Phản ứng chính sách của Hoa Kỳ và Singapore trước tác động của đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống của các quốc gia trên toàn thế giới. Ứng phó với tình trạng suy thoái toàn cầu, tăng trưởng âm, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh... nhiều biện pháp giảm thiểu thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế đã được các quốc gia gấp rút thực hiện. Các gói kích thích kinh tế được chính phủ các nước liên tục đưa ra nhằm kích cầu, khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn. Nghiên cứu thực tiễn ứng phó của Hoa Kỳ và Singapore nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, bài viết đưa ra một số khuyến nghị và rút ra những kinh nghiệm thiết thực đối với Việt Nam.
Tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế thế giới
Dịch bệnh COVID-19 khởi phát tại TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, đến nay đã lan rộng khắp toàn cầu và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Đại học Jonhs Hopkins, đến ngày 18/9/2021, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 241 triệu ca nhiễm, trong đó có 4,9 triệu người chết và số người được tiêm vắc-xin trên toàn cầu là 6,6 tỷ người.
Đánh giá cho thấy, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Cuộc khủng hoảng này đã tác động toàn diện trên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội toàn cầu, kéo theo sự “tam trùng” của 3 cuộc khủng hoảng liên đới với nhau, đó là khủng hoảng về y tế, khủng hoảng suy thoái về kinh tế và khủng hoảng về xã hội.
Sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19, buộc các quốc gia phải thực hiện các các giải pháp khẩn cấp cách ly xã hội trên diện rộng và giữa các quốc gia, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trên toàn cầu cũng như trong mỗi quốc gia, làm cho hệ thống sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa “bị đột ngột đừng lại”- tác nhân chủ yếu gây nên khủng hoảng và suy thoái kinh tế.
Nền sản xuất và lưu thông bị dừng lại, đình đốn đã kéo theo một loạt những vấn đề xã hội như: Tình trạng mất việc làm của hàng chục triệu lao động trong hầu hết các lĩnh vực ở mỗi nước, thu nhập bị giảm sút hoặc không còn thu nhập; an sinh xã hội đứng trước thách thức rất lớn; các lĩnh vực xã hội khác cũng rơi vào đình đốn, trì trệ; mâu thuẫn, nghèo đói và bất bình đẳng xã hội tăng lên.
Đại dịch COVID-19 tác động lên toàn cầu, nhưng các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong các chuỗi giá trị toàn cầu, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, kế đó là Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ và Braxin... Các nước này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP toàn cầu, đồng thời cũng là những nước chiếm và chi phối các chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều nhất. Vì vậy, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 tại các nước này, nhất là Trung Quốc, có sự “lan tỏa” lớn đối với nền kinh tế thế giới, sự suy giảm của các nước này sẽ lan truyền tới chuỗi cung ứng ở hầu hết các quốc gia.
Theo báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 27/9/2021, tác động kinh tế của COVID-19 lớn hơn nhiều so với cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, nhất là ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Châu Phi. Theo đánh giá của UNCTAD (Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển), tốc độ tăng trưởng khu vực Đông Nam Á giảm 3,9% do mất nguồn thu từ du lịch quốc tế, suy giảm đầu tư của khu vực tư nhân và giảm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng. Việt Nam, ghi nhận mức tăng trưởng 2,9% cho năm 2020, là một nước vượt trội trong khu vực nhờ việc kiểm soát dịch bệnh sớm và hiệu quả.
UNCTAD dự báo tăng trưởng sản lượng thế giới là 5,3% trong năm 2021 khi nền kinh tế lấy lại vị thế đã mất vào năm 2020, nhưng tình hình phục hồi sẽ chậm trong năm 2022. Mặc dù tăng trưởng theo xu thế trên sẽ duy trì trong năm 2021-2022, nhưng kinh tế thế giới vào cuối năm 2022 sẽ đạt 10 nghìn tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số đáng lẽ sẽ đạt được nếu không có đại dịch COVID-19. Khối lượng thương mại quốc tế giảm 5,6% năm 2020, mức giảm ít nghiêm trọng hơn so với dự đoán ban đầu...
