Cánh cửa hẹp dần cho hàng Việt
Cuộc đổ bộ của hàng loạt hệ thống bán lẻ nước ngoài đang buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi toàn diện.
Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, tổng doanh thu bán lẻ năm 2015 của Việt Nam đạt hơn 2,46 triệu tỷ đồng (tương đương 110 tỷ USD) và dự báo tăng lên 140 tỷ USD vào năm 2020.
Việt Nam từng được đánh giá là thị trường bán lẻ vào loại hấp dẫn nhất hành tinh, nên người tiêu dùng được nhiều doanh nghiệp, cả nội lẫn ngoại săn đón nhiệt tình. Hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ của các tập đoàn Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Mỹ… mọc lên với tốc độ chóng mặt.
Kênh bán lẻ: Ưu tiên cho hàng nhập
Vẫn theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, thị phần bán lẻ hiện đại tại Việt Nam mới chiếm khoảng 25%. Dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 điểm và cửa hàng tiện ích lên đến hàng chục ngàn.
Hiện nay, trên 20 nhà bán lẻ nước ngoài đang hoạt động và sở hữu hơn 350 cửa hàng tiện lợi, 100 siêu thị và trung tâm mua sắm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ước tính, doanh thu của các doanh nghiệp ngoại đã chiếm khoảng 40% thị trường.
Mặc dù khi thâu tóm các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, các tập đoàn ngoại đều công bố vẫn tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và hàng Việt Nam, nhưng trên thực tế, không bao lâu sau khi hệ thống Metro chuyển sang tay người Thái, hàng hóa Thái Lan phủ kín nhiều kệ hàng. Hàng Thái cũng có mặt tại các trung tâm mua sắm và cửa hàng tiện lợi như Robins, B’s mart và sắp tới sẽ là Big C.
Tương tự, người tiêu dùng trong nước cũng dễ dàng mua được những sản phẩm từ thịt bò đến quần áo, trái cây, hàng điện tử… của Hàn Quốc ở các siêu thị Lotte Mart, Emart hoặc có thể mua hàng của Nhật Bản tại hệ thống Aeon Mall, Citimart. Đặc biệt, các siêu thị ngoại đang tìm mọi cách để thu phí, tăng phí đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, khi các nhà đầu tư ngoại nắm được hệ thống phân phối, bán lẻ thì việc ưu tiên cho hàng hóa nước họ là đương nhiên. Chính đại diện của Tập đoàn BJC của Thái Lan khi mua Metro đã tuyên bố hệ thống siêu thị này sẽ bán 60% hàng Thái.
Ông Phú dẫn một thống kê của Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, 75% hàng điện máy ở các trung tâm bán lẻ, cửa hàng là hàng Thái Lan; 40% hoa quả là của Thái Lan.
Theo ước tính của ông Phú, với việc nắm trong tay hàng loạt trung tâm phân phối và bán lẻ, từ Metro đến Big C, B’s mart thì người Thái đã nắm hơn 50% thị trường bán lẻ Việt Nam. Phần còn lại cũng được chia sẻ nhiều cho các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Đài Loan…
Bên cạnh các vị trí đẹp, các doanh nghiệp nước ngoài còn thường xuyên tổ chức chương trình khuyến mại và có dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi chu đáo. Sự “đồng tâm hiệp lực” này khiến cho hàng Việt ngày càng bị lép vế và kém thu hút trong mắt người tiêu dùng nội địa.
Khi hàng hóa không còn được bày bán nhiều, hệ quả là sản xuất cũng dần dần bị thu hẹp. Do vậy, không chỉ thị phần bán lẻ mà cả hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong nước cũng co lại.
5 năm mở 49 siêu thị
Lotte (Hàn Quốc) khai trương siêu thị Lotte Mart đầu tiên tại Việt Nam ở tòa nhà tại Q.11 (TP. Hồ Chí Minh) vào năm 2008. Khoảng 3 năm sau, năm 2011, Lotte mới mở siêu thị thứ hai tại Q.7, nhưng nhanh chóng bành trướng ra cả nước và đến nay đã có tổng cộng 11 trung tâm thương mại – siêu thị trên cả nước.
Lotte đã có mặt ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Phan Thiết, Đà Nẵng, Hà Nội, Vũng Tàu, Cần Thơ. Riêng TP. Hồ Chí Minh có 3 siêu thị, Hà Nội có 2.
Tuy nhiên, trong vòng từ 2016 đến 2020, nghĩa là 5 năm tới, theo như mục tiêu công khai trên trang web của mình, Lotte Mart sẽ mở cửa thêm 49 trung tâm thương mại (có siêu thị) nữa tại Việt Nam, nâng tổng số lên tới 60 siêu thị.
