Cạnh tranh bằng “mặt cười” trên smartphone
Thay cho các biểu tượng cảm xúc emoji để “chát chít” đơn thuần, một số hãng điện thoại như iPhone, Samsung, Asus biến chúng trở nên sinh động, tạo nét riêng cho các mẫu điện thoại của hãng.
Gần đây, giới công nghệ đã chứng kiến các phiên bản emoji tích hợp công nghệ mới của các nhà sản xuất, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho người dùng.
Emoji mới lạ hơn
Hiểu đơn giản, emoji là các biểu tượng và hình mặt cười được sử dụng trong các đoạn hội thoại, dòng trạng thái trên tin nhắn điện tử và trang mạng. Chúng giống như những biểu tượng cảm xúc, có nguồn gốc từ điện thoại di động Nhật Bản những năm 1990. Đến khi iPhone phát triển các biểu tượng này, emoji ngày càng trở nên phổ biến bởi tính tiện dụng.
Khi các công nghệ về phần cứng như camera, cấu hình, dung lượng pin đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dùng, các nhà sản xuất smartphone tên tuổi đã tìm tòi những tính năng tốt hơn. Cụ thể năm 2017, khi công nghệ thực tế ảo (AR) và camera có tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) được ứng dụng rộng rãi thì Apple đã giới thiệu Animoji trên iPhone X, một biến thể của emoji. Animoji sử dụng tính năng “quét” khuôn mặt người dùng từ phần cứng Face ID để tạo ra các phiên bản 3D dựa trên biểu cảm khuôn mặt của chính người dùng.
Với sự xuất hiện của Animoji trên iPhone X, một số hãng khác nhanh chóng cập nhật tính năng này trên các thiết bị smartphone mới nhất. Giới công nghệ dự đoán, sau Samsung và Asus, các hãng khác cũng sẽ tung bộ sưu tập emoji mang nét riêng của mình.
Một số phiên bản emoji
Animoji trên iPhone X
Animoji là tính năng mà Apple dành riêng cho người dùng iPhone X, các “nhân vật” biểu cảm theo phong cách emoji có khả năng chuyển động dựa trên ứng dụng theo dõi nét mặt người dùng (Face ID). Hệ thống biểu tượng cảm xúc động này sẽ có sẵn trên iMessages chạy hệ điều hành iOS 11, người dùng có thể tạo mới các biểu tượng này tùy biểu hiện của mình ngay trong khi nhắn tin và gửi đi tức thời. Tất cả sẽ hoạt động theo thời gian thực và hoàn toàn có thể chỉnh sửa hoạt động của emoji trước khi gửi. Người nhận sẽ nhận được chúng dưới dạng đoạn video ngắn kèm cả âm thanh khá thú vị.
Với Animoji, những trải nghiệm của người dùng sẽ mang tính cá nhân hóa cao. Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống camera trước TrueDepth và các cảm biến 3D, các biểu cảm trên khuôn mặt sau khi được ghi lại sẽ được bộ Animoji tái hiện sinh động.
AR Emoji trên Galaxy S9-S9 Plus
Samsung đã bổ sung một tính năng mới với tên gọi AR Emoji, trong đó AR là thực tế ảo tăng cường. Hãng không thiết lập cụm camera phức tạp để hỗ trợ AR Emoji mà sử dụng một camera trước và phần mềm để “vẽ” khuôn mặt người dùng thành emoji rồi thực hiện một đoạn video mô phỏng biểu cảm gương mặt.
Theo đó, người dùng có thể mở camera lên, thực hiện một ảnh động hoặc video AR Emoji và chia sẻ chúng lên mạng xã hội. Người dùng có thể sử dụng AR Emoji ở bất kỳ đâu tùy thích.
Với AR Emoji, người dùng có thể tạo ra cáce mang đậm tính cá nhân bằng chính khuôn mặt của mình. AR Emoji trên Galaxy S9 có thể tạo biểu tượng của cá nhân người dùng, từ tùy chỉnh tông màu da, làm cho nó giống thật hay có nhiều nét hoạt hình, chọn trang phục, kiểu tóc, màu tóc… Đồng thời, Galaxy S9 cũng có bộ sưu tập hình mẫu mặc định để lựa chọn nếu không muốn tùy chỉnh cá nhân.
Zennimoji trên Zenfone 5-5Z
Asus sử dụng “linh vật” chú cú Zenny của hãng để tạo nên bộ emoji 3D dưới dạng tệp ảnh động mô phỏng những cử khỉ trên khuôn mặt người dùng.
Về công nghệ, Zennimoji khá giống AR Emoji trên chiếc Galaxy S9 của Samsung, dùng camera trước có tích hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và phần mềm xử lý để ghi lại biểu cảm của người dùng rồi mô phỏng lên “linh vật” Zenny. Người dùng cũng có thể sử dụng nhiều hình con vật khác như gấu, mèo…. để thay thế chú cú Zenny.
Ngoài ra, bộ Zenny Emoji còn tích hợp lên bàn phím Zen UI Keyboard, cho phép chia sẻ bộ emoji lên ứng dụng bên thứ ba như Facebook, Messenger,…