Cần sớm hoàn thiện môi trường pháp lý lĩnh vực thẩm định giá

Anh Thư

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về thẩm định giá tài sản trong xã hội ngày càng lớn. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này, để thẩm định giá trở thành một loại hoạt động dịch vụ tư vấn mang tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan, góp phần bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên tham gia thị trường.

Đến nay, đã có khoảng 300 doanh nghiệp thẩm định giá đang hoạt động
Đến nay, đã có khoảng 300 doanh nghiệp thẩm định giá đang hoạt động

Phát triển mạnh nhờ hệ thống khung khổ pháp lý dần hoàn thiện

Trong thời gian qua, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá ngày càng chặt chẽ, chuyên nghiệp, thông qua việc hệ thống khung khổ pháp lý về hoạt động này khá hoàn thiện và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, thể hiện rõ nhất là Quốc hội nâng tầm quản lý giá từ Pháp lệnh giá lên Luật Giá.

Cùng với đó, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã nhanh chóng ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện hướng dẫn Luật, hướng dẫn Nghị định, hướng dẫn các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam…

Nhờ đó, hoạt động thẩm định giá có nhiều thay đổi. Theo thống kê của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), tính đến nay, có 300 doanh nghiệp (DN) thẩm định giá đang hoạt động, với khoảng 1.400 thẩm định viên về giá đang hành nghề. Qua kết quả kiểm tra, giám sát của Cục Quản lý Giá cho thấy, nhiều DN thẩm định giá được Bộ Tài chính đánh giá, xếp hạng cao.

Đã xuất hiện những bất cập, hạn chế

Tuy nhiên, thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và lĩnh vực thẩm định giá riêng cho thấy, dù hiện nay, hành lang pháp lý về thẩm định giá luôn được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan quan tâm sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh nhưng vẫn tồn tại một số quy định của pháp luật về thẩm định giá chưa đồng nhất giữa các ngành, một số lĩnh vực, thậm chí có tình trạng mâu thuẫn. Từ đó, những khó khăn nhất định đối với việc thực hiện nghiệp vụ thẩm định giá và trách nhiệm giải trình với cơ quan có thẩm quyền và khách hàng thẩm định giá đã nảy sinh.

Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí có những hành vi không đúng pháp luật về thẩm định giá diễn ra giữa các DN thẩm định giá chưa được kiểm soát có hiệu quả, dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Xuất hiện tình trạng DN này cạnh tranh với DN khác bằng cách chào giá dịch vụ thấp hơn nhiều; chào giá dịch vụ thấp đi liền với việc thỏa thuận ngầm với khách hàng thẩm định giá về “chiết khấu” “hoa hồng”, cung ứng dịch vụ khác đi kèm không thu tiền, chấp nhận các điều kiện của khách hàng không phù hợp với quy định…

Theo nhận định của Bộ Tài chính, trong quá trình tổ chức thi hành các quy định hướng dẫn chi tiết Luật Giá tại Nghị định số 89/2013/NĐ-CP (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá) đã phát sinh một số hạn chế và bất cập trong quá trình cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá, cũng như quản lý điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá. Điều này dẫn đến số lượng DN thẩm định giá phát triển “nóng”, đồng thời, cũng xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ, nhiều vụ việc thẩm định giá trong thi hành án, vay vốn ngân hàng gây bức xúc trong dư luận và xã hội…

Tăng cường công tác quản lý nhà nước

Theo Quyết định số 623/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 28/3/2014 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020”, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng 2200 thẩm định viên về giá; nhiều DN có quy mô lớn.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới, theo các chuyên gia phân tích, các cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện khung khổ pháp lý về thẩm định giá phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Trong đó, sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực thẩm định giá; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá. Đồng thời, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm hoạt động thẩm định giá tuân thủ đúng pháp luật, nâng cao chất lượng và tiện ích dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về thẩm định giá trị tài sản của khách hàng.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục phối hợp với Hội Thẩm định giá Việt Nam, các DN thẩm định giá để tiến hành xếp hạng kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của các DN thẩm định giá; Nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá và thẩm định giá…