Quản lý thuế đối với thương mại điện tử: Đề xuất bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất các quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
Trong đó, cần có quy định bắt buộc phải thanh toán thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (ngân hàng), hoặc dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép, theo quy định của pháp luật.
Hoàn thiện quy định quản lý thuế thương mại điện tử
Ở Việt Nam, thời gian gần đây đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh TMĐT. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, các mạng xã hội của nước ngoài ngày càng nở rộ.
Do sự phát triển của TMĐT là một xu thế tất yếu, nên để quản lý thuế đối với hoạt động này, ngoài sự chủ động vào cuộc của cơ quan thuế, cũng cần sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan. Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Luật Quản lý thuế hiện nay đã tạo nền tảng, mở đường cho việc phát triển các quy định và kỹ năng mới của quản lý thuế hiện đại; cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và TMĐT thông qua các quan điểm trọng yếu như cơ chế tự khai, tự nộp, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3 (bao gồm cả thông tin dạng dữ liệu điện tử), hiện đại hóa công tác quản lý thuế (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử - GDĐT).
Tuy nhiên, để thúc đẩy GDĐT trong quản lý thuế nói chung và TMĐT nói riêng ở khía cạnh vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của TMĐT, mở rộng cơ sở thu thuế thì cần phải có các quy định cụ thể, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh này.
Để có cơ sở pháp lý quản lý thuế đối với TMĐT, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đã bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại chương về GDĐT trong lĩnh vực thuế (mở trên cổng thông tin điện tử của ngành Thuế giao diện để tổ chức, cá nhân đăng ký, sử dụng hóa đơn, nộp thuế điện tử). Cùng với đó, Ngành Thuế cần xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử (khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online); đảm bảo 100% người nộp thuế đều có điều kiện tiếp cận các phương tiện này để bắt nhịp cùng với TMĐT; đồng thời giảm thời gian tuân thủ về thuế của các hoạt động kinh doanh truyền thống.
Không phối hợp, khó có thể quản lý được thuế thương mại điện tử
Cũng tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung những điều khoản liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp và các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp để phát triển thanh toán TMĐT; nghiên cứu, đề xuất các dịch vụ xuyên biên giới khi thực hiện thanh toán phải thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook, Youtube… có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN). Để có sự phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông…, dự thảo luật quy định các bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý đối với hoạt động TMĐT theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh cho rằng, đề xuất này của Bộ Tài chính là hợp lý. Để quản lý đối với hoạt động TMĐT chỉ mình ngành Thuế thì không thể quản lý được, mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan. “TMĐT là lĩnh vực rất rộng, nó liên quan đến rất nhiều bộ, ngành khác nhau. Vì thế, nếu không có sự phối hợp thì khó lòng có thể quản lý được thuế đối với hoạt động này”, ông Diện nói.