Căng thẳng kinh tế thế giới: Biến thách thức thành cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Theo Thu Phương/nhadautu.vn

Cả hai quốc gia Mỹ - Trung đều đang "ngấm đòn" từ cuộc chiến thương mại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cuộc chiến này cũng có thể trở thành cơ hội cho những doanh nghiệp tại các nước thứ ba như Việt Nam nếu biết tận dụng thời cơ.

Cả hai quốc gia Mỹ - Trung đều đang "ngấm đòn" từ cuộc chiến thương mại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguồn: internet
Cả hai quốc gia Mỹ - Trung đều đang "ngấm đòn" từ cuộc chiến thương mại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguồn: internet

Chiến tranh thương mại: Mỹ - Trung cùng ngấm đòn

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) chính thức tháng 9/2018 do chính phủ Trung Quốc công bố ghi nhận mức thấp nhất trong hai năm qua, không tính các tháng nghỉ lễ. Tờ Nikkei Asian Review nhận xét, đây là chỉ báo cho thấy ngành sản xuất nước này bắt đầu chịu tác động của căng thẳng thương mại với Mỹ.

Trước đó số liệu của Bloomberg cũng cho thấy tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc suy giảm trong tháng 8 và tháng 9. Các công ty tư nhân đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các doanh nghiệp nhà nước, và bức tranh toàn cảnh cho các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tồi tệ hơn so với các số liệu thống kê chính thức về tăng trưởng.  

Trung Quốc cam kết sẽ kích thích tài khóa bằng cách cắt giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng để bảo vệ nền kinh tế trước những ảnh hưởng của xung đột thương mại. NHTW Trung Quốc được dự báo sẽ tăng thanh khoản cho hệ thống tài chính. 

Với sự leo thang của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lên kế hoạch rút khỏi Trung Quốc. Theo hãng tin Bloomberg, nhiều tập đoàn công nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới sản xuất thiết bị điện tử của Đài Loan như Compal, Inventec…. đã sẵn sàng để rút khỏi lãnh thổ Trung Quốc, chuyển đến Đông Âu, Mexico và Đông Nam Á.

Thực tế đã có một số “gã khổng lồ” rời khỏi Trung Quốc Đại lục. Tiêu biểu như ngày 16/7, nhà máy ở Tô Châu của Omron Nhật Bản đã thông báo ngừng sản xuất vĩnh viễn từ ngày hôm đó. Tháng 6 năm nay, cơ sở Samsung Thâm Quyến của Hàn Quốc cũng đóng cửa. Cuối tháng 5, công ty Philips của Hà Lan cũng đóng cửa nhà máy tại Thâm Quyến. Cũng trong tháng 5, tập đoàn Olympus đóng cửa nhà máy Thâm Quyến.

Đầu năm nay, hai “gã khổng lồ” thế giới của Nhật Bản là Điện tử Nitto Denko và Nikon đã nối gót nhau rời khỏi Tô Châu; trước đó, Panasonic, Sharp, Toshiba, Philips, Sony, Honeywell Security, Seagate, đều lần lượt đẩy mạnh rút khỏi Trung Quốc đại lục.

Hiện nay, chẳng hạn như Pou Chen Đài Loan; Samsung Electronics, LG Electronics (LG) của Hàn Quốc; Nikon, Toshiba, Sony, của Nhật Bản đều đã chuẩn bị sẵn sàng rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để chuyển sang khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Brazil có mức lương thấp hơn; họ cũng có kế hoạch trực tiếp xây dựng các nhà máy sản xuất tại các thị trường chính như Mỹ, Liên minh châu Âu.

Tổng cộng chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và Trung Quốc đáp lại cũng đã đánh thuế lên 110 tỷ USD hàng Mỹ.

Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Donald Trump phát động cũng đang khiến nhiều mặt hàng ở Mỹ tăng giá do các nhà sản xuất chuyển chi phí thuế nhập khẩu sang người tiêu dùng.

Tờ The Wall Street Journal cho biết người tiêu dùng ở Mỹ bắt đầu cảm nhận được sức nóng của chiến tranh thương mại khi hàng loạt mặt hàng từ nước ngọt, bia cho đến ô tô, máy kéo tăng giá do Mỹ áp các mức thuế phạt nhắm vào nhôm, thép của nước ngoài cũng như các linh kiện từ Trung Quốc.

Khi chi phí tăng do thuế nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện tăng, các nhà sản xuất ở thường phải đưa ra lựa chọn: hoặc là chấp nhận gánh chi phí và chứng kiến lợi nhuận giảm hoặc chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tăng giá bán sản phẩm do chi phí nhập khẩu nhôm thép và linh kiện tăng. Hãng nước giải khát Coca-Cola mới đây thông báo tăng giá bán bán sản phẩm đối với nhà bán lẻ ở Bắc Mỹ vì chi phí sản xuất tăng gồm cước vận chuyển cũng như chi phí nhựa và nhôm.

