Cần tăng mức xử phạt vi phạm phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng
Quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho công trình nhà cao tầng chung cư đã được ban hành khá đầy đủ nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập khi các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt.
Công an TP. Hà Nội cho biết, trong đợt tổng kiểm tra công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tháng 8/2019 đã phát hiện 93 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC & CNCH.
Trong số các công trình vi phạm, đáng chú ý có nhiều chủ đầu tư được xem là "ông lớn" bất động sản nhưng lại có nhiều tòa nhà chung cư đang tồn tại và vi phạm điều kiện PCCC & CNCH gây mất an toàn cho cư dân.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn - Công an TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2014 - 2018, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 6.245 sự cố cháy khiến 85 người chết, 238 người bị thương; 13 vụ nổ làm 10 người chết, 19 người bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản từ các vụ cháy, nổ hơn 835 tỷ đồng.
Có nhiều chung cư mặc dù các hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy tại được trang bị khá đầy đủ theo quy định nhưng việc bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống, phương tiện phòng cháy chữa cháy chưa thực sự được coi trọng. Rất nhiều vụ cháy xảy ra nhưng hệ thống báo cháy, chữa cháy không hoạt động.
Còn nhớ, cư dân sống tại Chung cư The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) được một phen hoảng loạn khi một căn hộ tại Block A2 bốc cháy dữ dội. Điều đáng nói, khi vụ hỏa hoạn xảy ra, toàn bộ hệ thống chuông báo cháy tự động đều không hoạt động.
Tương tự, tại chung cư Golden West (Lê Văn Lương – Hà Nội), dù đã về ở gần 3 năm nhưng cư dân cho biết công trình này vẫn chưa được nghiệm thu hoàn công, cũng như đảm bảo an toàn PCCC. Đặc biệt, chủ đầu tư còn tự ý thay đổi thiết kế không đúng phê duyệt nhằm mục đích kinh doanh.
Trước đó, tại dự án Aqua Central (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng đã bị xử phạt 80 triệu đồng về vi phạm phòng cháy chữa cháy.
Nói về nguyên nhân của các vụ cháy xảy ra gần đây tại các chung cư, nhà cao tầng, Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên vẫn là do chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư hạng mục PCCC cho công trình, hoặc có làm cũng chỉ nhằm đối phó để thẩm duyệt, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ông Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng chỉ rõ, Quy chuẩn quốc gia về nhà ở năm 2015 đã có quy định về nhà lánh nạn cho chung cư cao tầng, nhưng dường như các chủ đầu tư vẫn “ngó lơ”.
“Theo quy chuẩn, các nhà cao tầng đều có không gian lánh nạn, tuy nhiên nếu làm như vậy chủ đầu tư không hề thích vì họ muốn bán những không gian này như căn hộ thông thường nên không gian lánh nạn bị biến tướng hoặc không làm”, ông Chủng nói.
Để các chủ đầu tư thực hiện nghiêm Quy chuẩn này, ông Chủng đề xuất khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, các nhà cao tầng buộc phải có không gian lánh nạn mới đủ điều kiện đưa người dân vào ở.
"Trong suốt quá trình hình thành từ thiết kế sơ bộ đến thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công phải có sự giám sát của cơ quan chức năng. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra việc này" - ông Chủng khẳng định.
Để khắc phục tình trạng trên, Thượng tá Việt cho rằng cần tăng mức xử phạt đối với một số vi phạm, bổ sung thêm các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc hình thức xử phạt bổ sung để có căn cứ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
"Hiện rất nhiều chủ đầu tư không quan tâm đến chất lượng của hệ thống PCCC, họ lựa chọn các thiết bị rẻ tiền, công nghệ cũ, kém chất lượng… dẫn đến khi đưa vào sử dụng một thời gian đã báo lỗi, hoặc bị hỏng không hoạt động được" - Thượng tá Việt chỉ rõ.