Cần sự hợp tác của các ngân hàng trong thu thuế thương mại điện tử

PV.

Thu thuế đối với thương mại điện tử là việc làm vô cùng quan trọng, vừa có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế, thương mại, vừa mang lại nguồn thu ngân sách nhà nước, do đó, ngoài sự chủ động vào cuộc của cơ quan thuế, cũng cần sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quản lý thuế thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn

Tính đến cuối năm 2016, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam khoảng 4 tỷ USD. Theo một số dự báo, tốc độ tăng trưởng của TMĐT ở Việt Nam có thể được duy trì ở mức trên 25% trong giai đoạn từ 2018-2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đến năm 2020 có thể đạt tới 10 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thuế, các chính sách thuế đối với TMĐT hay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT chịu sự điều chỉnh của các luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và một số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, DN kinh doanh TMĐT nộp thuế GTGT theo thuế suất 10% và nộp thuế TNDN theo thuế suất là 20%. Đối với cá nhân kinh doanh (không thành lập DN) có hoạt động kinh doanh thương mại, bán hàng qua mạng thì thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT; nộp thuế TNCN theo tỷ lệ quy định trên doanh thu bán hàng hóa dịch vụ.

Tuy nhiên, việc thực thi chính sách thuế TMĐT và thực tế quá trình quản lý thuế đối với hoạt động hiện còn nhiều vướng mắc như: Ý thức tuân thủ pháp luật thuế của một bộ phận kinh doanh TMĐT chưa cao; các hình thức thu thuế hiện nay vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp cho Nhà nước; Chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với các giao dịch TMĐT; Việc khởi tạo, lập hóa đơn điện tử chưa áp dụng cho các cá nhân…

Bên cạnh đó, việc quản lý thuế đối với TMĐT vẫn gặp khó khăn xuất phát từ đặc thù của nền kinh tế số. Nhiều loại giao dịch phức tạp mà cơ quan quản lý chưa nắm bắt được (Ví dụ: trang mạng nước ngoài bán quảng cáo cho doanh nghiệp Việt Nam, mua quảng cáo từ doanh nghiệp Việt Nam…); toàn bộ quá trình giao dịch đều thực hiện online, thỏa thuận qua email. Hình thức thanh toán TMĐT lại đa dạng như: thanh toán qua mạng bằng thẻ tín dụng cá nhân hoặc chuyển khoản từ tài khoản cá nhân người mua sang tài khoản cá nhân người bán hoặc bằng tiền mặt nên khó kiểm soát.

Với những vướng mắc trên, thời gian qua, ngành Thuế đã có nhiều biện pháp khắc phục để tạo thuận lợi, phục vụ người nộp thuế như: Hình thành một đội ngũ cán bộ chuyên môn hoá trong toàn ngành Thuế để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người nộp thuế; gửi tin nhắn đến các tài khoản kinh doanh qua mạng đến kê khai nộp thuế…

Không dừng lại ở đó, Tổng cục Thuế cho biết, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu riêng để quản lý doanh nghiệp kinh doanh TMĐT bao gồm các thông tin: Định danh, thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế, thông tin về tính hình tài chính. Bên cạnh đó, sẽ phát triển công cụ tìm kiếm internet phục vụ quản lý theo thông lệ quản lý của các nước phát triển như Anh, Hà Lan để xác định hoạt động TMĐT chưa được kê khai thuế…

Tuy nhiên, sự phát triển của TMĐT là xu thế tất yếu và với những đặc điểm riêng của hoạt động này nên theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, để quản lý thuế đối với hoạt động này, ngoài sự chủ động vào cuộc của cơ quan thuế, cũng cần sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan. 

Cần sự hợp tác của các ngân hàng trong thu thuế thương mại điện tử

Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đã bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại Chương về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Cũng tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung những điều khoản liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp và các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp để phát triển thanh toán TMĐT; nghiên cứu, đề xuất các dịch vụ xuyên biên giới khi thực hiện thanh toán phải thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook, Youtube.. có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp vào NSNN...

Về nội dung thu và truy thu thuế đối tượng mua bán hàng hoá, dịch vụ trực tuyến (online) thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng và các trung gian thanh toán, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, nếu không có sự vào cuộc của ngân hàng, sẽ rất khó thu thuế với nhóm đối tượng này.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, sở dĩ việc thu thuế bán hàng online của ngành Thuế lâu nay khá vất vả nhưng hiệu quả không cao là do cơ quan này phải tự mày mò, dò dẫm tìm các tài khoản trên mạng xã hội. Hiện nay, việc chi trả mua bán hàng hoá online hầu hết đều qua ngân hàng, bởi vậy, nếu ngân hàng và các trung gian thanh toán như Momo hỗ trợ thông qua việc cung cấp tài khoản, lịch sử giao dịch thì việc thu thuế sẽ thuận lợi hơn.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: “Muốn triệt để thu thuế online thì phải đưa vào luật và coi đó là nhiệm vụ của ngân hàng”. Tuy nhiên, ngân hàng còn các nhiệm vụ trọng yếu khác, hơn nữa, việc này tốn kém chi phí vận hành bộ máy, đầu tư công nghệ. Do vậy, ông Ngô Trí Long cho rằng, ngân hàng cần được trả phí cho hoạt động này để hài hoà lợi ích.