Cẩn trọng với biến thể mới B.1.X của virus SARS-CoV-2
Mới đây, các chuyên gia Pháp cảnh báo về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vì những thay đổi chưa từng thấy trước đây ở protein của nó. Biến chủng mới mang tên B.1.X hay B.1.640, đã lây nhiễm cho hơn hai chục người tại một trường học của nước này vào tháng 10, dấy lên nhiều lo ngại trong bối cảnh số ca bệnh tăng mạnh ở Pháp và châu Âu lại trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Theo dõi chặt chẽ
Kể từ khi biến thể mới xuất hiện, tình hình đã nằm trong tầm kiểm soát và không một ca mới nào được phát hiện thêm từ ngày 26/10. Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Công cộng Pháp cho biết, B.1.X vẫn đang được theo dõi chặt, bởi nó có một số đột biến hoàn toàn mới. Cụ thể là, protein đột biến, vốn cho phép virus bám vào tế bào người và bắt đầu quá trình lây nhiễm, có khả năng loại bỏ một số thành phần so với chủng gốc.
Theo Le Telegramme, trên toàn thế giới, ngoài Pháp, chỉ có khoảng 25 - 30 trường hợp lây nhiễm biến chủng này. Chúng xuất hiện rải rác ở Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Scotland và Italy. Song, tỷ lệ mắc biến chủng mới tại các quốc gia trên vẫn còn khá thấp. Nhóm chuyên gia ở đây đang cố gắng tìm lời giải cho câu hỏi: liệu sự thiếu hụt của một số đột biến trong giải trình tự gene của B.1.X có khiến SARS-CoV-2 lây nhiễm ít đi không, hay sẽ khiến nó hình thành chủng mới đáng gờm hơn.
Hiện, Delta vẫn đang được coi là biến chủng nguy hiểm nhất hiện nay, gây ra những đợt lây nhiễm diện rộng, mặc dù trong nhiều tháng qua, hàng trăm đột biến mới đã xuất hiện trên toàn cầu và là thủ phạm của nhiều chùm lây nhiễm lẻ tẻ ở các quốc gia. Ngày 11/11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã thêm B.1.640 vào danh sách các biến chủng đang theo dõi.
Ngày 15/11, Bộ Y tế Pháp cho biết, các phân tích ban đầu không cho thấy sự đột biến ở biến chủng mới dễ lây lan hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn so với các phiên bản trước đó của virus. Các nhà khoa học đang muốn tìm hiểu xem liệu biến thể B.1.X có thể “trốn” xét nghiệm hay không, sau khi một số bệnh nhân thực hiện xét nghiệm PCR âm tính và chỉ trả về kết quả dương tính từ các mẫu lấy từ máu hoặc sâu trong hệ hô hấp. Các xét nghiệm phản ứng chuỗi Polymerase được sử dụng để phát hiện trực tiếp sự hiện diện của kháng nguyên, thay vì sự hiện diện của phản ứng miễn dịch của cơ thể hoặc các kháng thể.
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ECDC, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa đưa B.1.X vào danh sách các biến thể đáng lo ngại hay danh sách các biển thể cần quan tâm.
Tính đến sáng 16/11, thế giới ghi nhận 254.496.095 trường hợp mắc COVID-19, với 5.120.977 ca tử vong. Tình hình đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Âu khi khu vực này ghi nhận sự gia tăng mạnh các ca lây nhiễm, khiến nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch. Mới đây, Pháp đã bổ sung các quy định kiểm tra y tế tại biên giới, kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch để tránh đợt phong tỏa mới.
Còn Đức đang soạn thảo dự luật gồm nhiều biện pháp, gồm cả yêu cầu người lao động làm việc tại nhà trong nỗ lực khống chế làn sóng dịch mạnh nhất từ đầu dịch đến nay. Trong khi đó, Hà Lan tiến hành phong tỏa một phần trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ 13.11 và tại Áo, từ ngày 15.11, những người chưa tiêm vắc xin sẽ bị hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà…
Phần lớn các quốc gia trong nhóm đáng báo động nằm ở Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu, trong khi các nước Tây Âu và ven Địa Trung Hải dường như chịu ảnh hưởng nhẹ hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, khi mùa đông bắt đầu đến, “làn sóng COVID-19 thứ 5” sẽ không chừa phần còn lại của châu Âu.
Cần đẩy nhanh tiêm chủng
Theo Jerusalem Post, khi truy tìm nguồn lây của chùm ca bệnh mới, nhóm chuyên gia tại Pháp phát hiện B.1.X có nguồn gốc từ châu Phi. Bệnh nhân số 0 đến từ Nantes và lây truyền virus trong một bữa tiệc ở Bannalec.
Theo Giáo sư Cyrille Cohen, Đại học Bar-Ilan, Pháp, đó là minh chứng cho hậu quả của việc bất bình đẳng trong phân phối vắc xin. “Một nhóm dân số trên thế giới không được tiếp cận vắc xin. Điều này khiến virus tiếp tục nhân lên và tạo ra nhiều biến chủng hơn nữa. Điều đáng lo là chúng ta không biết chúng sẽ nguy hiểm đến mức nào”.
Ông nói thêm, “tôi không muốn làm mọi người sợ hãi. Chỉ có một vài trường hợp nhiễm B.1.640 bây giờ và rất có thể trong một tháng nữa tất cả chúng ta nhiều khả năng quên đi biến thể này. Nhưng đó là một ví dụ về những gì có thể xảy ra nếu không có vắc xin cho tất cả mọi người”.
Báo cáo hàng tuần của Q4 Global Forecast, do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố đầu tháng 11 nhấn mạnh, hầu hết quốc gia phát triển đã tiêm phòng hàng loạt cho người dân, song các nước đang phát triển có tốc độ tiêm còn chậm.
Tại châu Phi, tính đến cuối tháng 10, chỉ có khoảng 6% dân số được tiêm vắc xin COVID-19. Theo EIU, nguyên nhân của tỷ lệ tiêm chủng thấp như vậy là bởi, bất chấp những cải thiện gần đây, sản xuất vắc xin toàn cầu tiếp tục tụt hậu so với nhu cầu, trong đó các nước đang phát triển phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài trong việc tiếp cận vắc xin.
Báo cáo của EIU cho biết thêm, chương trình COVAX của WHO mới chỉ cung cấp khoảng 400 triệu liều vắc xin trên toàn cầu và số quyên góp từ các nước giàu hơn rất ít. Hơn nữa, thậm chí ngay cả khi vắc xin đã được chuyển giao, các nước châu Phi vẫn có thể gặp khó khăn trong việc tiêm chủng, chủ yếu là vì lý do hậu cần.