Cẩn trọng với giá ảo nhà đất
Việc giá bán được chào cao đột biến ở một số khu vực do đội ngũ “cò” làm giá chỉ là hiện tượng cục bộ, không phổ biến trên diện rộng...
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết, giá đất nền đã chứng kiến sự phục hồi đầu tiên kể từ thời điểm năm 2014, và từ đó đến nay, giá giao dịch tăng liên tục, nhưng mức tăng không đột biến. Mức tăng giá trong giai đoạn 2016 đến quý I/2017 so với năm 2015 được ghi nhận ở mức 30-40% tại TP. Hồ Chí Minh. Do đó, đại diện JLL không cho rằng đang xuất hiện một cơn sốt ảo giá đất trên toàn thị trường này.
Mặc dù vậy, vẫn có một số ý kiến khác cho rằng trong 12 - 18 tháng qua, giá đất tại nhiều quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh đã tăng mạnh trên diện rộng với tỷ lệ tăng khá mạnh, thấp nhất 15 - 30% và cao nhất vọt lên gấp 1,5-2 lần chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là giá chào bán được đưa ra bởi một số môi giới ở vài khu vực trên địa bàn thành phố, theo sau các thông tin về quy hoạch hạ tầng hay các dự án bất động sản quy mô lớn.
Theo phân tích của các chuyên gia, trong ba năm gần đây, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự phát triển đáng kể và thay đổi rõ nét về hạ tầng và hiệu suất của nhiều mảng, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư, nhà phố, biệt thự xây sẵn, mặt bằng bán lẻ. Hạ tầng giao thông được cải thiện, kết nối tốt hơn các khu vực ngoại thành và khu trung tâm, kéo theo sự tăng trưởng về lượng mở bán và lượng giao dịch ở nhiều phân khúc.
Bên cạnh đó, phải kể đến việc nhiều trung tâm thương mại được mở ra và nhiều nhãn hàng bán lẻ, kinh doanh hàng hóa lẫn dịch vụ ăn uống, giải trí triển khai rầm rộ ở khu vực ngoại thành. Những cải thiện này, qua thời gian lại tác động tích cực đến tâm lý mua nhà để ở tại các quận xa trung tâm, kéo theo những tăng trưởng ở các phân khúc thị trường như một vòng tuần hoàn. Với lý do chính là hạ tầng kết nối tốt, kết hợp với cung cầu gặp nhau đã kéo theo việc gia tăng giá cả.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, những cải thiện về hạ tầng như các dự án cầu đường quan trọng ở phía Đông, đặc biệt là tuyến Metro số 1, dự án cầu vượt thép trên phạm vi toàn thành phố, các dự án nâng cấp và cải tạo cầu, đường, kênh ở phía Tây... đã khiến cho hiệu suất kinh doanh của nhiều mảng thị trường bất động sản tăng nhanh.
Đồng thời, các chủ đầu tư đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thay đổi suy nghĩ của khách hàng về chất lượng, dịch vụ, giá cả, hỗ trợ tài chính... Vì vậy, đã tạo niềm tin cho người mua nhà đưa ra quyết định “xuống tiền”.
Theo Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (Horea), các dự án hạ tầng quan trọng trong những năm qua, cùng với nhiều dự án đang được xây dựng, sẽ tiếp tục đem lại tác động tích cực đến thị trường. Vì vậy, giá nhà nhiều khả năng sẽ còn tăng thêm trong thời gian ít nhất 1 - 2 năm nữa. Tuy nhiên, việc giá bán được chào cao đột biến ở một số khu vực do đội ngũ “cò” làm giá chỉ là hiện tượng cục bộ, không phổ biến trên diện rộng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea nhận định, người mua nhà, qua các đợt khủng hoảng trước, cùng với sự phát triển của các hệ thống thông tin thị trường, đã có nhiều kinh nghiệm, cũng như suy xét cẩn trọng hơn trước khi bỏ tiền vào nhà đất.