Nhìn chung, kinh tế thế giới hiện đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Muốn thoát ra khỏi suy thoái thì cả nền kinh tế thế giới và nền kinh tế của từng quốc gia đứng trước áp lực phải mở cửa trở lại; nhưng mở cửa trở lại nền kinh tế, lại phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, lại phải “đóng cửa trở lại” ở những mức độ khác nhau, như thực tế đang diễn ra ở không ít các quốc gia. Việc thích ứng có hiệu quả với “trạng thái bình thường mới” khi đại dịch còn kéo dài là vấn đề lớn, mang tính tổng hợp, cả trên bình diện quốc tế, cũng như trong mỗi quốc gia. Tác động của đại dịch bệnh COVID-19 buộc các nước phải dành nguồn kinh phí rất lớn từ ngân sách để thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp; điều này dẫn đến thâm hụt ngân sách rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế giai đoạn “hậu đại dịch COVID-19”.
Phản ứng chính sách của Hoa Kỳ và Singapore
trước đại dịch COVID-19
Không giống như các cuộc suy thoái kinh tế khác, sự sụt giảm sản lượng trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 không phải xuất phát từ các yếu tố cung-cầu mà là hệ quả không thể tránh khỏi của các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, do đó, vai trò của chính sách tài khóa và tiền tệ là rất cần thiết. Biện pháp ứng phó về tài khóa, tiền tệ các nước đưa ra đã giúp ngăn chặn kịch bản xấu nhất về sự sụp đổ chung của thương mại, việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, như trường hợp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các biện pháp ứng phó lại không đồng đều và không phù hợp với quy mô của những thách thức mà nền kinh tế quốc tế phải đối diện. Khảo sát cho thấy, chính sách kinh tế mà các quốc gia trên toàn cầu, bao gồm cả Hoa Kỳ và Singapore thực hiện đều hướng tới 3 mục tiêu chính, đó là:
(i) Tăng cường các nguồn lực để kiểm soát và điều trị COVID-19: Ưu tiên cho chăm sóc sức khỏe, sản xuất và phân phối thực phẩm, cơ sở hạ tầng và các tiện ích thiết yếu; Tập trung nguồn lực nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19.
(ii) Cung cấp đủ nguồn lực cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVId-19: Các hộ gia đình bị mất thu nhập trực tiếp hoặc gián tiếp do các biện pháp ngăn chặn sẽ cần sự hỗ trợ của chính phủ. Sự hỗ trợ này sẽ giúp người dân yên tâm và thực hiện hiệu quả quy định phòng, chống dịch.
(iii) Ngăn chặn sự gián đoạn kinh tế quá mức do tác động của các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Các chính sách cần bảo vệ mạng lưới quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, người sản xuất và người tiêu dùng, người cho vay và người đi vay, để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng sau khi tình trạng khẩn cấp về y tế giảm bớt.
Chính sách ứng phó của Mỹ
Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp kinh tế nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, với mức độ chưa từng có trong tiền lệ. Cụ thể:
Chính sách tiền tệ: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện cắt giảm lãi suất, đưa ra các biện pháp nới lỏng định lượng không giới hạn và triển khai các công cụ cũ (đã được sử dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009) và các công cụ mới nhằm duy trì hoạt động thị trường tài chính.
Chính sách tài khóa: Cho đến nay, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã ban hành 6 dự luật lớn, trị giá khoảng 5,3 nghìn tỷ USD để giúp ứng phó với đại dịch và giảm nhẹ gánh nặng kinh tế cho các gia đình và doanh nghiệp, gồm:
(i) Kế hoạch giải cứu Hoa Kỳ: Được ban hành vào ngày 11/3/2021 cung cấp thêm 1,9 nghìn tỷ USD cứu trợ Liên bang trong nhiều lĩnh vực. Một số điều khoản chính của dự luật như:
- Thanh toán trực tiếp cho cá nhân (411 tỷ USD). Khoản thanh toán 1.400 USD sẽ được gửi cho những người đóng thuế cá nhân có thu nhập lên đến 75.000 USD (2.800 USD cho các cặp vợ chồng có thu nhập lên đến 150.000 USD), cộng thêm 1.400 USD cho mỗi đứa trẻ đủ tiêu chuẩn. Khoản thanh toán sẽ tăng dần đối với thu nhập lên đến 80.000 USD (160.000 USD cho các cặp vợ chồng đã kết hôn).
- Viện trợ trực tiếp cho chính quyền bang, địa phương và bộ lạc (362 tỷ USD).
