Cần sớm quy định về hàng hóa ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam
Nhiều hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Trước thực trạng này, chuyên gia cao cấp Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, cần sớm xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Hàng ngoại hưởng lợi “miễn phí”
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam?
Ông Vũ Xuân Trường:Thời gian qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa (C/O) sản xuất tại Việt Nam có chiều hướng ngày càng gia tăng. Lợi ích từ chứng thư, C/O, sẽ giúp cho các nước, các khối nước thực hiện các hiệp định thương mại tự do khu vực, hay ưu đãi đa phương, song phương, được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan... (mức ưu đãi thuế có khi lên đến 100% - 200%). Vì vậy, nhiều đối tượng tìm mọi thủ đoạn để gian lận C/O theo nhiều cấp độ, ngày càng tinh vi.
Gian lận phổ biến nhất là những mặt hàng mà các nước xung quanh Việt Nam bị các nước hoặc thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ... áp thuế chống bán phá giá hoặc các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Các mặt hàng này được chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, sau đó làm giả chứng từ, hồ sơ để hợp thức hóa lô hàng này có xuất xứ tại Việt Nam. Đây là hình thức làm giả hoàn toàn giấy chứng nhận từ bên ngoài (giả mẫu con dấu và chữ ký của cán bộ cấp C/O).
Hình thức thứ hai là trường hợp doanh nghiệp Việt Nam bị mạo danh trên C/O với đầy đủ địa chỉ, tên công ty... Hoặc có doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sản xuất, tìm mọi cách gian lận C/O để xuất khẩu hàng hóa, hưởng ưu đãi thuế. Một hình thức gian lận khác được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sản xuất gia công hàng hóa xuất khẩu sử dụng, đó là ở công đoạn chưa đủ để đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ, nhưng vẫn khai báo là xuất xứ Việt Nam (ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hoặc hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp C/O).
Vì sao có thực trạng này, thưa ông?
Nguyên nhân là do nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã khẳng định được chất lượng cao, ổn định, đáng tin cậy. Do đó trên thực tế có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Cùng đó, nhiều hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Sớm hoàn thiện thể chế pháp lý
Theo ông có thể ngăn chặn tình trạng gian lận này không?
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu. Xuất phát từ thực tiễn, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Việc hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất “Made in Vietnam” cũng là một nhu cầu cấp bách trong thời gian tới đây.
Cụ thể những bước cần được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam. Sau một khoảng thời gian thực hiện, khi quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam sẽ có báo cáo Chính phủ để áp dụng bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với một số mặt hàng cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo hộ ngành sản xuất và xây dựng thương hiệu như thực phẩm, dệt may, giày dép...
Để có thể xây dựng được bộ tiêu chí như đề cập ở trên, chúng ta cần lưu ý những vấn đề quan trọng.
Một là, ngay từ ban đầu khi doanh nghiệp xin cấp chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, phía Việt Nam cần tư vấn và hướng dẫn để các sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí xuất xứ. Việc này nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng xong nhà máy nhưng sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ của Việt Nam.
Hai là, cần thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ... áp thuế chống bán phá giá và áp với các nước nào. Khi phát hiện ra những doanh nghiệp có các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp chống bán phá giá, hoặc đang tiến hành điều tra... thì phải cảnh giác và có biện pháp kiểm tra chặt chẽ với những doanh nghiệp này.
Ba là, phải có sự phối hợp liên thông giữa các bộ, ngành, các cơ quan chức năng. Để giảm thiểu vấn đề doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gian lận C/O, trước hết Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát ngay từ ban đầu các dự án đầu tư, xem các lĩnh vực đầu tư đó có nằm trong diện nhạy cảm mà các nước nhập khẩu đã cảnh báo hay không. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí cần từ chối cấp giấy phép.
Cuối cùng, phía cơ quan hải quan cũng cần rà soát kỹ, kịp thời cảnh báo các đối tượng nghi vấn để đưa vào diện quản lý rủi ro, kiểm tra và ngăn chặn sớm. Nếu doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu, chúng ta nên đề nghị trên tờ khai hải quan ghi rõ tờ khai số bao nhiêu để tránh trường hợp gian lận.
Xin cảm ơn ông!