Cần tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng để năng lượng khí phát triển

Theo Vũ Long/laodong.vn

Tỷ trọng của năng lượng khí trong tổng nguồn năng lượng sơ cấp đang có xu hướng giảm, cần tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng để các doanh nghiệp phát triển.

Năng lượng, đặc biệt là công nghiệp khí và thị trường khí đã và đang khẳng định là thành phần quan trọng của nền kinh tế.
Năng lượng, đặc biệt là công nghiệp khí và thị trường khí đã và đang khẳng định là thành phần quan trọng của nền kinh tế.

Tạo lập môi trường kinh doanh khí cạnh tranh, minh bạch

Triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 28/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2233/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là: “Xây dựng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng (than, khí và điện lực) cạnh tranh lành mạnh, theo từng giai đoạn và có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế”.

Đặc biệt, đối với thị trường khí, mục tiêu được chỉ ra, cụ thể: “Từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG”.

Tạo "sân chơi" minh bạch để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng

Theo Bộ Công Thương, thị trường kinh doanh khí đang tồn tại một số vấn đề nổi cộm, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp cần sớm có giải pháp điều chỉnh trong thời gian tới nhằm giúp hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch hơn.

Cụ thể, còn tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị "cắt tai mài vỏ", không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ khí, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Theo thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam, hiện nay có đến 30% lượng chai LPG của các thương hiệu đang bị thu giữ, chiếm đoạt, thậm chí bị hủy hoại trái phép. Các doanh nghiệp kinh doanh LPG chai, trạm chiết nạp LPG vào chai chưa có quy định cụ thể trong việc trao đổi, hoàn trả chai LPG hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi chai LPG không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG, khó kiểm soát hoạt động kinh doanh.

Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan tập trung rà soát, nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo lập môi trường kinh doanh khí cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả ở tất cả các khâu từ thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn khí”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), các nguồn khí trong nước sẽ suy giảm dần, trong khi nguồn khí bổ sung từ các mỏ mới tại khu vực có nguồn khí suy giảm không nhiều. Dự kiến, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ LPG trong nước, cơ sở hạ tầng tồn trữ của các kho LPG phải đạt quy mô khoảng 3,5-4 triệu tấn/năm vào năm 2025 và khoảng 4,5-5 triệu tấn/năm vào năm 2035, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp.

Do đó, cần có định hướng mở rộng và xây mới kho LPG để nhập khẩu LPG đủ cho nhu cầu phát triển các nhà máy công nghiệp và khách hàng dân dụng tại các vùng cung ứng bảo đảm nhu cầu tiêu thụ LPG tăng trưởng từ khoảng 5%; xây mới và mở rộng kho LNG hiện có đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các dự án điện khí, các khách hàng công nghiệp và dân dụng.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) - Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cũng chia sẻ: Nguồn cung khí nội địa đang suy giảm (còn 7 tỉ mét khối (m3) vào năm 2025), nhu cầu ngày càng tăng cao lên đến hơn 20 tỉ m3 vào năm 2030. Xu thế nhập khẩu khí LNG là tất yếu để phục vụ nhu cầu của thị trường.

Ông Bình kiến nghị, việc chứng minh sở hữu chai trong nhiều vụ vi phạm cần được đơn giản hóa, phù hợp với thực tế. Hiện có 03 Nghị định quy định chế tài xử phạt đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh khí, do vậy cần có quy định thống nhất. Cùng với đó, cần xem xét sửa đổi luật để áp dụng chế tài hình sự cho các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh khí.  Đồng thời, cần tạo dựng và khuyến khích môi trường kinh doanh khí cạnh tranh lành mạnh, minh bạch...