- Gia hạn trợ cấp thất nghiệp (203 tỷ USD). Các chương trình thất nghiệp hiện đang áp dụng, bao gồm cả khoản trợ cấp thất nghiệp hàng tuần bổ sung 300 USD, thời hạn kéo dài đến hết ngày 6/9/2021.
- Ưu đãi thuế (176 tỷ USD). Luật này tăng cường đáng kể các khoản tín dụng thuế hiện có, chủ yếu là cho một năm.
- Các biện pháp dành riêng cho sức khỏe (174 tỷ USD). Cụ thể là tài trợ cho việc phân phối vắc-xin, xét nghiệm COVID-19, truy tìm liên lạc và các biện pháp y tế công cộng khác. Chính sách này cũng bao gồm các điều khoản để giảm phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và mở rộng phạm vi bảo hiểm cho một số người lao động.
- Hỗ trợ giáo dục (170 tỷ USD). Phần lớn là để giúp các trường K-12 mở cửa trở lại một cách an toàn; các trường cao đẳng và các cơ sở giáo dục đại học khác cũng sẽ nhận được tài trợ.
- Các chương trình khác (301 tỷ USD), bao gồm tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ cho thuê khẩn cấp, hỗ trợ thế chấp và cứu trợ để ngăn chặn tình trạng vô gia cư.
(ii) Năm dự luật được ban hành trước Kế hoạch Giải cứu Mỹ, bao gồm:
- Đạo luật bổ sung ứng phó với đại dịch COVID-19: Được ban hành vào đầu tháng 3/2020, cung cấp 8,3 tỷ USD tài trợ khẩn cấp cho các cơ quan y tế công cộng và nghiên cứu vắc-xin.
- Đạo luật ứng phó với đại dịch COVID-19 dành cho hộ gia đình: Được ban hành vào ngày 18/3/2020, cung cấp hỗ trợ kinh tế cho những người có nhu cầu. Đạo luật tổng trị giá 192 tỷ USD để tăng cường trợ cấp cho bảo hiểm thất nghiệp và an ninh lương thực; cung cấp bảo hiểm miễn phí cho xét nghiệm COVID-19 theo các chương trình y tế của Chính phủ.
- Đạo luật viện trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế (CARES): Được ban hành vào ngày 27/3/2021. Đạo luật CARES trị giá khoảng 2 nghìn tỷ USD, để giải quyết tác động kinh tế ngắn hạn do dịch bệnh COVId-19 gây ra đối với các gia đình và doanh nghiệp. Đạo luật hướng tới hỗ trợ tài chính cho các công ty lớn (500 tỷ USD), chủ yếu là các công ty quan trọng đối với an ninh quốc gia và các lĩnh vực khó khăn của nền kinh tế; Hỗ trợ kinh tế cho các doanh nghiệp nhỏ (380 tỷ USD); Thanh toán trực tiếp cho người nộp thuế (290 tỷ USD). Những người đóng thuế có thu nhập hàng năm lên đến 75.000 USD... và mở rộng hơn nữa cho trợ cấp thất nghiệp (270 tỷ USD).
- Chương trình bảo vệ tiền lương và Đạo luật tăng cường chăm sóc sức khỏe: Được ban hành vào ngày 24/4/2020, với tổng trị giá 483 tỷ USD, cung cấp thêm 383 tỷ USD hỗ trợ kinh tế cho các doanh nghiệp nhỏ.
- Đạo luật hỗ trợ Liên bang, năm 2021 được ban hành vào ngày 27/12/2020, bao gồm 868 tỷ USD hỗ trợ của Liên bang để giúp giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19. Các thành phần của gói cứu trợ gồm: Viện trợ cho các doanh nghiệp nhỏ (302 tỷ USD); Thanh toán trực tiếp cho các cá nhân (164 tỷ USD); Tăng trợ cấp thất nghiệp (119 tỷ USD); Viện trợ cho các trường học (82 tỷ USD), trong đó 2/3 tổng số tiền là tài trợ cho các trường K-12 công lập và số còn lại là tài trợ cho giáo dục đại học; Các biện pháp dành riêng cho sức khỏe (78 tỷ USD); Các biện pháp khác (123 tỷ USD). Đạo luật này cũng bao gồm tài trợ cho phương tiện đi lại, tăng trợ cấp phiếu thực phẩm, hỗ trợ chăm sóc trẻ em bổ sung, hỗ trợ thuê nhà và các chương trình khác.