Sau Lotte, một doanh nghiệp phân phối khác của Hàn Quốc mới đây cũng chính thức hiện diện tại Việt Nam khi khai trương đại siêu thị đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh. Đó là Emart, thuộc Tập đoàn Shinsegae, ở quận Gò Vấp. Emart có diện tích hơn 3 ha với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD.
Còn Aeon của Nhật Bản khi vào Việt Nam từ năm 2011 bằng hình thức nhượng quyền thương hiệu, đã cùng với một doanh nghiệp trong nước để hình thành chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop, sau đó mở đại siêu thị Aeon Celadon ở TP. Hồ Chí Minh, tiếp đến là trung tâm mua sắm Aeon Canary Bình Dương và tấn công vào thị trường Hà Nội qua Aeon Long Biên.
Dự kiến đến năm 2020, Aeon sẽ có 20 đại siêu thị trên cả nước. Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2014, 26 siêu thị Citimart (của một nhà đầu tư trong nước) đã được gắn thêm tên Aeon; 15 siêu thị Fivimart (tập trung chủ yếu ở Hà Nội) cũng nhận đầu tư từ Aeon. Theo kế hoạch, đến năm 2025 sẽ có 500 siêu thị dưới tên Aeon – Citimart.
Siết điều kiện nhập hàng nội
Tại hội thảo “Tăng cường kết nối hàng Việt Nam với các kênh phân phối” do Bộ Công Thương cùng Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào giữa tháng 8/2016, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về hàng loạt điều kiện mà các siêu thị, đặc biệt là siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đưa ra.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food cho biết, trong khi mức chiết khấu tại nhiều siêu thị trong nước từ 10% trở xuống thì ở các siêu thị ngoại là từ 10 – 20%; thời gian thanh toán của các siêu thị nội phổ biến là 30 ngày thì tại các siêu thị ngoại từ 30 – 45 ngày, thậm chí có nơi còn kéo dài đến 90 ngày.
Hay trong khi một số siêu thị nội miễn phí chào thêm sản phẩm mới cho doanh nghiệp thì các siêu thị ngoại lấy phí rất cao. Đặc biệt, với các siêu thị ngoại, việc doanh nghiệp thông báo thay đổi giá sản phẩm là cực kỳ khó khăn, kéo dài đến 90 – 120 ngày.
Bà Lâm nhấn mạnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận hay thương lượng với các siêu thị nước ngoài. Vì vậy, bà đề nghị các siêu thị cần xem xét lại những khoản chi phí bất hợp lý, tăng cường việc giao lưu, chia sẻ thông tin thị trường giữa siêu thị với các nhà cung cấp.
Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cần xây dựng kênh phân phối cho riêng mình, mở rộng kênh phân phối khác để không quá lệ thuộc vào các siêu thị. Quan trọng hơn, Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ nội địa để mở rộng hệ thống siêu thị, đổi mới công nghệ và qua đó thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa Việt Nam nhiều hơn.
Đồng quan điểm trên, ông Ngô Minh Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn TH, cũng cho rằng, mức chiết khấu từ 12 – 20% của các siêu thị là quá cao. Chưa kể, hàng năm, các siêu thị đều nâng mức chiết khấu lên thêm 0, 5 – 2%.
Bên cạnh đó, chi phí kê khai sản phẩm mới và chi phí thuê mướn quầy kệ cũng quá cao khiến nhiều doanh nghiệp phải bỏ cuộc khi muốn đưa hàng vào siêu thị.
Còn theo bà Huỳnh Bảo Châu, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex, các doanh nghiệp phải trả hàng loạt chi phí gồm phí trưng bày, phí mở mã hàng mới, thuê quầy kệ, quảng cáo hay thưởng doanh số… và các mức phí cũng được tăng tùy tiện theo từng năm.
“Thị trường ngày càng dày đặc hệ thống phân phối ngoại khiến không riêng gì Cholimex mà nhiều doanh nghiệp khác đều có nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại, vì nhiều loại phí và mức chiết khấu đòi hỏi quá cao; có thể xem là chiêu thức loại bỏ dần sản phẩm Việt Nam ra khỏi siêu thị, một hình thức cạnh tranh không lành mạnh; cần có sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước”, bà Châu cho biết.
Bà Châu cũng đề nghị Bộ Công Thương đưa ra chính sách quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hàng năm của các nhà phân phối, đồng thời quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ, ưu tiên các điểm bán lẻ cho doanh nghiệp trong nước.
“Cửa” nào cho hàng Việt?
Trong một phiên chợ hàng Việt hồi tháng 8/2016 tại Trung tâm triển lãm Hoàng Văn Thụ, TP. Hồ Chí Minh, nhiều người tiêu dùng khá bất ngờ khi trong suốt khuôn viên hội chợ, rất hiếm tìm thấy những sản phẩm Việt Nam gây được ấn tượng với người dùng.
