Cần thêm hành lang pháp lý xử lý nợ xấu

PV.

Với lượng nợ xấu tương đối lớn, việc hình thành thị trường giao dịch nợ là cần thiết bởi hiện không nơi nào tập trung và đủ lớn để doanh nghiệp giao dịch nợ. Điều này không chỉ giúp cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thuận lợi hơn trong xử lý nợ xấu mà còn tạo điều kiện cho thị trường mua bán nợ Việt Nam phát triển.

Cơ sở, nền tảng ban đầu

Mặc dù, Việt Nam hiện có 2 Công ty mua bán nợ là DATC - trực thuộc Bộ Tài chính và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước… nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm nợ tồn đọng, số nợ xấu của các ngân hàng và tổ chức thương mại được giải quyết mới chỉ là một phần rất nhỏ.

Trong bối cảnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo làm đầu mối sàn giao dịch mua bán nợ được kỳ vọng sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc xử lý vướng mắc nợ tồn đọng.

DATC của Bộ Tài chính được lập năm 2003, mục tiêu ban đầu là mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhiều năm qua, DATC muốn mở rộng hoạt động, mua bán các khoản nợ thương mại ngoài khu vực nhà nước, nhưng vốn ít, cơ chế quản lý còn nhiều khúc mắc chưa giải quyết được dẫn tới không có khả năng xử lý hoàn toàn nợ xấu...

Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, DATC đã khẳng định rõ vị thế và sự phát triển của mình tại Việt Nam. DATC đã không chỉ dừng lại ở việc mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp nữa mà đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp. Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính giao trong xử lý tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ...

Rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước đứng trên bờ vực phá sản, không thể cổ phần hóa đã được DATC tham gia giải cứu thành công và sau một thời gian đã phát triển trở lại, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Điển hình như: Sadico Cần Thơ. Công ty Mía đường Sơn La, Công ty Đường Kon Tum...

Bên cạnh DATC, cách đây 3 năm Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhằm giải quyết các khoản nợ xấu của các ngân hàng. Sau gần 3 năm hoạt động, VAMCđã gom về một lượng nợ xấu rất lớn từ các ngân hàng thương mại, với tổng trị giá khoảng 240 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty này mới chỉ xử lý được 10% số nợ xấu, 90% còn tồn đọng tại đây không giải quyết được. Trong vòng 3 - 4 năm, nếu số nợ xấu này không giải quyết được thì sẽ bị quay trả về các ngân hàng thương mại.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) với giá trị tuyệt đối ở mức 120.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu/tổng nợ của toàn hệ thống chỉ còn ở mức 2,9%, dưới hạn mức 3% mà NHNN đặt ra. Thế nhưng con số này chưa tính đến 243.000 tỷ đồng nợ xấu đang mắc kẹt tại VAMC, gấp đôi số nợ xấu trên sổ sách được thống kê.

Cuối năm 2015, Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra (đưa nợ xấu về dưới mức 3%).

Tuy nhiên, thông tin được đưa ra tại Hội thảo Công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) mới đây cho thấy, trong năm vừa qua, nợ xấu đã tăng thêm 45.000 tỷ đồng.

Theo UBGSTC, số nợ xấu đã xử lý được là 180.000 tỷ đồng, qua 3 hướng: Bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 110.000 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro khoảng 30.000 tỷ đồng; xử lý nợ khác khoảng 40.000 tỷ đồng. Sau xử lý, nợ xấu của hệ thống tín dụng ở mức gần 120.000 tỷ đồng.

Qua những con số trên, chất lượng tín dụng được cho là đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, con số 120.000 tỷ đồng nợ xấu chưa tính đến 243.000 tỷ đồng nợ xấu đang mắc kẹt tại VAMC, gấp đôi số nợ xấu trên sổ sách được thống kê.

Thực tế con số 243.000 tỷ đồng trên là khoản nợ gốc trước đó mà VAMC đã mua với trái phiếu đặc biệt tính chung từ khi hoạt động đến nay.

243.000 tỷ đồng nợ xấu gần như vẫn đang “đóng băng” tại VAMC khi mới thu hồi được gần 23.000 tỷ đồng, tương đương 9,3% tính trên dư nợ gốc.