Chính sách ứng phó của Singapore
Singapore là nền kinh tế có độ mở lớn, giá trị giao dịch trong một năm gấp 3-4 lần tổng GDP, do đó, tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Singapore lớn hơn bất kỳ sự kiện nào khác trong 2 thập kỷ qua, bao gồm cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Singapore bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch COVID-19. Năm 2020, tăng trưởng nền kinh tế Singapore giảm ở mức kỷ lục 5,4%. Để ngăn chặn sự bùng phát đại dịch COVID-19, Chính phủ Singapore đã thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực doanh nghiệp và người lao động. Vì vậy, giữa tháng 2/2020, Chính phủ Singapore đã đưa ra một số giải pháp để hỗ trợ các đối tượng này. Cụ thể:
Chính sách tài khóa: Chính phủ Singapore thông qua gói phục hồi nền kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, với giá trị 11 tỷ đô la Singapore. Tập trung vào nhiệm vụ trước mắt là phục hồi nền kinh tế về mức trước khi bùng phát dịch bệnh COVID-19. Gói tài khóa này gồm 4,8 tỷ đô la Singapore dành để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và mở cửa lại nền kinh tế một cách an toàn; hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp khi cần thiết, và hỗ trợ cho các lĩnh vực còn nhiều khó khăn, bao gồm:
- Hỗ trợ doanh nghiệp: Tại Singapore một số biện pháp tài khóa đã được triển khai để giúp các doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19. Chính phủ Singapore đã giới thiệu Chương trình cho vay bắc cầu, trong đó, Chính phủ chịu phần lớn rủi ro đối với các khoản vay do các tổ chức tài chính tham gia cung cấp cho các công ty.
- Hỗ trợ cho các hộ gia đình: Hỗ trợ của Chính phủ Singapore cho các hoạt động hộ gia đình để duy trì cuộc sống của họ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát; thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế. Một số biện pháp tài khóa từ phía cầu này có thể dưới dạng trợ cấp cho các cá nhân và hộ gia đình, bên cạnh các biện pháp từ phía cung như giảm thuế và phí, Singapore cũng giảm thuế cho các hộ gia đình và cá nhân.
Đối với những người tự kinh doanh và những người lao động có thu nhập thấp, các chương trình hỗ trợ do đại dịch gây ra bao gồm: Chương trình giảm nhẹ thu nhập cho người làm việc tự do và Thanh toán đặc biệt cho việc làm. Ngoài ra, Chính phủ Singapore còn kích hoạt các chương trình khác như SGUnited Jobs và SGUnited Traineeships, để hỗ trợ người dân tìm được việc làm và tăng khả năng tuyển dụng cho sinh viên mới tốt nghiệp.
- Hỗ trợ xã hội: Chính sách này được cung cấp trên nhiều mặt. Các khoản thanh toán bằng tiền mặt phổ biến theo quy mô lũy tiến từ 600 đô la Singapore đến 1200 đô la Singapore, với những cá nhân giàu có hơn nhận được ít hỗ trợ hơn. Các khoản thanh toán bổ sung bằng tiền mặt đã được trao cho người Singapore từ 50 tuổi trở lên và cho các bậc cha mẹ có con nhỏ. Những người Singapore sống trong các căn hộ nhà ở công cộng nhỏ hơn đã được tặng phiếu mua hàng tạp hóa và cũng có thêm tiền tài trợ cho các cơ quan hỗ trợ xã hội khác nhau. Trợ cấp Hỗ trợ COVID-19 cũng được giới thiệu cho những người bị mất việc làm, hoặc bị thiệt hại thu nhập đáng kể vì đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Chính phủ Singapore còn cung cấp Trợ cấp bữa ăn cho trẻ em, với chi phí lên tới 2 triệu đô la Singapore. Các khoản trợ cấp và hỗ trợ được giải ngân đã làm giảm hệ số Gini (mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân và hệ kinh tế trong một nền kinh tế) của Singapore từ 0,398 năm 2019 xuống 0,375 vào năm 2020.
