Sử dụng ngân sách hỗ trợ, tạo thêm động lực giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển

Đức Mạnh

Thời gian qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DNNVV hoạt động và phát triển. Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 52/2023/TT- BTC với những quy định cụ thể về hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, tạo thêm động lực giúp DNNVV phục hồi, phát triển.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.

Trên cả nước hiện có khoảng 800 nghìn DNNVV đang hoạt động. Trong thời gian qua, cộng đồng DNNVV đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn, việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội…

Tuy nhiên, do đặc thù quy mô nhỏ, sức khỏe tài chính kém, kinh nghiệm quản trị điều hành thiếu, khả năng cạnh tranh chưa cao... nên DNNVV còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến khó tiếp cận vốn để bổ sung vốn lưu động và đầu tư cho máy móc, công nghệ và các hoạt động khác.

Trước những khó khăn, vướng mắc đó, trong buổi làm việc với Hiệp hội DNNVV trong tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp. Đồng thời, căn cứ khả năng bố trí của ngân sách, hàng năm, Bộ Tài chính bố trí và phân bố dự toán ngân sách chi thường xuyên thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định này. Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước vốn chi thường xuyên hỗ trợ DNNVV; kinh phí quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP...

Triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, soạn thảo, ban hành Thông tư số 52/2023/TT- BTC hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên hỗ trợ DNNVV. Thông tư này hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên hỗ trợ cho DNNVV về công nghệ, tư vấn, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; phát triển nguồn nhân lực...

Thông tư yêu cầu quy trình lập, quyết định, giao dự toán, chấp hành và kế toán, kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV đảm bảo đúng quy định.
Thông tư yêu cầu quy trình lập, quyết định, giao dự toán, chấp hành và kế toán, kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV đảm bảo đúng quy định.

Đáng chú ý, Thông tư số 52/2023/TT- BTC đã quy định cụ thể về sử dụng ngân sách nhà nước chi hỗ trợ công nghệ, tư vấn, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Theo đó, các nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ về công nghệ; Tư vấn (không bao gồm quản lý, vận hành, duy trì hoạt động và phát triển mạng lưới tư vấn viên); Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP...

DNNVV được hỗ trợ theo các nội dung quy định trên thông qua cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV và trên cơ sở hợp đồng hai bên, hoặc hợp đồng ba bên. Cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV căn cứ quy định dưới đây để xác định hợp đồng tư vấn, hợp đồng không có tư vấn và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng hợp đồng.

Thông tư cũng quy định nội dung chi và mức chi cho việc quản lý, vận hành, duy trì hoạt động của mạng lưới tư vấn viên và bồi dưỡng, đào tạo phát triển mạng lưới tư vấn viên; nâng cấp, duy trì, quản lý, vận hành Cổng thông tin và thu thập, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu hỗ trợ DNNVV.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay, khả năng chống chịu của một bộ phận DN đã tới hạn. Theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, các DNNVV rất cần nguồn lực để phục hồi, thay đổi phương thức bán hàng, công nghệ quản lý hay đầu tư cho cơ sợ hạ tầng…

Chính vì thế, Thông tư số 52/2023/TT- BTC được cộng đồng DN kỳ vọng sẽ thống nhất và toàn diện hơn về các vấn đề trong hỗ trợ DNNVV từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, qua đó, tạo thêm nguồn động lực cho DNNVV phục hồi, phát triển.

 

Thông tư số 52/2023/TT- BTC có hiệu lực sẽ thay thế Thông tư số 49/2019/TT-BTC và Thông tư số 54/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV phát triển nguồn nhân lực, sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên… được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2019.