Cần sự vào cuộc của tất cả các bên trong công khai ngân sách địa phương
Theo nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), Trung tâm Phát triển và Hội Nhập (CDI) thực hiện với sự chủ trì của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) và hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP), công khai ngân sách của địa phương cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan.
Ngày 29/8/2023, BTAP phối hợp với UNDP tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Một số thực hành tốt trong công khai ngân sách địa phương và hàm ý chính sách".
Chia sẻ tại Tọa đàm, ThS. Phạm Văn Long - Đại diện Nhóm nghiên cứu của BTAP cho biết, trên cơ sở tìm kiếm mối tương quan giữa các chỉ số như: Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI), Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhóm nghiên cứu đã lựa chọn tỉnh Điện Biên và Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thu thập, phân tích việc triển khai trên thực tiễn.
Kết quả của nghiên cứu thực địa tại hai tỉnh này cho thấy, việc cải thiện cũng như các thực hành tốt về việc công khai ngân sách mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh – chủ yếu do sức ép cạnh tranh về các chỉ số. Sự khác biệt về việc thực hành công khai ngân sách giữa hai tỉnh được thể hiện rõ ràng hơn ở cấp huyện, cấp xã và trên địa bàn các thôn/bản/tổ dân phố/khu dân cư.
Theo ông Long, tại tỉnh Điện Biên, phần lớn ngân sách các cấp đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, việc thực hành công khai tại các cấp cơ sở chưa thực sự được chú trọng. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đóng góp tương đối nhiều vào ngân sách thì việc thực hiện công khai ngân sách cấp huyện, xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân.
Phát biểu tại toạ đàm, PGS.,TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VESS cho rằng, bên cạnh nhiều phương pháp căn cơ, dài hạn, trước mắt, cần cải thiện tính công khai, minh bạch thông qua việc thực hành công khai ngân sách ở các cấp thấp hơn, đầu tiên là cấp huyện, coi đó như một phần đánh giá mức độ công khai của các tỉnh, tiếp đó sẽ là tới cấp thấp hơn nữa.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Thương - Giám đốc điều hành CDI chia sẻ, UBND tỉnh và Sở Tài chính của các tỉnh thực hành tốt về công khai ngân sách cần lan toả được tinh thần và văn hoá công khai minh bạch tới cấp huyện và xã để đảm bảo thông tin ngân sách cấp huyện và xã cũng được công khai đầy đủ theo đúng quy định.
Khẳng định vai trò quan trọng của công khai ngân sách, bà Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công, Phòng Quản trị và Tham gia UNDP Việt Nam cho rằng, việc thu hẹp khoảng cách trong quản trị ngân sách nhà nước là rất cần thiết bởi từ đó quyền của công dân trong tiếp cận thông tin và tham gia bàn bạc, kiểm tra, giám sát việc thu, chi ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp được bảo đảm.
Bên cạnh đó, việc theo dõi việc thực hiện công khai thông tin, tài liệu ngân sách Nhà nước sẽ giúp các cấp chính quyền địa phương tuân thủ hơn việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công khai ngân sách và bảo đảm quyền tham gia của công dân vào chu trình ngân sách nhà nước.
Để nâng cao hiệu quả công khai ngân sách địa phương, các chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Theo đó, các địa phương cần tuân thủ và thực hiện đúng việc công khai các tài liệu ngân sách theo quy định. Việc công khai ngân sách tỉnh và ngân sách huyện không chỉ được thực hiện theo hình thức trực tuyến mà cần kết hợp đồng thời với việc công khai tại trụ sở UBND các xã, thậm chí là trụ sở các khu/tổ dân phố nơi thực sự gần gũi và dễ dàng tiếp cận đối với người dân.
Đối với người dân, cần có hướng dẫn cụ thể để người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề quản lý nhà nước nói chung và vấn đề ngân sách nói riêng theo cơ chế đại diện đã được quy định trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cần triển khai và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt về công khai ngân sách cũng như tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác chính quyền.
Chia sẻ kinh nghiệm để chỉ số công khai ngân sách tỉnh liên tục cải thiện, đại diện Sở Tài chính Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngoài nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, việc công khai tại các đơn vị còn thường xuyên được kiểm tra. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện việc kiểm tra công khai ngân sách, do đó, UBND tỉnh phải nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung để trả không chỉ trực tiếp cho ý kiến của người dân mà còn là Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Ngoài ra, khi lập dự toán hoặc quyết toán, Sở Tài chính còn trực tiếp mời các ban ngành như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ủy ban Tài chính ngân sách tỉnh tham gia nhằm nắm rõ thông tin để trả lời cử tri trước trong, trong và sau cuộc họp HĐND… Hàng năm, tỉnh còn tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn về công khai dự toán ngân sách các cấp do với sự tham gia trình bày của các báo cáo viên đến từ Bộ Tài chính...