- Hỗ trợ cho các nỗ lực về công nghệ và số hóa: Chính phủ Singapore đã dành khoản đầu tư 300 triệu đô la Singapore để thúc đẩy Startup SG Equity và khoảng 800 triệu đô la Singapore tài trợ tư nhân trong thập kỷ tới để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực công nghệ mới nổi, chẳng hạn như sản xuất tiên tiến và nông nghiệp công nghệ thực phẩm...
Chính sách tiền tệ: Ngày 14/2/2020, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) yêu cầu các ngân hàng và công ty bảo hiểm ở Singapore triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tiếp đó, ngày 31/3/2020, MAS và ngành Tài chính đưa ra gói biện pháp chi tiết để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID 19.
Gói này gồm 3 hợp phần: (i) Giúp các cá nhân đáp ứng các cam kết về khoản vay và bảo hiểm; (ii) Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục tiếp cận tín dụng ngân hàng và bảo hiểm; (iii) Đảm bảo thị trường tài trợ liên ngân hàng duy trì tính thanh khoản và hoạt động tốt. Gói thứ 2 được công bố vào ngày 30/4/2020 mở rộng phạm vi cứu trợ cho các cá nhân sang một loạt các cam kết cho vay.
Ngày 7/4/2020, MAS thông báo điều chỉnh các yêu cầu quy định và chương trình giám sát được lựa chọn, cho phép các tổ chức tài chính đối phó tốt hơn với các vấn đề liên quan đến đại dịch. Ngày 5/10/2020, MAS và ngành tài chính tiếp tục công bố gói hỗ trợ mở rộng cho các cá nhân và cần thêm thời gian để tiếp tục hoàn trả các khoản vay. Đầu năm 2021, các nhà chức trách Singapore thông báo rằng, các công ty siêu nhỏ và nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 có thể đăng ký Chương trình đơn giản hóa khả năng thanh toán để giúp cơ cấu lại các khoản nợ của họ hoặc tạo điều kiện cho việc xoay vòng có trật tự; tham gia đàm phán lại các hợp đồng nhất định như hợp đồng cho thuê hoặc giấy phép đối với tài sản thương mại, theo Khung điều chỉnh lại.
Một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Từ kinh nghiệm của hai quốc gia trên và theo thống kê, thực tiễn tại Việt Nam có thể đưa ra một số kiến nghị sau: Đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19. Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đồng thời ứng phó hiệu quả với tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện các giải pháp nhằm nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân, cụ thể:
Chính sách tài khóa: Năm 2020, trước bối cảnh các doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ tài khóa đối với doanh nghiệp như: Gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt) và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường), phí, lệ phí và tiền thuê đất. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng…
Đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã ban hành nghị định về gia hạn thuế, đó là Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ngày 19/4/2021 quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19. Theo đó, tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế là 115.000 tỷ đồng.
Nghị định quy định thời gian gia hạn cụ thể như sau gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ tháng 3 đến tháng 6/2021 và quý I,II/2021; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT tháng 7/2021, gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT tháng 8/2021; gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp quý I,II của kỳ tính thuế TNDN năm 2021; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2021 chậm nhất là ngày 31/12/2021; gia hạn 6 tháng tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021...
Hiện nay, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại và có diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và các hộ, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí...
Tình hình này đặt ra nhiều thách thức cho việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021, cũng như thời tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, Bộ Tài chính đã nghiên cứu trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 như chính sách giảm số thuế TNDN phải nộp của năm 2021; giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động kinh doanh của quý III, IV/2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh; giảm thuế GTGT đối với một số nhóm lĩnh vực dịch vụ bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh; miễn tiền chậm nộp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
Chính sách tiền tệ: Hướng tới mục tiêu duy trì xu hướng ổn định nền kinh tế, ngân hàng nhà nước tập trung vào các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp (giảm lãi suất, miễn giảm phí, cơ cấu nợ...) khi tăng trưởng kinh tế như: Giảm các mức lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế; Cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn/giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Văn bản số 1370/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19...
Theo nhận định của giới chuyên gia, các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của Chính phủ thời gian qua có ý nghĩa tích cực đến tâm lý người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, từ nghiên cứu kinh nghiệm trong triển khai các chính sách ứng phó của Hoa Kỳ và Singapore, tác giả đưa ra một số khuyến nghị về chính sách đối với Việt Nam như sau:
Thứ nhất, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng với chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội trên tinh thần tận dụng tối đa và hiệu quả các nguồn lực. Hình thành rõ các gói chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn và các gói chính sách giải cứu nền kinh tế trong dài hạn.
