Cần thiết ban hành Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Chiều 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thay mặt cơ quan soạn thảo đã đọc Tờ trình dự thảo Nghị định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đọc Tờ trình dự thảo Nghị định
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đọc Tờ trình dự thảo Nghị định
Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành sự cần thiết ban hành Nghị định

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng đã được Chính phủ cho phép thí điểm kể từ năm 1992. Đến nay đã có một số dự án được cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài theo Luật Đầu tư. Để nâng cao năng lực pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với hoạt động kinh doanh này, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các thành viên UBTVQH đều nhất trí tán thành sự cần thiết ban hành Nghị định nhằm khắc phục kịp thời hạn chế của khung pháp lý hiện hành, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hợp lý nguồn thu cho NSNN.

Tính đến nay, trên cả nước có 43 điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại các khách sạn từ 3
Theo số liệu thống kê đến nay đã có 124 Quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép tổ chức hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Theo số liệu thống kê doanh thu toàn cầu của hoạt động kinh doanh vui chơi có thưởng (trò chơi trên bàn và trên máy) năm 2010 ước đạt 109 tỷ USD, trong đó: thị trường Mỹ đạt 56,5 tỷ USD chiếm 51,8%, thị trường Châu Á đạt 32,3 tỷ USD chiếm 29,6%, thị trường Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi đạt 16,2 tỷ USD chiếm 14,8%.
sao trở lên và một số điểm du lịch, chủ yếu tập trung tại TP. Hà Nội và TP. HCM. Doanh thu từ hoạt động trò chơi điện tử có thưởng tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây, bình quân luôn duy trì ở mức 10-15%/năm, năm 2011 ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, các cơ sở kinh doanh ở khu vực miền Nam có doanh thu và tỷ lệ tăng trưởng cao hơn 2 khu vực còn lại, do số lượng người nước ngoài đến làm việc và du lịch cao nhất cả nước. Lợi nhuận trung bình năm 2011 từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng khoảng 20 tỷ đồng/cơ sở kinh doanh. Tổng số nộp NSNN cả nước năm 2011 từ hoạt động kinh doanh này ước đạt 1.500 tỷ đồng.

Quản lý chặt đối tượng được chơi và điều kiện cấp phép

Dự thảo Nghị  định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài bao gồm 8 Chương và 51 Điều. Trong đó, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp, giấy thông hành còn giá trị và nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam.

Trong đó, về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, dự thảo Nghị định quy định theo hướng nâng các điều kiện cấp phép theo đó chỉ có cơ sở lưu trú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng từ 5 sao trở lên, đáp ứng đủ các điều kiện an ninh, trật tự và năng lực tài chính mới được xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có thời hạn hiệu lực tối đa là 10 năm. Hết thời hạn doanh nghiệp phải xin gia hạn nếu muốn tiếp tục kinh doanh, thời gian gia hạn tối đa không quá 10 năm.

Về chế độ tài chính, xác định hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích phát triển, vì vậy Nghị định quy định doanh nghiệp không được ưu đãi thuế, phí, lệ phí phát sinh liên quan trực tiếp đến việc tổ chức hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Về đầu mối quản lý, Dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền quản lý Nhà nước trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng; một số Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch,… đều tham gia thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này.

Do chưa xác định cơ quan nào là đầu mối chịu trách nhiệm chính nên hầu hết các ý kiến đều cho rằng nên có quy định cụ thể để làm đấu mối quản lý và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, Bộ Tài chính sẽ rà soát lại và bổ sung quy định theo hướng nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan.

Nhiều ý kiến nhất trí đề nghị nên giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm là phù hợp. Thường trực UB Tài chính Ngân sách cũng cho rằng giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối trong quản lý nhà nước (xây dựng quy hoạch, ban hành cơ chế, chính sách, quản lý, giám sát, xử lý vi phạm, tổng hợp, báo cáo hoạt động...); còn các Bộ, ngành liên quan thực hiện theo chức năng đã được Chính phủ giao.

Giải đáp băn khoăn của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai về quy định trong dự thảo, chỉ những khách sạn 5 sao mới được cấp giấy phép tổ chức hoạt động trò chơi điện tử có thưởng. Vậy, những khách sạn 3, 4 sao đã được cấp phép thì xử lý như thế nào, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ chưa thể “dẹp” ngay những cơ sở đã được cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng ở khách sạn 3, 4 sao. Do vậy, dự thảo Nghị định đã dự liệu và quy định rõ về thời hạn chuyển tiếp tại điều 50 là 1 năm. Sau 1 năm, các cơ sở không đáp ứng đủ điều kiện hay không làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng sẽ không được phép kinh doanh loại hình giải trí này.

Trước ý kiến của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, rằng người có 2 quốc tịch (trong đó có quốc tịch Việt Nam), thì có được phép tham gia trò chơi điện tử có thưởng không, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nêu rõ: Những trường hợp này được phép chơi. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến này của Phó chủ tịch Quốc hội để quy định chi tiết, rõ ràng hơn trong Nghị định.