Cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp ngành gỗ dồn lực tăng năng suất
Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mẫu mã mới; tập trung kiện toàn bộ máy, tìm giải pháp nâng cao năng suất tiến tới tiết giảm chi phí… là một số giải pháp được doanh nghiệp ngành gỗ lựa chọn để tăng cạnh tranh, bứt phá phát triển.
Căng thẳng bài toán tồn tại và phát triển
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024.
Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Dù tín hiệu đầu năm 2024 khá lạc quan, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang đứng trước không ít khó khăn. Điển hình như, xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp khiến chi phí logistics gia tăng; các quy định về phòng, chống suy thoái rừng sẽ được châu Âu áp dụng từ cuối năm 2024; các loại thuế về carbon sẽ đến nhanh hơn; thị trường Mỹ áp quy định về chống bán phá giá, điều tra tủ bếp…
Đứng trước áp lực căng thẳng của bài toán tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp ngành gỗ đều đang nỗ lực tìm lối đi riêng. Theo đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chủ động phối hợp với khách hàng nước ngoài, sản xuất những mẫu mã mới mang thương hiệu riêng để chiếm lĩnh thị trường mục tiêu.
Có doanh nghiệp lại tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mẫu mã mới; tập trung kiện toàn bộ máy, tìm giải pháp nâng cao năng suất tiến tới tiết giảm chi phí. Dù khó khăn, một số doanh nghiệp vẫn dành ngân sách nhất định để đầu tư máy móc, nâng cao năng suất, tiến tới nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ưu tiên giải quyết những "nút thắt cổ chai"
Hiện nay có khoảng 500.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40 - 45%.
Một số chuyên gia lâu năm trong ngành gỗ nhận định, không riêng gì ngành chế biến gỗ mà các ngành hiện nay đều phải có năng suất lao động cao, chất lượng tốt.
Muốn vậy phải áp dụng công nghệ mới, mà muốn có công nghệ mới phải có kinh phí, có công nhân tay nghề cao. Như vậy, việc đào tạo công nhân công nghệ cao cũng phải được chú trọng hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu.
Mô hình “cải tiến năng suất - kinh nghiệm từ Scansia Pacific” với những bài học rất thiết thực là ví dụ điển hình cho câu chuyện nâng cao năng suất trong ngành gỗ thời gian qua.
Theo đó, cấp độ một, về thao tác, phải bảo đảm nguồn nguyên liệu nhất quán, đơn giản hoá công việc cho lao động ở đầu vào. Đây là cải tiến tăng năng suất tổng thể, tất cả mặt gỗ đẹp đều quay về một hướng.
Trước đây, người lao động phải làm quá nhiều việc, vừa lựa chất lượng vừa sản xuất, giờ chỉ cần cho gỗ vào máy. Kiểm soát năng suất đầu vào, làm sao cho máy chạy liên tục, mỗi công nhân đứng 2 - 3 máy thay vì 1 máy như trước đây.
Về chế tạo máy, phải chọn chi tiết nào số lượng nhiều, chuyên môn hoá nó để tăng năng suất. Máy móc thay đổi công nghệ, nâng cấp liên tục.
Về môi trường làm việc, phải giữ ngăn nắp, vị trí làm việc gọn gàng, ánh sáng đầy đủ, không bụi bặm, không ô nhiễm, an toàn, có hộp đựng đồ ghi rõ từng dụng cụ… sẽ tập trung công việc hơn.
Cấp độ 2 là kết nối nhiều công đoạn với nhau, thay thế bằng băng tải, giảm thời gian di chuyển, kiểm soát về năng suất nhờ hoạt động nhịp nhàng cùng lúc. Gộp những công đoạn gần chức năng lại với nhau, chuyền ráp.
Cấp độ 3 là kết nối toàn công ty. Sự kiểm soát đồng bộ rất quan trọng trong toàn nhà máy, phải có thống kê. Trước đây mạnh ai nấy làm, không quan tâm đến bộ phận khác. Làm sao thông tin được chia sẻ từng nhà xưởng riêng, để biết chắc đến ngày đi hàng là hàng nằm trong kho. Mỗi chốt đều phải có thống kê, tạo thành hệ thống kiểm soát tồn kho để biết hàng tồn đóng gói, hàng tồn trước sơn.
Nhìn chung, để áp dụng mô hình cải tiến này, mỗi công ty phải đánh giá nội lực là gì, thực trạng ra sao? Ưu tiên giải quyết những "nút thắt cổ chai" cho cả công ty, không phải "cổ chai" cục bộ. Khi quyết định cải tiến rồi, phải bình tĩnh xem xét tất cả các yếu tố công nghệ, con người, dịch vụ, hậu mãi vì thị trường hiện nay có rất nhiều công nghệ khác nhau.