Các chính sách cần tập trung ưu tiên việc phòng chống sự lây lan của bệnh dịch COVID-19; tập trung giải quyết giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an sinh xã hội, tạo các điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu và chuẩn bị năng lực đầu tư, hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh...
Thứ hai, việc điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cần tuân theo nguyên tắc: quy mô phù hợp, lộ trình hợp lý và phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô. Cụ thể là cần tính tổng thể gói chính sách đang được thực hiện để xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thời gian tới. Đồng thời, xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách hỗ trợ để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế.
Quan trọng hơn, trước khi ban hành gói chính sách mới cần tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện hành. Các chính sách tiền tệ cũng cần hướng trọng tâm vào việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Các chuyên gia nhận định nền kinh tế đang tăng trưởng 2 tốc độ. Một số nước tăng trưởng nhanh như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu nhưng một số nước rất chậm do bao phủ vắc-xin còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu sang năm 2022 các nước lớn lại thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khá lớn, nguy cơ lỡ nhịp phục hồi kinh tế của thế giới…
Thứ tư, đại dịch COVID-19 là tác nhân tạo ra những thay đổi, thúc đẩy tái cấu trúc lại nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy ứng dụng công nghệ Cách mạng Công nghiệp 4.0 để tiếp tục tồn tại và phát triển bền vững. Do vậy, ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19, những hỗ trợ cho các nỗ lực về công nghệ và số hóa là rất cần thiết, điều đó có thể giúp nền kinh tế Việt Nam tạo ra lợi thế cạnh tranh thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, từ phản ứng chính sách của Hoa Kỳ và Singapore có thể rút ra một số các kinh nghiệm cho Việt Nam trong ứng phó với tác động của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới như sau:
- Chính sách của các nước đưa ra nhằm hỗ trợ cho hoạt động chống dịch bệnh COVID-19: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, mỗi đồng chi tiêu cho công tác phòng, chống dịch bệnh đều có thể mang lại ngoại ứng tích cực vô cùng lớn. Sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh là điều kiện căn bản để hồi phục các hoạt động kinh tế. Nghiên cứu của Correria và cộng sự (2020) về tác động của dịch cúm 1918 cũng ủng hộ luận điểm trên, các địa phương phản ứng sớm và quyết liệt nhất trong việc chống dịch bệnh không chỉ giảm thiểu được những thiệt hại về người, mà còn tăng trưởng nhanh hơn trong giai đoạn hậu dịch bệnh.
- Chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu ổn định đời sống của người: Sự đình trệ trong sản xuất và sinh hoạt của người dân xuất phát từ ảnh hưởng của các biện pháp phòng dịch. Do vậy, các quốc gia sử dụng hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền trong giai đoạn cao điểm chống dịch để giúp người dân đảm bảo những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì khả năng thanh toán, hỗ trợ trả lương cho người lao động trong khoảng thời gian ngưng việc cũng được các nước áp dụng.
- Chính sách tiền tệ là công cụ hỗ trợ, ngăn ngừa đổ vỡ tài chính trong ngắn hạn: Chính sách tiền tệ với đặc điểm là có độ trễ lớn, do đó sẽ chỉ phát huy tác dụng kích thích kinh tế khi các quốc gia bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, vai trò chủ yếu của chính sách tiền tệ là đảm bảo hệ thống tài chính vận hành thông suốt, duy trì khả năng thanh khoản của các tổ chức tài chính, hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với kinh tế-xã hội Việt, tháng 2/2020;
2. Cấn Văn Lục và các cộng sự (2020), Báo cáo đánh giá về tác động của dịch bệnh COVID-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam, tháng 3/2020;
3. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2020), Hội thảo Đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách, ngày 3/4/2020;
4. ADB (2021), COVID-19 : The impact on the Economy and policy responses: A review, ADBI Working Paper Series, No 1236, March 2021;
5. IMF (2021), Recovery During a Pandemic Health Concerns, Supply Disruptions, and Price Pressures, World economic outlook, October 2021.
(*) Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 11/2021.