Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu

PV. (T/h)

Thời gian qua, tình trạng khan hiếm xăng dầu và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa diễn ra tại không ít địa phương. Theo các chuyên gia kinh tế, với vai trò của mình, các cơ quan quản lý, trong đó trực tiếp là Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu theo quy định của pháp luật khi được Chính phủ giao là cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu.

Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Quản lý doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương

Thời gian qua, tại một số địa phương, xuất hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu và không ít nhiều cửa hàng đóng cửa. Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 6/10/2022, Thành phố này có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng 2 đại lý; 29 đại lý bán lẻ. Bên cạnh 3 trong số 550 cửa hàng xăng dầu đang tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa, có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu gián đoạn bán hàng, ra thông báo tạm hết hàng xăng hoặc dầu.

Theo phản ánh từ các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, một số DN đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng xăng, dầu hoặc cung cấp thiếu hụt ở một số thời điểm, dẫn đến tình trạng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ, chưa cung ứng đầy đủ theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, có tình trạng các thương nhân phân phối không chủ động nhập hàng để kinh doanh (vì bị thua lỗ) nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối. Vấn đề này khiến dư luận đặt ra câu hỏi tại sao các DN đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu lại chưa đảm bảo việc cung cấp, từ đó để xảy ra tình trạng khan hàng và nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa.

Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu.

Cụ thể, theo Điều 40, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu tuân thủ các điều kiện và quy định tại Nghị định này (Điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; Quyền và nghĩa vụ của thương nhân sản xuất xăng dầu; Điều kiện đối với thương nhân phân phối xăng dầu; Quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu; Dự trữ xăng dầu bắt buộc); Hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định tại Nghị định này (Điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; Quyền và nghĩa vụ của tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; Điều kiện đối với đại lý bán lẻ xăng dầu;  Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu...); Hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu quy định tại Điều 35 Nghị định này; Kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và quy định tại Nghị định này (Điều kiện kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng, kho tiếp nhận xăng dầu; Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu; Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu).

Bên cạnh đó, khoản 30, Điều 1, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi điểm đ, Điều 40, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện các quy định tại Điều 38 Nghị định này.

Ngoài ra, khoản 5, Điều 1, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Điều 8, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cũng quy định: “Bộ Công Thương có thẩm quyền cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi và cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho thương nhân có đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này. Khoản 7, điều 1, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Khoản 6, Điều 8, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) cũng quy định rõ: “Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: thương nhân không hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian một (01) quý trở lên; thương nhân không thực hiện đủ tổng nguồn tối thiểu được Bộ Công Thương giao trong hai (02) năm liên tiếp; thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật; thương nhân không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này; thương nhân không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định tại Điều 31 Nghị định này; thương nhân vi phạm nhiều lần quy định về bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

Do đó, công tác quản lý DN đầu mối, DN phân phối và DN bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Đồng thời, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và DN.

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn kinh doanh xăng dầu

Trong bài viết “Ép hoa hồng kiểu đó, cây xăng không "đóng cửa" mới lạ!”, đăng trên báo Người lao động (10/10/2022), tác giả bài viết - TS. Trần Hữu Hiệp phân tích, theo quy định hiện hành, Nhà nước quản lý xăng dầu bằng bảo đảm nguồn cung thông qua các DN đầu mối nhập khẩu, sử dụng công cụ thuế, quy định trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu và quy định giá bán lẻ xăng dầu thống nhất trong cả nước theo cơ chế thị trường. Mức hoa hồng, chiết khấu cụ thể do các DN đầu mối và DN bán lẻ, hệ thống đại lý, các cửa hàng tự thỏa thuận theo hướng khi giá xăng dầu giảm thì tăng mức chiết khấu, hoa hồng lên để tăng lượng tiêu thụ.

Do lo ngại nguồn cung khan hiếm, xu hướng giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhiều DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu chấp nhận chi phí cao hơn để có nguồn hàng, đã tranh thủ nhập một lượng lớn để bảo đảm nguồn cung trong nước và có thể hưởng lợi từ xu hướng giá tăng. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu thế giới từ quý III/2022 trở đi đảo chiều, Nhà nước điều chỉnh giá bán giảm sâu, để tránh bị lỗ, các DN đầu mối đã siết lại mức hoa hồng, chiết khấu cho DN, đại lý bán lẻ ở mức thấp, thậm chí có thời điểm bằng 0. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải cõng gánh nặng chi phí vận chuyển, nhân công, thuế và nhiều chi phí khác, khiến việc kinh doanh không có lãi, thậm chí càng bán nhiều, càng lỗ nhiều nên họ phải tìm đủ mọi lý do hợp lý để "tạm ngưng hoạt động", từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Trong bài viết “Nhiều cây xăng đóng cửa: Có trách nhiệm của Bộ Công Thương” ngày 11/10/2022 trên báo Tuổi trẻ, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, bản chất của kinh tế thị trường phải dựa trên lợi nhuận và phân bổ một cách hài hòa, đồng đều từ nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển, buôn bán, đưa tới người tiêu dùng. Khi mức chiết khấu không đủ thì việc các cửa hàng xăng dầu đóng cửa hàng, ghìm hàng không bán là điều dễ hiểu.

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, trong vấn đề này, dù do nguyên nhân nào cũng có trách nhiệm của Bộ Công Thương. Nếu ghìm hàng chờ tăng giá thì có trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, phải yêu cầu đơn vị kinh doanh xăng dầu có hàng phải bán ra chứ không được bán phập phù, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong trường hợp chiết khấu không hài hòa thì trách nhiệm chính thuộc về thương nhân nhập khẩu đầu mối xăng dầu, nhưng cũng có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc giám sát thực hiện quy trình nhập khẩu và phân phối xăng dầu. Bởi lẽ, nếu phát hiện có vấn đề về chiết khấu không đảm bảo thì cần đề xuất cơ chế, biện pháp bằng pháp luật để xử lý, phòng ngừa. Bên cạnh đó, các cửa hàng xăng dầu đều hoạt động kinh doanh có điều kiện, đăng ký và được cấp phép mới hoạt động. Ở đây đã cấp phép mà không duy trì được hoạt động, không đúng điều kiện kinh doanh thì phải kiên quyết thu hồi cả giấy phép nhập khẩu lẫn giấy phép bán buôn, bán lẻ.

Được biết, nước ta hiện nay có khoảng 500 DN phân phối và 36 DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhưng thời gian qua, vẫn có tình trạng khan hiếm xăng dầu tại một số địa phương. Trong khi đó, các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 DN đầu mối, do vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng khan hiếm xăng dầu, ảnh hưởng đến đời sống người dân như thời gian qua.

Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, luôn ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, đặc biệt là DN phân phối và bán lẻ để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân.

Chẳng hạn, đối với thủ tục nhập khẩu và thông quan đối với mặt hàng xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo cơ quan Hải quan thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, thời gian qua, thủ tục xuất nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu luôn được thực hiện thuận lợi. Đồng thời, để rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, góp phần giúp DN kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, Tổng cục Hải quan đã có Văn bản số 3684/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính đảm bảo thông quan 24/7.

Liên quan đến vấn đề bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề hiện nay là làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ DN đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất? Đây là một vấn đề đặt ra và Bộ Tài chính cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý.

Theo số liệu từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhu cầu xăng dầu của Việt Nam khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng. Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ hơn 22 triệu m3 xăng dầu. Trong 9 tháng năm 2022, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại là hơn 6,5 triệu m3 với giá trị nhập khẩu là hơn 6,8 tỷ USD.