Cần xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mô hình nhà dưỡng lão

Huy An

Nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người già đang ngày càng gia tăng cả về chất và lượng trong bối cảnh tốc độ già hóa tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu này, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mô hình nhà dưỡng lão chăm sóc người cao tuổi.

Khoảng 36% người cao tuổi cho biết họ và gia đình sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Khoảng 36% người cao tuổi cho biết họ và gia đình sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Nhu cầu về nhà ở dưỡng lão đang tăng lên

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Sự thay đổi nhân khẩu học này không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức sinh đã giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua, từ 3,8 con vào năm 1989 xuống dưới 2 con vào năm 2023. Trung bình trong giai đoạn 2009 - 2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm.

Thực trạng này đặt ra thách thức với mọi khía cạnh kinh tế - xã hội, bao gồm thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút..., nhất là thách thức về tăng cường phát triển các mô hình dưỡng lão, đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi đang ngày càng tăng.

Đặc biệt, nhu cầu này càng trở nên cấp thiết khi cấu trúc gia đình đang thay đổi rõ rệt với tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con cháu đang ngày một giảm dần, ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

Cùng với sự phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng hiện đại, định kiến về nhà dưỡng lão cũng đã dần thay đổi, theo hướng tích cực hơn. Nhu cầu về nhà ở dưỡng lão đang tăng lên không ngừng cả về số lượng và chất lượng.

Kết quả khảo sát từ báo cáo về người cao tuổi của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc và Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, khoảng 36% người cao tuổi cho biết họ và gia đình sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Việc lựa chọn chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc, cả bán trú và nội trú sẽ tăng lên trong thời gian tới, bao gồm cả mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà, tại cộng đồng và tại các cơ sở chăm sóc. Nhất những người cao tuổi kiếm được nhiều tiền trước khi họ về hưu.

Tại Việt Nam, số lượng cơ sở chăm sóc hay cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi nói chung, số lượng cơ sở tư nhân nói riêng còn hạn chế so với tiềm năng. Theo thống kê, hiện tại, cả nước chỉ có khoảng trên 400 viện dưỡng lão, với khoảng 50% là các trung tâm từ thiện hoặc trung tâm do nhà nước đầu tư.

Khuyến khích xây dựng “nhà ở đặc biệt” cho người già

Để đảm bảo đủ số lượng cơ sở và chất lượng chăm sóc cho người cao tuổi, VARS cho rằng, Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các mô hình nhà dưỡng lão chăm sóc người cao tuổi.

Nhà dưỡng lão loại hình “nhà ở đặc biệt” nên cần một sự quan tâm đặc biệt. Giống như nhà ở xã hội, Nhà nước cần xem xét, cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc không lãi suất cho các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư xây dựng và vận hành nhà dưỡng lão. Đồng thời, cần tạo Quỹ hỗ trợ từ Chính phủ để cung cấp các khoản tài trợ hoặc bảo lãnh tín dụng cho các dự án phát triển nhà dưỡng lão.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính…

Cùng với đó, xây dựng quy định pháp lý rõ ràng và minh bạch về tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động của nhà dưỡng lão.

Ngoài các nội dung trên, VARS khuyến nghị cần khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) theo hướng mở rộng lĩnh vực đầu tư chăm sóc người cao tuổi; tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này; tận dụng nguồn lực của cả nhà nước và tư nhân trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ cho nhà dưỡng lão…