 

Từ đầu năm đến nay, giá thép và giá nhôm tại Mỹ đã lần lượt tăng 33% và 11% sau khi ông Trump áp thuế nhập khẩu với thép và nhôm lần ở mức 25% và 10% của nước ngoài hồi tháng 3. Ngoài ra, mức thuế nhập khẩu 25% đánh vào một loạt linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc hồi đầu tháng 7 cũng làm tăng chi phí sản xuất của các công ty Mỹ sử dụng chúng để lắp ráp sản phẩm.

“Chúng tôi phải tìm cách tiếp thị thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn khi giá bán sản phẩm của chúng tôi tăng lên trong thời gian gần đây”, Michael Happe, giám đốc điều hành công ty Winnebago Industries chuyên sản xuất xe nhà lưu động (xe được thiết kế như ngôi nhà di động) ở bang Iowa, nói. Ông không tiết lộ Winnebago Industries tăng giá bán bao nhiêu phần trăm nhưng cho biết đang tiến hành một số thay đổi bao gồm chỉnh sửa mặt bằng sàn xe để cắt giảm chi phí.

Công ty này kinh doanh khấm khá nhờ doanh số bán xe nhà lưu động tăng vọt trong những năm gần đây khi nhu cầu của những khách hàng trẻ tăng lên. Winnebago Industries cho biết đang chi ít nhất 25 triệu USD để mở rộng sản xuất. Song Happe cho biết các biện pháp áp thuế vào các mặt hàng nhôm thép, các căng thẳng thương mại ngày càng lan rộng và lạm phát gia tăng đang phủ một bóng đen lên triển vọng tăng trưởng của Winnebago Industries.

Nhờ gói cắt giảm thuế doanh nghiệp mà Tổng thống Donald Trump thông qua vào cuối năm ngoái, nhiều doanh nghiệp lớn ở Mỹ đã báo lãi lớn trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, ông Ed Yardeni, giám đốc chiến lược đầu tư ở công ty Yardeni Research ở New York, cho rằng chiến tranh thương mại càng kéo dài thì lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ khó mà tiếp tục tục duy trì.

Biến thách thức thành cơ hội

Trong báo cáo mới được công bố, công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) cho rằng tranh chấp thương mại leo thang sẽ khiến bất động sản công nghiệp Mỹ, Trung sẽ giảm tốc nhưng Việt Nam lại hưởng lợi.

Cụ thể theo JLL, trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, các nhà đầu tư đang rất e ngại bất động sản công nghiệp bởi lẽ đây là phân khúc chịu ảnh hưởng trực tiếp trong ngành bất động sản thương mại.

Ông Ryan Severino, Trưởng phòng Kinh tế của JLL cho biết thuế quan, cụ thể là hàng rào thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, là một “chi phí tăng thêm nhằm kiềm chế tiêu dùng, từ đó làm giảm nhu cầu về kho bãi để lưu trữ hàng hóa”.

Dù vậy, động thái này khó có thể kìm lại sự tăng trưởng của bất động sản công nghiệp khi mà ngành thương mại điện tử hiện đang bùng nổ và các công ty công nghệ liên tục săn tìm nhà xưởng.

“Trong quý đầu tiên của năm 2018, tỷ lệ trống của khu công nghiệp tại Trung Quốc giữ mức thấp kỷ lục 4,8%. Ngược lại, hàng rào thuế gần như kéo GDP thực ở Mỹ giảm khoảng 10 điểm phần trăm trong vòng 12 đến 18 tháng tới, kéo theo sự sụt giảm 20 điểm phần trăm về tăng trưởng giá thuê công nghiệp”, ông Severino nhận định.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng giá thuê đất công nghiệp tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong những điểm đến tiếp theo cho các nhà đầu tư, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi với Trung Quốc và chi phí lao động phải chăng.

Còn theo phân tích từ một công ty chứng khoán, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang lên quy mô toàn diện, cơ hội sẽ đến với rất nhiều nước khác trong vai trò thay thế các mặt hàng xuất khẩu vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này, qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là cần quản lý chặt, tránh hiện tượng hàng Trung Quốc “mượn” Việt Nam như một nước trung chuyển để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ, tiêu biểu là các mặt hàng sắt thép, đồ gỗ nội thất. Nếu để điều này xảy ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng “vạ lây” khi Mỹ tiến hành áp thuế trừng phạt.