Hầu hết các gian hàng Việt được trưng bày theo kiểu gian tiêu chuẩn (3m x 3m); hàng hóa được chất đống, hoặc treo chồng lên nhau, ít được chăm chút cả về nội dung lẫn hình thức.
Ở gian hàng trẻ em, rất nhiều áo quần được bán “xôn”: 35.000 đồng/cái thu hút nhiều ông bố, bà mẹ trẻ mua sắm. Những gian hàng đặc sản kẹo chuối, bánh gạo, thốt nốt, cà phê… còn tranh thủ bày hàng của những đơn vị khác nhau để chia sẻ gánh nặng tiền thuê gian hàng.
Trong khoảng gần 100 gian hàng bán áo quần, giày dép, thực phẩm… có lẽ gian hàng giày của Tuấn Việt được bày trí đẹp nhất. Sự ít đầu tư chăm chút cho hình ảnh sản phẩm của những gian hàng khác khiến cho những sản phẩm Việt Nam tại hội chợ này nhìn chung thiếu sức sống và kém đẹp mắt hoặc không xứng giá trị trong mắt người tiêu dùng.
Chị Tố Như – người mua được chiếc áo kiểu với giá 100.000 đồng (trước đó người bán kêu giá 150.000 đồng), khoe với người viết: “Cái áo này nếu trưng bày đàng hoàng trong tiệm thời trang hoàn toàn có thể bán được với giá khoảng 300.000 đồng”.
Bà Bích Hường, người tự nhận là một người yêu hàng Việt, thường xuyên đi các hội chợ hàng Việt Nam nhận xét: “Những hội chợ hàng Việt quy tụ được nhiều doanh nghiệp Việt có tên tuổi với hàng hóa, chất lượng tốt ngày càng ít đi. Rất nhiều doanh nghiệp Việt không chú trọng đến hình ảnh thương hiệu, không biết nên xuất hiện ở đâu, như thế nào cho xứng tầm”.
Tại một cuộc hội thảo nói về câu chuyện thương hiệu diễn ra đầu tháng 8/2016 ở TP. Hồ Chí Minh, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, suốt 20 năm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, bà hiểu nỗi vất vả của doanh nghiệp khi tạo dựng thương hiệu.
Có những doanh nghiệp đã phải cạnh tranh cam go từng lúc, từng nơi trên sân nhà, lặn lội đến vùng sâu, vùng xa bán hàng cho nông dân, bởi đó là “thành trì cuối cùng” mà doanh nghiệp Việt phải ra sức bảo vệ trước sự tấn công của hàng ngoại.
Chia sẻ nỗi lo của các doanh nghiệp Việt, một chuyên gia thị trường (không muốn nêu tên) nói: “Ai cũng muốn rước nàng dâu xinh đẹp, ngoan hiền vô nhà. Nếu doanh nghiệp có sản phẩm tốt, thương hiệu mạnh, quản trị phù hợp, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ có “cửa” ở nhiều nơi trọng yếu. Quan trọng là doanh nghiệp định vị mình ở đâu trên thị trường? Doanh nghiệp đã làm đúng và làm hết sức chưa để người tiêu dùng yêu mến họ?”.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, họ đang cảm thấy rất cô đơn và gian nan trên hành trình dài xây dựng và phát triển thương hiệu, bởi nỗi lo trước mắt để tồn tại, sống sót trong khi cạnh tranh thì càng ngày càng gay gắt.
Các chuyên gia tư vấn thì cho rằng, dù nhà nước đóng vai trò điều hành, hoạch định chính sách, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh thuận lợi trên sân nhà, nhưng nhà nước không thể làm thay cho doanh nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, giá phù hợp.
Nhà nước càng không thể làm thay doanh nghiệp việc định vị bản sắc thương hiệu, định hướng sản phẩm thị trường… Chỉ khi các doanh nghiệp, các hiệp hội biết “khám bệnh” cho chính mình và cho nhau, biết tự làm mới mình để thay đổi bản thân, tạo ra nội lực tốt thì mới có thể cạnh tranh lâu dài với những doanh nghiệp ngoại.
Một chuyên gia còn cho rằng, cần nhìn nhận sự cạnh tranh như một phép thử sức khỏe của doanh nghiệp. Ông nói, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt không nên chỉ góp vài tiếng nói đâu đó tại hội thảo rồi thôi mà phải “xắn tay, vừa nói, vừa làm”, chạy nhanh và chạy đều mới có thể đua marathon với các doanh nghiệp quốc tế.
Kênh phân phối hiện đại chỉ là một kênh trong toàn hệ thống bán hàng của doanh nghiệp. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt phải tự đổi mới, thích nghi nhanh hơn với mọi sự thay đổi, nếu không sẽ chẳng có cánh cửa nào rộng mở đối với họ.