các hàng hóa chuyên ngành phân về cho các bộ, ngành quản lý.
Bộ trưởng dẫn chứng, ví dụ như giá điện giao Bộ Công Thương; giá thiết bị y tế, thuốc giao Bộ Y tế; giá về giáo dục giao Bộ Giáo dục; giá về khoa học và công nghệ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ và ở địa phương thì phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc cần quy định rõ về định giá và quản lý nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính không đứng ngoài cuộc trong quản lý giá và cho biết trong quá trình các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng phương pháp định giá chung đều có ý kiến góp ý của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, liên quan đến ý kiến xem xét lại các tiêu chí trong danh mục hàng hóa, dịch vụ phải bình ổn giá, cụ thể là về tiêu chí hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và tiêu chí có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị giữ lại 8 mặt hàng trong luật này. Riêng đối với các mặt hàng khác như đại biểu nêu, bao gồm: điện, khí, dầu mỏ, muối, đường ăn, thức ăn chăn nuôi… thì đã được quy định ở luật chuyên ngành và trong quá trình tổ chức thực hiện có sự tham chiếu.
Đáng chú ý, về đề nghị làm rõ nội hàm khái niệm “hàng hoá, dịch vụ thiết yếu”, Bộ trưởng cho biết, nói đến điều kiện cần và để đảm bảo được hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải có điều kiện đủ là có tác động đến đời sống Nhân dân. Do đó, hai tiêu chí đưa ra trong luật nhằm bảo đảm cả điều kiện cần và đủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, sẽ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến của đại biểu liên quan đến các khái niệm, các hành vi bị nghiêm cấm, bổ sung thêm các giải pháp bình ổn giá xăng dầu; quy định về hội đồng thẩm định giá, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá, thẩm định giá viên, dữ liệu về giá...