Cần tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa thông suốt
Ngày 13/9/2021, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương về “thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19”. Hội nghị đã nghe lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương báo cáo về tình hình tiêu thụ nông sản; việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa và xuất khẩu hàng nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo đại diện Bộ Công Thương, ước xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng tích cực, đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, thủy sản và rau quả có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm nông, thủy sản.
Thị trường xuất khẩu trọng điểm đứng đầu vẫn là thị trường khu vực châu Á, với 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, chiếm 56,7% thị phần. Kế đến là thị trường châu Mỹ, chiếm 17,9% thị phần.
Bộ Công Thương cũng nêu lên những khó khăn, thách thức và giải pháp tháo gỡ. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu của một số nước đã và đang phục hồi nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn vì tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải; Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch COVID-19; hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu lưu giữ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là hệ thống kho lạnh. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa chưa triệt để, vẫn còn nhiều nơi ban hành “giấy phép con” đưa ra quy định trái với chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành…
Thời gian tới, dự báo có nhiều cơ hội mới mở ra cho xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam. Theo lộ trình cam kết tại các Hiệp định FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản của nước ta.
Bên cạnh đó, các hiệp định thế hệ mới đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản của nước ta đang dần thích ứng, có phản ứng nhanh nhạy hơn với những biến động trên thị trường quốc tế và tận dụng tốt hơn cơ hội, lợi thế từ các Hiệp định FTA.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng: Sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, giúp đạt được nhiều kết quả quan trọng trong sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.
Hướng tới, về lưu thông hàng hóa, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương bảo đảm thông suốt lưu thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không ban hành thêm giấy phép con. UBND các tỉnh, thành tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; phối hợp với ngành y tế, công thương, nông nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng đến Tết Nguyên đán. Rà soát việc thu hoạch, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu…
Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai phục hồi sản xuất, nhất là ngành ngân hàng cần đóng vai trò tích cực hỗ trợ tái sản xuất nông nghiệp.