VAMC cũng liệt kê rất nhiều bất cập khiến xử lý nợ khó khăn, như: Tiến hành cơ cấu nợ, VAMC không có quyền chủ động xử lý nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo, chưa có thị trường mua bán nợ.

Cần thêm hành lang pháp lý

Xuất phát từ thực tế này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang làm đầu mối xây dựng dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua, bán nợ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán nợ, tiến tới hình thành và phát triển thị trường mua, bán nợ tập trung tại Việt Nam. Trong đó, sàn giao dịch nợ sẽ là nơi tập trung, tiến hành thường xuyên các hoạt động giao dịch mua, bán nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ.

Với số lượng nợ xấu tương đối lớn mỗi năm, việc hình thành thị trường giao dịch nợ là hết sức cần thiết. Bởi hiện không nơi nào tập trung và đủ lớn để doanh nghiệp giao dịch nợ. Vì vậy các khoản nợ hoặc là “nằm chết”, gây thiệt hại cho các bên liên quan và kéo nền kinh tế đi xuống, hoặc chuyển nhượng lòng vòng không có đường ra.

Theo các chuyên gia kinh tế: Hiện Việt Nam đang rất cần có một cơ chế mới tức một chợ mua bán đống nợ xấu đó. Hiện tại đã có thị trường mua bán nợ rồi gồm VAMC của ngân hàng thương mại, DATC của Bộ Tài Chính... thế nhưng mới chỉ tập trung ở một lĩnh vực rất hạn hẹp.

Việc mua bán của các thành phần đó là sự trao đổi rất giới hạn, không phải là vấn đề mua bán thực sự, thành ra việc Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất thành lập sàn giao dịch, một chợ để mua bán nợ theo đúng nghĩa của nó là điều cần thiết”.

Những năm qua, việc xử lý nợ xấu của các công ty tuy đạt kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc về vấn đề pháp lý, đó là Công ty VAMC không có quyền chủ động để xử lý nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo; việc định giá khoản nợ đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, cơ sở đánh giá còn phức tạp…

Hiện chúng ta vẫn chưa có thị trường mua bán nợ nên người tham gia mua bán nợ không nhiều, ngoài các tổ chức tín dụng. Do đó, dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ hướng tới hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tập trung tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Thực tế hiện nay, Việt Nam đã có đủ điều kiện để tiến tới thành lập thị trường mua bán nợ. Việc thành lập sàn giao dịch mua bán nợ là rất cần thiết nhằm gia tăng người mua, kẻ bán trên thị trường nợ, minh bạch hóa quá trình mua bán nợ và giảm tải cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với sàn giao dịch nợ, cũng giống như VAMC, là phải gỡ bỏ các rào cản về thủ tục pháp lý thì mới thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Đã đến lúc cần phải có một thị trường mua bán nợ, hiện có cung có cầu, có hàng hóa... Trước mắt cần có khung khổ pháp lý cung cầu, bên mua, bên bán gặp nhau... Mua bán đó có thể thực hiện tại một chỗ tập trung hoặc có thể thực hiện thông qua các công ty mua bán nợ quốc gia như DATC hoặc VAMC.

Song song với đó một mặt vẫn cứ tiếp tục mua bán nếu như khuôn khổ pháp lý đã cho phép, mặt thứ 2 tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thành lập sàn giao dịch tập trung... Mọi việc cần được triển khai càng nhanh càng tốt.

Việc đặt ra nghị định về sàn giao dịch mua bán nợ xấu sẽ tạo cơ sở thông thoáng hơn cho việc kinh doanh, mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, nghị định này cần được quy định rõ hơn trong việc giải quyết vấn đề sở hữu, cách phân chia khối lượng nợ đó như thế nào để định giá cụ thể cho người mua bán nợ.

Bởi chỉ khi nào xác định được cụ thể khối lượng và giá trị theo thị trường, người mua bán nợ mới dám đầu tư để thực hiện. Bên cạnh đó, việc xây dựng các quy định mới cần phải có sự nghiên cứu chặt chẽ, giúp đảm bảo thị trường mua bán nợ hoạt động ổn định, tránh tổ chức yếu kém gây nhiễu loạn.